Trường ĐHNL Huế: Nơi thực hiện những ước mơ

Vậy là mùa thi đại học đã qua, cái mùa mà những cô cậu học trò “vùi đầu” vào sách vở để thực hiện hoài bão ước mơ của mình. Và cuối cùng, nhiều người đã bước vào cổng trường đại học, một tương lai tươi sáng đang rộng mở cho những tân sinh viên.
 

Đại học Nông Lâm Huế, một ngôi trường có bề dày truyền thống lịch sử vẻ vang, với 42 năm sự nghiệp xây dựng và phát triển. Trường đã đào tạo hàng vạn kỹ sư nông nghiệp, với nhiều chuyên ngành khác nhau qua bao thế hệ. Họ ra trường mang theo những tri thức được học ở trường, tỏa đi khắp mọi miền đất nước và trải nghiệm vào cuộc sống. Chưa có một thống kê chính thức, nhưng những cựu sinh viên của trường tạo ra không ít những công trình, sản phẩm đã mang lại hữu ích cho xã hội, cho con người. Lớp sinh viên này qua, trường lại đón lớp sinh viên khác đến. Và năm học 2009 – 2010 này, trường ĐHNL mừng đón 1.094 SV Khóa 43, với 19 ngành đào tạo.

Đến với giảng đường ĐHNL, một ngôi trường thương yêu để các cô, cậu SV hóa giấc mơ thành hiện thực là một kỹ sư nông nghiệp trong tương lai, với những chuyên ngành: Nông học, Chăn nuôi-Thú y, Lâm nghiệp, Cơ khí Công nghệ, Thủy sản, v.v…. PGS.TS. Nguyễn Minh Hiếu, Phó Hiệu trưởng nhà trường khẳng định: Trường ĐHNL Huế đang thực hiện theo qui chế đào tạo tín chỉ rất mềm dẻo nên SV có thể phát huy tính năng động của mình trong phương pháp học mới, thời gian học của các em  có thể được rút ngắn. Với đội ngũ cán bộ giảng dạy có trình độ chuyên môn cao, vì vậy các em sẽ dễ dàng tiếp thu  kiến thức bổ ích trong thời gian được đào tạo ở trường.

Những buổi học đầu tiên ở giảng đường ĐHNL Huế, nhiều tân SV vẫn còn ngỡ ngàng với môi trường học tập mới, nhưng cũng không ít tân sinh viên tỏ ra thích thú với phương pháp học tập gắn liền thực tiễn của trường. Em Nguyễn Văn Quân, tân sinh viên lớp Khuyến nông 43 không giấu được niềm tự hào:  "Niềm mong ước trở thành một kỹ sư nông nghiệp, chuyên ngành Khuyến nông và Phát triển Nông thôn khi em còn là học sinh nay đã thành hiện thực. Em rất tự hào mình là SV của trường ĐHNL". Mới hơn 1 tháng, nhưng những tân sinh viên của trường đã thể hiện tinh thần đoàn kết. Họ không còn khép nép, ngại ngùng, trái lại các sinh viên tỏ ra thân thiện quây quần trò chuyện bên nhau sau giờ học tập. Những nhóm bạn đã được hình thành. Họ chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn khi ở xa nhà; những con đường mới lạ ở cố đô Huế; chuyện ở học đường….

Theo thống kê của Phòng Đào tạo, trong số 1.094 tân sinh viên của trường ĐHNL có đến hơn 70% SV đến từ các tỉnh, thành trong cả nước. Cuộc sống xa gia đình ở môi trường mới thiếu thốn "trăm bề", như: phải thuê nhà trọ, tự mình chăm lo ăn uống… Hầu hết các SV đều tự sắp xếp cho mình có được điều kiện học tập tốt nhất. Em Nguyễn Thị Hương Thùy, lớp Bảo quản và Chế biến nông sản 43, quê ở tỉnh Quảng Ngãi cho biết: "Em phải ở trọ tại ký túc xá của trường. Nếu ở nhà có gia đình nấu ăn thì nay em phải tự nấu ăn, em hy vọng mình sẽ sắp xếp được lịch trình để có điều kiện học tập tốt nhất".

Biết được tâm lí của những tân sinh viên đầu tiên đến trường còn "lạ" bạn bè và trường lớp, nhà trường, các khoa và các Liên chi đoàn đã có nhiều hoạt động để giúp các em gần gũi nhau hơn, như chương trình Văn nghệ chào mừng ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 của Liên chi Đoàn Khoa Thủy sản. Khoa Khuyến nông & PTNT với Chào mừng sinh viên KN & PTNT 43 đã diễn ra rất sôi nổi và được đông đảo sinh viên hưởng ứng. Bên cạnh các chương trình chào đón tân sinh viên được các khoa dàn dựng công phu, một số hoạt động công tác xã hội với nhiều ý nghĩa thiết thực đã thu hút các sinh viên khóa 43 tích cực tham gia như Hiến máu nhân đạo, tổ chức vui Tết trung thu cho các em thiếu nhi Khuyết tật, mồ côi….

Khóa học kéo dài trong thời gian bốn đến năm năm học tập tại trường là điều kiện thuận lợi để các bạn tân sinh viên biến ước mơ của mình thành hiện thực. Hành trang kiến thức của các bạn sẽ "gieo mầm", "ươm hạt" để ngành nông nghiệp nước nhà mãi xanh tốt là điều không còn xa.