Thụ tinh gia súc cần giống, chính sách tốt

Tỷ lệ thụ tinh nhân tạo còn thấp

  

Theo Cục Chăn nuôi, trong những năm qua, công tác thụ tinh nhân tạo (TTNT) lợn phát triển khá mạnh, vùng miền nào cũng tăng về số lượng cơ sở TTNT. Năm 2000, số cơ sở TTNT mới là 282, thì đến 2008 đã đạt 549 cơ sở, tăng bình quân 8,7%/năm. Tổng số lợn đực giống hiện nay là 4,56-4,74 ngàn con, với năng lực sản xuất khoảng 5,77-6,19 triệu liều tinh/năm.

TTNT đã góp phần đáng kể trong việc nâng cao chất lượng đàn heo. Điển hình như ở Đồng Nai, với 260 ngàn liều tinh cung cấp hàng năm (tỷ lệ phối giống, đậu thai đạt 80%), tỷ lệ nạc hóa đàn heo tỉnh này đã tăng từ 35-40% lên 50-60%. Đàn heo Tiền Giang đã có trên 90% là giống heo lai từ 2-3 máu…

Trên đàn bò, TTNT đã mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhất là trong việc nâng cao năng suất, chất lượng đàn bò Việt Nam. Từ năm 2001 đến 2007, tốc độ phát triển đàn bò đạt bình quân 11,8%/năm, và bò lai hiện đã chiếm trên 30% tổng đàn bò 6,7 triệu con hiện nay. TTNT đã góp phần tạo ra đàn bò sữa Việt Nam, hiện đã đạt hơn 120 ngàn con, trong đó 90% là bò lai HF được lai tạo trong nước bằng kỹ thuật TTNT giữa bò đực giống thuần HF và bò cái nền lai Zebu. Ở TP HCM, nhờ công tác TTNT mà hiện đã có đàn bò lớn nhất nước với 71.820 con (có 37.000 con đang vắt sữa), năng suất sữa tăng từ 4.900 kg/con/năm (2005) lên 5.100 kg/con/năm (2008), nâng tổng sản lượng sữa TP lên 190 ngàn tấn năm 2008.

Tuy nhiên, công tác TTNT trên gia súc còn khá nhiều hạn chế. Dù lượng tinh nói trên còn lâu mới đủ cho cả đàn heo nái trong nước, thế mà lượng tinh tiêu thụ trên thực tế lại thường thấp hơn nhiều so với lượng tinh sản xuất ra. Năm 2007, chỉ có 4,55 triệu liều tinh được tiêu thụ trên tổng số 5,77 triệu liều được sản xuất.

Năm 2008, có 4,96/6,19 triệu liều được tiêu thụ. Chính vì thế, lượng con nái được thụ tinh hiện nay mới chỉ đạt 29,1-30,2% tổng đàn nái cả nước. Đội ngũ dẫn tinh viên (DTV) cho heo tuy đã khá nhiều (trên 10 ngàn người), nhưng trong đó có tới hơn 41% số người chưa qua các lớp đào tạo cơ bản về kỹ thuật TTNT, do đó, kết quả thụ tinh có thai cho đàn heo nái còn khá thấp.

Cần giống tốt, chính sách tốt

Theo kế hoạch, đến năm 2010, tỷ lệ TTNT cho heo phải đạt 33-34%, năm 2015 từ 42-43% và 53-54% vào 2020. 100% bò sữa giống được phối giống nhân tạo và đạt 200 ngàn con vào 2010 (377 ngàn tấn sữa), 350 ngàn con vào 2015 (701 ngàn tấn sữa) và 500 ngàn con vào 2020 (1,012 triệu tấn sữa). Đàn bò thịt cũng sẽ được nâng lên 7,86 triệu con năm 2010 (32% là bò lai), 10 triệu con năm 2010 (40% bò lai) và 12,5 triệu con năm 2020 (50% bò lai…

Để đạt được những mục tiêu này, vấn đề chọn giống để phát triển bằng TTNT sẽ tiếp tục là mối quan tâm hàng đầu. Về lợn, ở các tỉnh phía Bắc, do đặc thù cơ cấu đàn lợn nái nội và nái lai chiếm tỷ lệ cao, lợn lai thương phẩm 2, 3 hoặc 5 máu, chăn nuôi trang trại chưa nhiều, do đó cơ cấu đàn lợn đực để TTNT nên tiếp tục ưu tiên phát triển các giống lợn Yorkshire, Landrace, Duroc, hoặc đực lai YL, LY và nhóm lợn đực của PIC.

Thực tế cho thấy, trong những năm qua, những địa phương có tỷ lệ TTNT cao trên lợn, bò, đều có những chính sách tốt và kịp thời, như: Khánh Hoà sử dụng ngân sách tỉnh hỗ trợ các cơ sở TTNT và phối giống trực tiếp thông qua các chương trình, dự án; Đồng Tháp hỗ trợ 100% tiền mua lợn đực giống cho các Trạm TTNT nhà nước, hỗ trợ 40% tiền mua lợn đực giống cho các cơ sở TTNT tư nhân; Bình Thuận hỗ rợ tinh lợn với giá 10.000 đ/liều…

Ở các tỉnh phía Nam, đàn lợn nái ngoại chiếm tỷ lệ cao, lợn lai thương phẩm chủ yếu là 3, 4 hoặc 5 máu, mô hình chăn nuôi trang trại, công nghiệp phát triển, yêu cầu chất lượng sản phẩm lợn thịt trên thị trường rất đa dạng… Vì vậy, cơ cấu giống lợn đực cho TTNT cần tiếp tục ưu tiên phát triển các giống Landrace, Yorkshire, Pietrain, Duroc, lai YL hoặc LY, lai PiDu hoặc DuPi, lai DL hoặc LD và nhóm lợn đực của France hybrides.

Về bò thịt, việc cải tạo đàn bò địa phương theo hướng Zebu hoá sử dụng TTNT vẫn sẽ tiếp tục được đẩy mạnh ở tất cả các vùng, miền trong cả nước. Bên cạnh đó, một số vùng miền, địa phương cũng cần đẩy mạnh lai tạo với giống bò ngoại khác. Chẳng hạn, ở cao nguyên Mộc Châu (Sơn La), Sapa (Lào Cai), Quản Bạ (Hà Giang) và vùng ĐBSH có thể lai tạo bằng TTNT với bò Brahman và các giống bò khác để tạo đàn bò thịt từ 75% máu ngoại trở lên. Tại Bảo Lộc, Đức Trọng và Đà Lạt của tỉnh Lâm Đồng sẽ hình thành một số trang trại bò giống Zebu thuần…

Phát triển đàn bò sữa sẽ sử dụng nguồn gen mới có năng suất cao 12-18 tấn sữa/chu kỳ và sản xuất tinh đông lạnh trong nước.