Tìm hiểu tác động biến đổi khí hậu tại sông Mekong

Từ 7 đến 9/12, đoàn phóng viên trong nước và quốc tế tham gia hành trình dọc sông Mekong, ghi nhận nỗ lực thích nghi với những khó khăn và thách thức do biến đổi khí hậu.

Biến đổi khí hậu làm mực nước biển dâng cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Đức Quang

Theo ông Lê Đức Trung, Tổng thư ký Ủy ban sông Mekong, Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu. Trong đó, mực nước biển dâng cao trong tương lai sẽ ảnh hưởng tới ít nhất 10% dân số, tập trung chủ yếu tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long và lưu vực sông Mekong.

Từ TP HCM, đoàn phóng viên quốc tế và trong nước sẽ bắt đầu hành trình tìm hiểu những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến Việt Nam, trong khu vực và trên toàn thế giới. Chủ đề chính trong các phóng sự là vấn đề biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và nguồn nước.

Các thành viên trong đoàn sẽ tìm hiểu lưu vực đồng bằng sông Cửu Long, vốn được coi là vựa lúa của châu Á, đang đối phó thế nào với mực nước biển dâng cao và vấn đề ngập mặn; thảo luận các phương pháp hiện hành trong việc đối phó với lũ lụt, trồng rừng ngập mặn, canh tác lúa và hoa mầu chịu mặn…

Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 12% tổng diện tích tự nhiên cả nước, bao gồm 12 tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và thành phố Cần Thơ với tổng diện tích tự nhiên khoảng 3,92 triệu ha, bằng 79 % diện tích đồng bằng châu thổ Mê Kông.

Khi chảy xuống hạ lưu Phnôm Pênh, sông Mekong chia thành 2 nhánh chảy ra biển Đông qua Việt Nam là sông Tiền và sông Hậu. Chế độ dòng chảy sông Mekong thành 2 mùa rõ rệt là mùa lũ từ tháng 6 đến tháng 12 với lượng dòng chảy chiếm 90% tổng lượng dòng chảy năm và mùa khô từ tháng 1 đến tháng 5. Tháng 3 và 4 là hai tháng có dòng chảy cạn nhất.