“Bắt đầu từ thị trường nông thôn”

TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là cuộc vận động lâu dài, chứ không riêng trong giai đoạn khủng hoảng. Ông Doanh cũng khuyên các DN nên về nông thôn.
   

Thị trường khu vực vùng cao đang rất cần được khai thác

Ông Doanh dẫn ra nhiều ví dụ để minh chứng, một số mặt hàng SX tại Việt Nam tuy chất lượng tốt song có bao bì, đóng gói, trình bày chưa hấp dẫn. Mặt hàng sữa là điển hình.

Lợi dụng sự thiếu thông tin người tiêu dùng, các hãng sữa ngoại đã đẩy giá cao hơn 1,5-2 lần so với sữa nội mà chất lượng cũng không hơn. Được biết các hãng sữa ngoại  đã chi khoảng 30 triệu USD cho quảng cáo trên truyền hình, cho bao bì và 60-70 triệu USD, cho các cuộc hội thảo, hoa hồng, tiếp thị vượt quá quy định 10% của Bộ Tài chính. Thế là người tiêu dùng bị ngộ nhận qua các thông tin quảng cáo.

Ông Doanh nhận xét, tâm lý "sính" hàng ngoại phổ biến ngay cả ở khu vực mua sắm công ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức SX trong nước. Vì vậy cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" là rất quan trọng và cấp thiết. Nó có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo ra quyết tâm chính trị cho các cơ quan ra và thực thi chính sách, các DN và tổ chức tiêu thụ trong việc làm mọi cách để đưa hàng nội chiếm lĩnh thị trường, đến với người tiêu dùng. Cuối cùng nó thay đổi tâm lý tiêu dùng. Vì vậy đây là cuộc vận động lâu dài, kiên trì chứ không phải chỉ làm trong lúc khủng hoảng.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Cục phó Cục QLTT (Bộ Công thương) nói: Người tiêu dùng bỏ đồng tiền ra có quyền chọn lựa mặt hàng có chất lượng cao, giá phải chăng, mẫu mã đẹp. Vấn đề ở chỗ chúng ta chưa làm cho người tiêu dùng có đủ thông tin để thấy rằng không hẳn "tiền nào của ấy". Unilever cách đây vài năm, đã SX và đưa ra những gói dầu gội đầu có giá 500 đồng để đưa về nông thôn rất thành công. Theo nhà SX này, doanh số từ những gói dầu nhỏ đó gấp nhiều lần sản phẩm đóng chai, và rất dễ tiêu thụ. "Đây là bài học lớn cho các DN", chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận xét.

"Nhà nước không thể "ba đầu sáu tay" làm tất cả mọi việc. Nhà nước không thể quản lý chất lượng của bà bán bún riêu hay cô cắt tóc gội đầu. Cái này phải do các Hiệp hội nghề nghiệp làm. Ở nước ngoài, nhiều nước có quy định về hiệp hội rất rõ là ai kinh doanh mặt hàng nào thì phải tham gia vào hiệp hội và có trách nhiệm đảm bảo chất lượng và tham gia vào chống hàng giả, hàng nhái"

(TS Lê Đăng Doanh)

Theo ông Võ Văn Quyền, Vụ phó Vụ chính sách thị trường trong nước (Bộ Công thương), không phải đơn thuần mà Chính phủ đồng ý cho triển khai Chương trình "Xúc tiến thương mại thị trường trong nước", trong đó chú trọng đặc biệt đến thị trường rộng lớn và đầy tiềm năng là nông thôn. Một bài học lớn từ nước láng giềng Trung Quốc cho thấy, đây cũng là nơi tiêu thụ sản phẩm, mang lại doanh số lớn không kém XK.

Tuy nhiên, để mở rộng thị trường nông thôn, việc bảo hộ hàng hóa trong nước vô cùng quan trọng. Hiện người tiêu dùng số đông ở vùng nông thôn, miền núi thông tin ít nên khó có thể trở thành "người tiêu dùng thông thái". TS Doanh đề xuất, các cơ quan Nhà nước cấn đấu tranh có hiệu lực hơn với các sản phẩm độc hại, có chất lượng thấp song có nội dung quảng cáo khoa trương vượt xa sự thật. Các DN Việt Nam cần phối hợp với các nhà phân phối đẩy mạnh việc đưa hàng Việt Nam về nông thôn hợp với nhu cầu tiêu dùng của người nông dân Việt Nam, theo đúng thời vụ và thị hiếu của từng vùng.