Quy trình GAP, hướng đi tất yếu (Bài 3)

Bài 3: Điểm sáng và những tồn tại cần tháo gỡ.

Thiếu đầu ra, nguyên nhân căn bản

Để sản xuất phát triển bền vững, "bài toán nguyên liệu" lẽ ra phải được các doanh nghiệp đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, có một nghịch lý tồn tại đã lâu ở nhiều địa phương nhưng chưa có cách tháo gỡ là các cơ sở chế biến mọc lên quá nhiều nhưng ít gắn với vùng nguyên liệu tập trung. Các chủ dự án hầu như chỉ quan tâm đến xây dựng nhà máy nên tốc độ phát triển vùng nguyên liệu bị chậm trễ, hiệu suất sử dụng thấp, sản xuất, kinh doanh thua lỗ. Việc phát triển nhanh diện tích rau, quả và hệ thống cơ sở chế biến những năm qua chưa theo quy hoạch. ở nơi có nhà máy thì thiếu vùng chuyên canh với sản lượng lớn; ngược lại, nhiều vùng sản xuất tập trung lại chẳng có một cơ sở công nghiệp chế biến, gây khó khăn lớn trong khâu thu hoạch sản phẩm.

Nông sản là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ hai của tỉnh Bắc Giang. Vùng nguyên liệu lớn và tập trung nhất, đồng thời trở thành thế mạnh của địa phương này là vải thiều Lục Ngạn. Với gần 20.000ha, sản lượng liên tục tăng, thương hiệu đã có uy tín nhưng việc xuất khẩu lại gặp nhiều khó khăn. Hàng năm, 40% lượng vải thiều xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu qua đường tiểu ngạch, do đó giá trị kinh tế không cao. Trong khi đó, xuất khẩu chính ngạch hầu như không thực hiện được do yêu cầu kiểm dịch nghiêm ngặt, đòi hỏi khắt khe của đối tác về mẫu mã, tiêu chuẩn chất lượng.

Bà Nguyễn Thị Thuận, Giám đốc Công ty cổ phần Thuốc lá và Thực phẩm Bắc Giang cho rằng, lượng nông sản của tỉnh mới chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu của Công ty, còn lại phải thu mua từ tỉnh ngoài. Mặc dù chi phí vận chuyển, giá thành cao hơn nhưng bù lại, chất lượng nông sản đáp ứng được yêu cầu cho xuất khẩu. Nhiều ý kiến cho rằng, Bắc Giang là vùng đất màu mỡ, thậm chí còn nằm ở tiểu vùng khí hậu, phù hợp với việc phát triển cây hàng hoá chất lượng cao nhưng do quy mô nhỏ lẻ, manh mún khiến việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật gặp nhiều khó khăn, sự liên kết "4 nhà" trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chưa chặt chẽ.

Có lẽ chính vì không tìm được đầu ra cho sản phẩm mà lâu nay có rất nhiều dự án, chương trình xây dựng vùng nguyên liệu ở các địa phương bị đổ vỡ. Đề án trên giấy thì rất hay, thuyết phục nhưng khi triển khai vào thực tế sản xuất, không ít địa phương mới nhận ra rằng, việc xây dựng vùng nguyên liệu không thể làm theo kiểu "cầm đèn chạy trước ô tô". Bài học về phát triển vùng nguyên liệu dứa ở Bình Định là một ví dụ.

Sau nhiều năm tham quan, học hỏi kinh nghiệm của một số tỉnh, năm 2001, lãnh đạo tỉnh Bình Định quyết định thực hiện dự án phát triển vùng nguyên liệu dứa tại các huyện Hoài Nhơn, Hoài Ân, Phù Mỹ và An Lão với tổng vốn đầu tư 36 tỷ đồng. Đồng thời, xây dựng nhà máy chế biến dứa và rau, quả xuất khẩu, công suất 10.000 tấn sản phẩm/năm với hy vọng dứa sẽ giúp nông dân địa phương đổi đời. Đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng và làm chủ dự án là Lâm trường An Sơn (thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Định). Để đảm bảo nguyên liệu cho nhà máy hoạt động, tỉnh đã quy hoạch hơn 3.500ha đất tại 4 huyện để trồng dứa. Tuy nhiên, việc triển khai xây dựng vùng nguyên liệu gặp khó khăn ngay từ đầu bởi Lâm trường An Sơn không chủ động được nguồn giống Cayen và Queen tại chỗ, phải mua của các tỉnh và nhập ngoại với giá cao. Khi đã có giống, nông dân lại không chịu trồng bởi chi phí đầu tư cao (50 triệu đồng/ha), hơn nữa thời gian thu hoạch quá dài (trên 18 tháng), kỹ thuật trồng, chăm sóc phức tạp, đầu ra sản phẩm không có (thời điểm đó nhà máy chưa xây dựng)… Để nhanh chóng triển khai dự án, lãnh đạo tỉnh giao Công ty cổ phần Chế biến dứa và hoa quả xuất khẩu Bình Định đảm đương việc phát triển vùng nguyên liệu, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Khi vụ dứa đầu tiên được thu hoạch cũng đồng nghĩa với việc những nông dân tham gia dự án trở thành "chúa Chổm" bởi không biết bán cho ai khi nhà máy chế biến còn không tìm được đầu ra cho sản phẩm của chính mình. Tình trạng này kéo dài làm cho dự án phát triển vùng nguyên liệu dứa và chế biến rau quả xuất khẩu ở Bình Định bị phá sản.

Gắn nguyên liệu với chế biến, tiêu thụ sản phẩm

Tiến sĩ Võ Mai, Phó chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam cho rằng, để có thể hình thành những vùng sản xuất lớn, mỗi xã, địa phương phải có những vùng sản xuất gắn kết chặt chẽ với chế biến, tiêu thụ trong và ngoài nước.

Nhắc đến huyện Cái Bè (Tiền Giang), nhiều người nghĩ ngay đến quê hương của giống xoài cát Hoà Lộc và xoài cát Chu, một trong những đặc sản làm nên "tên tuổi" của trái cây Việt Nam với bạn bè quốc tế. Xác định đây là cây trồng chủ lực để phục vụ xuất khẩu, lãnh đạo huyện đã quy hoạch vùng chuyên canh xoài, trên cơ sở đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng đồng bộ các giải pháp thâm canh đạt năng suất cao và hiệu quả tốt. Ngoài ra, huyện cũng ban hành các chính sách trợ vốn ưu đãi, xây dựng mô hình canh tác kiểu mới và tăng cường xúc tiến thương mại giúp thương hiệu xoài cát Hoà Lộc và cát Chu vươn xa. Đến nay, huyện có gần 4.500ha xoài, trong đó trên 2.600ha là xoài cát Hoà Lộc và cát Chu, giá bán lên tới 30.000 đồng/kg, nhiều nhà vườn thu lợi nhuận 150 – 200 triệu đồng/ha. Cái Bè phấn đấu xây dựng vùng chuyên canh 2 giống xoài này với diện tích khoảng 3.000ha, tập trung tại 8 điểm ven sông Tiền, sản lượng 50.000 – 60.000 tấn/năm.

Bảo đảm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến theo yêu cầu về số lượng, chất lượng, chủng loại cũng như thời gian và địa điểm sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp, đồng thời tăng thu nhập cho nông dân khai thác tốt tiềm năng đất đai. Để đáp ứng yêu cầu đặt ra, đòi hỏi phải có các giải pháp đồng bộ, từ khâu quy hoạch, hệ thống chính sách khuyến khích người sản xuất, cũng như thúc đẩy mối liên kết giữa nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và Nhà nước.

Với mục tiêu hình thành vùng nguyên liệu ổn định (khoảng 100ha) phục vụ nhà máy chế biến măng tre xuất khẩu thuộc Công ty Chi Lăng (Đài Loan – Trung Quốc), từ tháng 1/2006, Công ty đã phối hợp với huyện Phổ Yên (Thái Nguyên) triển khai chương trình trồng tre măng Lục Trúc tại 2 xã Minh Đức và Đắc Sơn, thu hút 150 hộ tham gia. Ngoài việc cung ứng cây giống cho nông dân với giá ưu đãi 10.000 đồng/cây, Công ty còn hỗ trợ 50% giá giống, huyện hỗ trợ 25%. Toàn bộ sản phẩm được Công ty thu mua theo giá thoả thuận tại thời điểm thu hoạch. Bên cạnh đó, Công ty còn cử cán bộ kỹ thuật phối hợp với Trạm khuyến nông huyện tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc tre măng cho nông dân, vì vậy tỷ lệ sống của cây lên tới 90%. Đến nay, Phổ Yên trở thành vùng nguyên liệu cung cấp tre măng lớn nhất cho nhà máy, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn nông dân.

Xây dựng vệ tinh cung ứng nguyên liệu

Thực tế cho thấy, cả nước hiện chưa có quy hoạch tổng thể để làm căn cứ cho việc xét duyệt cấp phép đầu tư xây dựng các cơ sở công nghiệp chế biến gắn với vùng sản xuất tập trung. Vì vậy, theo ông Bùi Tất Tiệp, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Quy hoạch (Bộ Nông nghiệp và PTNT), cần khuyến khích và tạo điều kiện cho gia đình, doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư các cơ sở chế biến, bảo quản rau quả quy mô nhỏ tại chỗ để làm vệ tinh cung ứng nguyên liệu, bán thành phẩm cho các nhà máy. Về vấn đề này, ông Tiệp đưa ra mô hình trồng hoa cúc ở thôn Tiên Nộn, xã Phú Mậu (Phú Vang – TP. Đà Nẵng). Chỉ với 20 hộ dân trồng hoa cúc nhưng nơi đây đã trở thành vùng chuyên canh đứng đầu địa phương. Nhờ trồng hoa cúc mà nhiều nông dân đã trở thành triệu phú, bình quân thu nhập mỗi hộ lên tới 120 triệu đồng/ha. Nhận thấy đây là hướng phát triển kinh tế mang lại hiệu quả, UBND huyện đã có nhiều chính sách hỗ trợ như làm đường giao thông, hệ thống đê bao, thuỷ lợi bảo đảm an toàn sản xuất.

Đối với nhà máy mới xây dựng, cần đặc biệt quan tâm đến đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, đảm bảo công suất chế biến, đồng thời nghiên cứu đa dạng hoá sản phẩm phù hợp với từng mùa và vùng sinh thái, nhằm kéo dài thời gian hoạt động của dây chuyền; các nhà máy đang hoạt động cần đầu tư theo chiều sâu, nâng cấp thiết bị…