Hiệu quả từ dự án “Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm có giá trị cao từ cây Atiso đỏ tại Phong Điền”

Trên toàn quốc, đã có nhiều nghiên cứu liên quan đến trồng trọt, chế biến sản phẩm từ hoa atiso đỏ đã và đang được triển khai nhưng các tiêu chuẩn về trồng trọt tốt (VietGAP), các tiêu chuẩn sản phẩm hay sản phẩm thương mại hóa vẫn chưa rõ ràng và chưa phổ biến trên thị trường. Chưa có nghiên cứu cụ thể nào được thực hiện theo chuỗi từ chọn giống, trồng trọt, chăm sóc và chế biến sản phẩm của cây Atiso đỏ. Mới đây, Trường Đại học Nông Lâm (ĐHNL), Đại học Huế phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN), tỉnh Thừa Thiên Huế (TTH) triển khai dự án nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm có giá trị cao từ cây Atiso đỏ tại Phong Điền”. Dự án do PGS.TS Nguyễn Văn Toản – Trưởng Khoa Cơ khí & Công nghệ, Trường ĐHNL làm chủ nhiệm. Sau gần 2 năm triển khai thực tế, dự án đem lại những kết quả thiết thực, qua đó khẳng định giá trị kinh tế và tiềm năng to lớn từ cây Atiso mang lại trên địa bàn tỉnh THH.

Nghiệm thu dự án "Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm có giá trị cao từ cây Atiso đỏ tại Phong Điền"
Nghiệm thu dự án “Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm có giá trị cao từ cây Atiso đỏ tại Phong Điền”

Cây Atiso đỏ từ lâu được người dân huyện Phong điền sử dụng làm thuốc, làm thực phẩm. Hiện tại, tổng số diện tích trồng atiso đỏ trên địa bàn huyện Phong điền vào khoảng 50 ha và phân bố rải rác, chưa có quy hoạch tập trung. Cây Atiso được trồng thành 2 vụ mỗi năm nhưng theo kinh nghiệm của người dân, chỉ 1 vụ cho năng suất cao khoảng 12-15 tấn/ha, vụ còn lại rất khó trồng và khó đạt được năng suất cao chỉ khoảng 7-10 tấn/ha. Sản phẩm hoa Atiso đỏ lâu nay chủ yếu được bán tươi hoặc phơi khô và tiêu thụ trong tỉnh và một số vùng lân cận. Sản phẩm mứt atiso đỏ sấy dẻo bằng công nghệ sấy lạnh đã có mặt trên thị trường nhưng chưa có công bố chính thức nào trên các tạp chí khoa học chuyên ngành. Nước uống giải khát Atiso đỏ cũng được người dân tiêu thụ nhưng chủ yếu là đun sôi với nước và sử dụng trong gia đình hoặc trong cộng đồng nhỏ. Sản phẩm trà atiso đỏ túi lọc và siro atiso đỏ cô đặc chân không cần được phân phối và truyền thông tốt hơn đến người tiêu dùng.

Dự án nghiên cứu nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm có giá trị cao từ cây Atiso đỏ tại Phong Điền” đã thực hiện theo chuỗi từ trồng trọt đến chế biến sản phẩm. Dựa trên kết quả khảo cứu về kỹ thuật trồng trọt, về các thành phần dinh dưỡng, hóa học và hoạt tính sinh học ở trên, dự án đã đề xuất dạng sản phẩm ứng dụng phù hợp, theo các định hướng. Về kỹ thuật trồng trọt: xây dựng quy trình sản xuất giống, trồng và chăm sóc cây Atiso đỏ theo hướng sản xuất sạch, an toàn, thân thiện môi trường và VietGAP. Về Thực phẩm: hoa Atiso đỏ được sử dụng làm nhiều thực phẩm như trà túi lọc Atiso đỏ, mứt sấy dẻo theo công nghệ sấy lạnh, nước siro Atiso đỏ được cô đặc bằng công nghệ chân không, nước giải khát atiso đỏ được qua công nghệ phối chế, thanh trùng nhằm duy trì chất lượng và kéo dài thời hạn sử dụng của sản phẩm.

Các sản phẩm được chế biến từ cây Atisô đỏ
Các sản phẩm được chế biến từ cây Atisô đỏ

 

Các sản phẩm được chế biến từ cây Atisô đỏ
Các sản phẩm được chế biến từ cây Atisô đỏ

Được triển khai từ tháng 9/2022 đến tháng 3/2024, dự án nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm có giá trị cao từ cây Atiso đỏ tại Phong Điền” đã thành công trong việc điều tra, đánh giá thực trạng trồng, chế biến, tiêu thụ và đề xuất các giải pháp kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng cây Atiso đỏ tại huyện Phong Điền. Dự án đã thiết lập thành công bản đồ phân bố vùng trồng cây Atiso đỏ với tỷ lệ 1:100.000, xây dựng 02 quy trình kỹ thuật về sản xuất giống, 04 quy trình kỹ thuật về chế biến, bảo quản và tiêu thụ từ cây Atiso đỏ, đào tạo 05 kỹ thuật viên, 100 lượt nông dân đủ trình độ kỹ thuật, kỹ năng sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ các sản phẩm chế biến từ Atiso đỏ theo tiêu chuẩn VietGAP; tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm theo các quy định của Bộ Y tế và 16 kỹ sư chuyên ngành Công nghệ thực phẩm; Công nghệ sau thu hoạch; Đảm bảo chất lượng và An toàn thực phẩm, Nông học, Khoa học cây trồng.

Một số mô hình tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã được chứng nhận sản xuất Nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP như các mô hình trồng rau màu tại Quảng Thọ, Quảng Thành, huyện Quảng Điền; hành lá Hương An, thị xã Hương Trà; bưởi Thanh Trà tại HTX Thủy Biều; mô hình sản xuất ớt…. nhưng cây Atiso đỏ thì chưa. Chính vì vậy, áp dụng phương thức sản xuất VietGAP cho Atiso đỏ là một trong những tiêu chuẩn sản xuất sớm nhất, là tiêu chuẩn sản xuất đầu tiên áp dụng cho Atiso đỏ được trồng tại Phong Điền, Thừa Thiên Huế. Ngoài ra, các giải pháp kỹ thuật trong nông nghiệp, trong công nghệ chế biến sau thu hoạch và phương pháp tiếp cận thị trường của sản phẩm sau chế biến từ cây Atiso đỏ của dự án nghiên cứu khoa học góp phần đảm bảo sự ổn định về sản lượng và chất lượng cũng như sự đa dạng các sản phẩm giúp gia tăng cơ hội tiếp cận người tiêu dùng.

Lãnh đạo Tỉnh, Sở KH&CN và địa phương đến thăm các mô hình sản xuất (Nguồn: baothuathienhue.vn)
Lãnh đạo Tỉnh, Sở KH&CN và địa phương đến thăm các mô hình sản xuất (Nguồn: baothuathienhue.vn)

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế hiện đang có chủ trương phát triển vùng nguyên liệu cây Atiso đỏ. Sự thành công của dự án bước đầu góp phần phát triển cây Atiso đỏ theo quy hoạch và có định hướng hàng hóa đạt tiêu chuẩn chất lượng VietGAP và đạt sản lượng cao giúp sản phẩm hoa atiso đỏ dễ dàng đến tay người tiêu dùng. Điều quan trọng hơn hết chính là dự án đã giải quyết được nguồn lao động nhàn rỗi, tăng thu nhập và tăng tính ổn định cho đời sống vật chất và tinh thần cho người dân địa phương tại Phong Điền, Thừa Thiên Huế.

Giấy chứng nhân đạt tiêu chuẩn VietGAP
Giấy chứng nhân đạt tiêu chuẩn VietGAP

Các giải pháp kỹ thuật trong nông nghiệp, trong công nghệ chế biến sau thu hoạch và phương pháp tiếp cận thị trường của sản phẩm sau chế biến từ cây Atiso đỏ của dự án nghiên cứu sẽ góp phần đảm bảo sự ổn định về sản lượng và chất lượng cũng như sự đa dạng các sản phẩm giúp gia tăng cơ hội tiếp cận người tiêu dùng. Dự án đã thực hiện theo chuỗi từ trồng trọt đến chế biến sản phẩm vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao vừa có ý nghĩa về mặt xã hội, môi trường sản xuất đảm bảo xanh sạch và có khả năng nhân rộng, đáp ứng tiêu chuẩn của Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới.