Quy trình GAP, hướng đi tất yếu (Bài 4)

Bài 4: Tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng: Đâu là khó khăn?

Bao giờ "lối nhỏ thành đường"?

Ai cũng nhận thấy việc tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng giúp DN chủ động nguồn nguyên liệu, hoạt động sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn; nhà nông có điều kiện phát triển sản xuất, tăng thu nhập. Nhưng đó chỉ là ý tưởng trên lý thuyết, còn trong thực tế, tỷ lệ thành công không nhiều.

Lâm Đồng là tỉnh có nhiều vùng chuyên canh nhưng số lượng nông sản được bao tiêu qua hợp đồng vẫn quá ít, bình quân mỗi năm chỉ có khoảng 2.000/185.000 tấn chè búp tươi, 25.000/700.000 tấn rau… được mua qua hợp đồng; ngay cả càphê, cây trồng thế mạnh của địa phương cũng chưa được mua qua hợp đồng theo đúng nghĩa. Toàn tỉnh chỉ có 40/2.000 DN triển khai ký hợp đồng thu mua nông sản cho nông dân, chủ yếu là các hợp tác xã nông nghiệp và một số DN có vốn đầu tư nước ngoài. Theo lãnh đạo tỉnh, trừ một vài đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện nghiêm túc và đạt hiệu quả cao, còn không ít hợp đồng chỉ thu mua vài tấn, thậm chí làm theo kiểu "ngẫu hứng" nên hiệu quả đạt thấp. Ông Nguyễn Văn Kiên ở phường 7 (TP. Đà Lạt), cho biết: "Tiếng là bán hàng qua hợp đồng nhưng năm qua, gia đình tôi chỉ bán được 3 tấn rau trong số hàng trăm tấn thu hoạch".

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này nhưng chung quy vẫn là do tình trạng "xù" hợp đồng từ cả hai phía. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc làm ăn giữa DN và nông dân vẫn theo kiểu mạnh ai nấy làm, không thực sự coi nhau như đối tác "cùng hội cùng thuyền", nên khi được mùa hay mất mùa thường xảy ra tình trạng "anh khóc" hoặc "tôi khóc".

Ngày 24 tháng 6 năm 2002, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 80/2002/QĐ – TTg về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng. Tuy nhiên, tỷ lệ thu mua nông sản thông qua ký kết hợp đồng đạt thấp, lúa hàng hoá đạt 6 – 9% sản lượng, thuỷ sản dưới 10% sản lượng, càphê 2-5% diện tích…

Ngày 25/8/2008, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 25/2008/CT – TTg về việc tăng cường chỉ đạo tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng. Theo đó, ban hành các chính sách có liên quan đến sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản; tích cực dồn điền đổi thửa, phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác; hỗ trợ xây dựng hạ tầng, vốn, phát triển các vùng sản xuất hàng hóa lớn, vùng nguyên liệu tập trung.

Dù Công ty cổ phẩn Giống cây trồng Cao Bằng đã bỏ ra hàng tỷ đồng để phát triển vùng lạc giống tại hai huyện Trà Lĩnh và Thông Nông, nhưng những "thượng đế" được đầu tư vẫn bán thành phẩm cho tư thương, bởi chênh lệch giá, khiến tỷ lệ thu mua chỉ đạt 60% kế hoạch. Điều này dẫn đến cơ sở sản xuất giống của Công ty mới đầu tư ở xã Thượng Thôn (Hà Quảng) với kinh phí trên 1 tỷ đồng có nguy cơ ngừng hoạt động vì thiếu nguyên liệu. Ông Hoàng Thái, Giám đốc Công ty bức xúc nói: "Hợp đồng nêu rõ các hộ sản xuất lạc giống được hỗ trợ đầu tư phải có trách nhiệm bán lại cho Công ty 50% sản lượng trên mỗi hécta thu hoạch, phần bán vượt cam kết được hưởng thêm 1.000 đồng/kg nhưng họ đã tự ý phá hợp đồng. Sở dĩ tư thương mua giá cao hơn vì họ không phải bỏ vốn đầu tư cho bà con".

Khi được hỏi vì sao lại phá vỡ hợp đồng, nhiều nông dân thản nhiên trả lời: "Được lúc nào hay lúc đấy. Hơn nữa, đâu riêng gì chúng tôi, ngay đến cả DN nhiều khi cũng chẳng giữ uy tín".

Trên thực tế, có nhiều DN lợi dụng sự kém hiểu biết của bà con về chất lượng, giá cả đã ép giá khi được mùa. Mức giá thỏa thuận có thể bị DN đánh tụt xuống chỉ sau một câu phán "xanh rờn": "Chất lượng không đảm bảo". Thế mới có chuyện nông dân Tiền Giang khởi kiện Công ty Rau quả Tiền Giang vì "tội" xù hợp đồng. Trong khi bà con xã Tân Lý Đông (Châu Thành) đang trồng hoa màu có thu 50 triệu đồng/ha/năm, thì công ty này cử cán bộ đến từng gia đình thuyết phục nông dân trồng nha đam với giá thu mua hấp dẫn. Một loạt hợp đồng tiêu thụ được ký kết. Nhưng đến mùa thu hoạch, đơn vị này đã "đem con bỏ chợ" với lý do không có thị trường tiêu thụ, nhiều gia đình lâm vào cảnh "bác thằng bần". Bi kịch hơn, muốn phá bỏ để trồng cây khác cũng không được vì hợp đồng đã ký chưa hết hạn. Bỏ không được, giữ cũng chẳng xong, họ đành đâm đơn ra toà.

Nếu tình trạng không tôn trọng hợp đồng giữa DN và nông dân còn kéo dài và không được chấn chỉnh sẽ gây nên tình trạng sản xuất kém bền vững, thiệt hại cho cả 2 phía và nền kinh tế nói chung.

Hợp tác từ sản xuất đến tiêu thụ

Một trong những giải pháp được coi là hữu hiệu nhằm thúc đẩy việc ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản giữa nông dân và DN chính là hình thành các hợp tác xã (HTX), coi đây là đầu mối trung gian, hài hoà lợi ích của cả hai phía. Cách làm này có thể khắc phục được diện tích sản xuất nhỏ, manh mún… Thông qua HTX, DN không những được cung ứng nguồn nguyên liệu dồi dào, giảm chi phí giao dịch mà khi xảy ra tranh chấp sẽ nắm được "thóp" người sản xuất.

HTX bưởi Năm Roi Mỹ Hoà (Bình Minh – Vĩnh Long) có 47 thành viên với 36ha đất vườn chuyên canh. Ngay từ khi thành lập, HTX đã thực hiện mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn EUREPGAP (tiêu chuẩn châu Âu) và nay là GLOBALGAP (tiêu chuẩn toàn cầu). Nhờ đó, HTX giám sát được chuỗi sản xuất từ canh tác, thu hoạch, vận chuyển… Mỗi năm bán ra hàng trăm tấn bưởi cho các siêu thị từ Bắc vào Nam, còn ký hợp đồng xuất khẩu sang Nga và Pháp. Với cách làm này, Vĩnh Long được xem là tỉnh có nhiều HTX làm tốt vai trò là trung gian giữa "2 nhà". Anh Mai Văn Trung, Chủ nhiệm HTX rau an toàn Thành Lợi (huyện Bình Tân) cho biết: "Để ổn định sản xuất, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, chúng tôi tiến hành ký hợp đồng tiêu thụ với các DN, siêu thị, trung tâm thương mại. Ngay từ đầu vụ, HTX thống nhất cơ cấu giống, diện tích, sản lượng nông sản của mỗi xã viên, tổ chức đội sản xuất, kiểm tra để thống nhất biện pháp canh tác, quy trình bón phân, phun thuốc trừ sâu… Mỗi năm, HTX cung ứng cho thị trường trên 2.000 tấn rau, doanh thu 2 tỷ đồng".

Cần có chế tài đủ mạnh

Theo PGS. TS. Vũ Trọng Khải, nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý Nông nghiệp và PTNT II, hợp đồng bao tiêu nông sản giữa DN với nông dân có rất nhiều điều khoản, thế nhưng lại thiếu khoản quan trọng nhất là quy định trách nhiệm của các bên khi tham gia ký hợp đồng.

GS. Võ Tòng Xuân, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang cho biết: Chính sách liên kết giữa DN với nông dân thông qua hình thức hợp đồng bao tiêu sản phẩm đã có từ lâu nhưng hiện vẫn chưa có chế tài đủ mạnh để thực hiện hiệu quả. Để giải quyết thực trạng này, Nhà nước cần hỗ trợ hai bên thông qua việc tạo thuận lợi cho tích tụ đất đai, đẩy mạnh chuyển giao khoa học công nghệ …

Cục trưởng Cục Hợp tác xã và PTNT (Bộ Nông nghiệp và PTNT) Lã Văn Lý lại cho rằng, về cơ bản, các biện pháp xử lý đối với DN khi vi phạm hợp đồng là tương đối hoàn chỉnh và khả thi. Nhưng phương thức xử lý nông dân khi "xù" hợp đồng hiệu lực chưa cao, biện pháp chưa đủ mạnh… Bản thân DN không muốn thông qua toà án hoặc trọng tài kinh tế khi xảy ra tranh chấp, vì thế, để tự phòng vệ, DN cần phải phối hợp với chính quyền xã lựa chọn những nông dân thực sự có uy tín, có khả năng hoàn vốn để làm ăn. Bên cạnh đó, cần tăng cường vai trò của HTX, tổ hợp tác, nhóm hộ trung gian…

Về lâu dài, để đảm bảo hợp đồng được thực hiện theo đúng cam kết trong trường hợp có nguyên nhân khách quan như thiên tai, hoả hoạn…, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã kiến nghị Chính phủ ban hành chế độ bảo hiểm, bảo lãnh; bên cạnh đó, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về chế tài xử lý tranh chấp đối với các hợp đồng thu mua nông sản.