Tiêu thụ nông sản cần những “nhà” chuyên nghiệp (Bài 2)

Bài 2: Giải pháp khắc phục


Bài trước (bài 1): Những chuyện buồn trong chuỗi tiêu thụ


Đẩy mạnh thành lập tỏ sản xuất, hợp tác xã

Theo GS.TS Võ Tòng Xuân, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang, do nền nông nghiệp nước ta vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, nông dân sản xuất theo tập quán lạc hậu nên nông sản làm ra không có số lượng lớn, không đồng đều về giống, mẫu mã, chất lượng, dẫn đến giá thành cao và giảm khả năng cạnh tranh.

Vì thế, ông Xuân cho rằng, nông dân cần thay đổi tư duy, liên kết với nhau tạo thành tổ sản xuất, HTX để tự cứu mình. Theo đó, HTX sẽ là đầu mối trung gian giữa nông dân và doanh nghiệp, đảm bảo lợi ích hài hoà của hai phía. Cách làm này có thể khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ, manh mún… Ví dụ như trường hợp của Công ty Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp An Giang (Antesco), trước đây họ phải ký hợp đồng thu mua bắp non với 11.000 hộ nông dân thì nay chỉ còn 15 hợp đồng ký với các HTX và đại diện hộ nông dân.

Trên thực tế, đã có nhiều mô hình liên kết giữa nông dân với nông dân rất hiệu quả. Điển hình như HTX sản xuất thịt lợn chất lượng cao tại Hải Dương tập hợp 200 thành viên, trong đó mỗi nông dân nuôi khoảng 150 – 200 con lợn/năm; Hiệp hội sản xuất và kinh doanh lúa gạo Tám xoan Hải Hậu (Nam Định) được thành lập từ những nông dân có đầu óc đổi mới và ham làm giàu, thông qua những hợp đồng bao tiêu, họ đã nâng giá trị sản phẩm của mình từ 7.000 đồng/kg lên 12.000 đồng/kg. Hay HTX Rau an toàn Lĩnh Nam (Hoàng Mai – Hà Nội) tập hợp những nông dân sản xuất rau an toàn cung cấp cho các siêu thị, nhà hàng, khách sạn tại Hà Nội và xuất khẩu sang Lào, Thái Lan. ông Nguyễn Mạnh Tùng, Chủ nhiệm HTX cho biết: "Trước khi đưa ra thị trường, sản phẩm được đưa vào xưởng sơ chế, đóng gói, dán nhãn mác, nguồn gốc, địa chỉ sản xuất. Mỗi ngày, HTX cung cấp 3 – 5 tấn rau, củ các loại với giá cao gấp 2 – 3 lần so với thông thường".

Theo ông Lê Văn Trung, Chủ nhiệm HTX Rau an toàn Thành Lợi (Bình Tân – Vĩnh Long), mô hình tổ hợp tác, HTX rất thích hợp để bà con thay đổi tập quán sản xuất, tạo nguồn thu nhập thường xuyên, ổn định. Tại môi trường tập thể, quyền lợi của xã viên được bảo đảm và công khai, nếu HTX làm ăn có lãi, xã viên càng có lợi. Mặc dù mới thành lập được 3 năm nhưng HTX Thành Lợi đã ký hợp đồng cung ứng rau quả cho 6 doanh nghiệp trên địa bàn, năm 2007 đạt lợi nhuận 687 triệu đồng. ông Trung cho hay: "Ban đầu, việc thành lập HTX không đơn giản. Bà con nghe đến HTX đã oải lắm rồi. Mặc dù chúng tôi giải thích là mô hình HTX kiểu mới nhưng bà con vẫn chưa tin. Lúc đầu có 47 hộ nông dân đăng ký tham gia nhưng sau 2 tháng chỉ còn 4 thành viên trong Ban quản trị góp được 2,4 triệu đồng, cộng với 5 triệu vay ngân hàng để hoạt động". Sau vài vụ làm "mẫu" thành công, đến nay, HTX Thành Lợi đã ký được rất nhiều hợp đồng cung ứng đậu bắp xanh, thu mua giống và bán chanh dây, sả, ớt, ngô ngọt, khoai lang, doanh thu đạt gần 2 tỷ đồng/năm. HTX đã tập hợp được "đội quân" hùng hậu với hàng trăm xã viên và trên 100ha đất sản xuất, sản lượng rau quả các loại đạt 2.000 tấn/năm.

Liên kết các "nhà", bao giờ như mong muốn?

Ngày 24/6/2002, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 80/2002/QĐ-TTg về khuyến khích các doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ nông sản với người sản xuất, từ đó, khái niệm "liên kết các nhà" bắt đầu phổ biến. Chuyện tăng cường liên kết dọc giữa nhà nông với nhà nông hay liên kết ngang giữa 4 "nhà" (nhà nông, doanh nghiệp, Nhà nước, nhà khoa học) đã trở thành khẩu hiệu quen thuộc. Tuy nhiên, mọi việc dường như vẫn dừng lại ở hình thức tuyên truyền là chính, chưa biến thành hành động cụ thể.

Mới đây, việc tiêu thụ cá tra xuất hiện lực lượng "cò cá". Người nuôi dù đã ký hợp đồng với doanh nghiệp, nhưng muốn bắt cá sớm phải chi tiền cho "cò". Xót xa, nhưng bà con vẫn phải cắn răng bỏ tiền ra bởi ai cũng muốn bán nhanh để giảm bớt thời gian nuôi và chi phí thức ăn. Trong trường hợp này, rõ ràng vai trò liên kết giữa các "nhà" chưa thấy đâu. Vì thế, nhiều người có quan điểm, chuyện liên kết các "nhà" chỉ là lý thuyết, bởi bất cứ thị trường nào cũng phải tuân theo quy luật cạnh tranh, ai mạnh sẽ thắng.

Có thể thấy, mối quan hệ giữa các "nhà" phải dựa trên cơ sở làm ăn lâu dài, tạo dựng được niềm tin nhưng giữa các doanh nghiệp và nông dân, điều này chỉ mang tính tương đối. Chứng tỏ, không chỉ nông dân mà ngay cả các doanh nghiệp cũng không tránh khỏi tình trạng rơi vào thế bị động. Trên thực tế, do không tạo dựng được mối quan hệ với nông dân mà nhiều công ty, nhà máy thường xuyên "đói" nguyên liệu.

Theo Cục Hợp tác xã và PTNT (Bộ Nông nghiệp và PTNT), rất ít hợp đồng tiêu thụ nông sản giữ được cam kết nhưng không phải là không làm được. Tại Nhà máy Rau quả đông lạnh Mỹ Luông (Công ty Dịch vụ kỹ thuật An Giang), toàn bộ số nông sản như bắp non, đậu nành, rau củ được nhà máy bao tiêu theo phương thức đầu tư vốn và tiêu thụ. Nông dân được cung cấp giống, hỗ trợ 50% tiền vốn với yêu cầu, phải giao sản phẩm theo tiêu chuẩn Công ty đề ra. Ông Vũ Minh Anh Tuấn, Phó giám đốc Công ty khẳng định, việc ký kết theo hợp đồng khiến việc giao dịch, mua bán trở nên rõ ràng, thuận tiện. Nếu bà con không đạt được yêu cầu của Công ty, họ phải chấp nhận tăng diện tích và hưởng lợi nhuận thấp.

Ông Hai Quý ở xã Mỹ Luông (Chợ Mới – An Giang) năm nào cũng ký hợp đồng bao tiêu bắp non và rau củ cho nhà máy, cho biết: "Từ khi giao dịch qua hợp đồng, cũng có năm giá thu mua thấp hơn thị trường nhưng do ký hợp đồng theo giá sàn nên thu nhập của gia đình tôi vẫn ổn định, tiết kiệm được thời gian so với bán qua thương lái".

Ông Tạ Thúc Hào, Giám đốc Công ty TNHH Dương Thảo (Đơn Dương – Lâm Đồng) cho rằng, nông dân rất cần hỗ trợ, tư vấn, giúp đỡ tham gia thị trường thông qua các "nhà", trong đó vai trò chính vẫn là doanh nghiệp. Ngoài việc vận động, hỗ trợ bà con tham gia các hình thức kinh tế tập thể, việc tiêu thụ có thể được thực hiện theo phương thức: hợp đồng ký với HTX, sau đó, HTX ký hợp đồng riêng rẽ với từng nông dân và kiểm tra, đôn đốc các hộ thực hiện. Hợp đồng sẽ thành công nếu có điều khoản rõ ràng, quy định thời điểm có thể thảo luận lại các điều kiện trong hợp đồng. Quan trọng nhất là hợp đồng phải công bằng và chia sẻ rủi ro cho các bên.

Về vai trò của Nhà nước trong vấn đề tiêu thụ nông sản, trong đó có việc tiêu thụ lúa gạo, phát biểu tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XII, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, Nhà nước có vai trò điều hành và dự báo về giá cả thị trường, các hoạt động giao dịch xuất khẩu, chỉ đạo các bộ ngành và doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ để bao tiêu hết lúa hàng hóa và bảo đảm nguồn hàng cho các hợp đồng đã ký… "Việc bảo đảm chất lượng và nâng cao cạnh tranh về giá để chiếm lĩnh và mở rộng thị trường là vấn đề sống còn của doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp không thể tự mình quyết định tất cả. Vì vậy, Nhà nước phải chia lửa với doanh nghiệp, cùng với việc thực hiện chính sách linh hoạt, đúng đắn… Do tiền của Nhà nước có hạn, Chính phủ sẽ xem xét việc hỗ trợ cụ thể và hợp lý dựa trên cơ sở thực tế cho người trồng lúa, người nuôi cá ba sa và người nuôi tôm bị thiệt hại", Thủ tướng nhấn mạnh.

Một số giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ nông sản hàng hoá

1. Đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, vận động nông dân, doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác thực hiện các hình thức tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng, gắn sản xuất với chế biến, nhất là ở vùng sản xuất nguyên liệu tập trung. Nâng cao nhận thức trong việc thực hiện các cam kết trong hợp đồng.

2. Tăng cường đầu tư, hỗ trợ xây dựng vùng sản xuất quy mô lớn, vùng nguyên liệu tập trung để thúc đẩy các hình thức liên kết, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ.

3. Trong quy hoạch, cần tạo điều kiện để nông dân, các HTX và tổ hợp tác cùng tham gia xây dựng, đóng góp ý kiến và thực hiện.

4. Hỗ trợ các hình thức kinh tế hợp tác của nông dân, các hiệp hội, ngành hàng để các tổ chức này có đủ khả năng cung cấp dịch vụ tiêu thụ nông sản cho nông dân, hạn chế tình trạng độc quyền, ép giá…

5. Hỗ trợ pháp lý cho nông dân và các bên liên quan trong việc ký hợp đồng.

6. Tăng cường sự chỉ đạo của chính quyền các cấp, các cơ quan liên quan.

7. Tăng cường hợp tác quốc tế.

Nguồn: Cục Hợp tác xã và PTNT (Bộ Nông nghiệp và PTNT)