Phân cấp mạnh, giám sát chéo giáo dục ĐH

Chiều 14/11, Bộ GD – ĐT tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2009 – 2010 khối các ĐH tại 5 điểm cầu: Hà Nội, Vinh, Đà Nẵng, TP HCM và Cần Thơ. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng GD – ĐT Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, từ năm học tới, chấm dứt tình trạng sai phạm tại các ĐH.

>> Cần phá thế khép kín ‘dạy – ra đề – chấm điểm’
>> Yêu cầu xử lý nghiêm các ĐH vi phạm quy chế

Thứ  trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý cho biết, quý 4/2009, Bộ sẽ tham mưu cho Chính phủ ban hành nghị định về việc phối hợp và phân cấp mạnh việc quản lý các ĐH, CĐ giữa Bộ GD – ĐT với các bộ ngành và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung uơng.

Phân cấp quản lý, giám sát chéo

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng GD – ĐT Nguyễn Thiện Nhân nói: "Chưa bao giờ điều kiện phát triển giáo dục thuận lợi nhưng cũng đặt nhiều thách thức cho những người làm công tác quản lý như hiện nay". Do vậy, trong năm học này, không thể tiếp tục duy trì cách quản lý giáo dục ĐH học như những năm qua. Sắp tới, không chỉ Bộ đánh giá các trường, mà chính các trường cũng tham gia đánh giá công tác điều hành của Bộ.

ĐH nào trì trệ thì sinh viên (SV) và Bộ sẽ có ý kiến nhằm tránh tình trạng sai phạm của một số trường kéo dài do giảng viên và SV làm ngơ. Năm học này, các ĐH sẽ triển khai mạnh cơ chế SV đánh giá giảng viên, trường tham gia đánh giá Bộ, chứ không chỉ có Bộ đánh giá trường.

 
Đến 15/1/2010, ĐH nào không công bố cam kết "3 công khai" thì sẽ không được giao chỉ tiêu tuyển sinh. Ảnh: Đức Long.

Phó Thủ tướng cho biết, khung pháp lý sẽ được ban hành để các địa phương tham gia giám sát ĐH. Thực tế, với đội ngũ thanh tra của Bộ như hiện nay, nếu đi đủ trên 400 ĐH để thanh tra thì phải mất hơn 3,5 năm mới hết một vòng. Các địa phương sẽ giám sát hoạt động tuân theo quy chế của các trường ĐH, chứ không can thiệp vào việc giảng dạy của trường. Còn đánh giá nội dung, chương trình đào tạo… sẽ do Bộ và các trường chịu trách nhiệm.  

Không công khai, không giao chỉ tiêu tuyển sinh

Việt Nam hiện có 376 ĐH và CĐ, tăng gấp 3,7 lần so với năm 1987. Tuy nhiên, số liệu thống kê của Bộ GD – ĐT cho thấy, khoảng 20% trường ĐH, CĐ được thành lập mới hoặc nâng cấp lên ĐH từ năm 2005 chưa thực hiện đầy đủ các cam kết như trong đề án khả thi thành lập trường và mở ngành tuyển sinh; chưa chuẩn bị đồng bộ 4 yếu tố: đất đai xây dựng trường, đội ngũ giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng, vốn đầu tư và các điều kiện đảm bảo chất lượng khác. Đặc biệt, chưa quy định bắt buộc kiểm tra thực tế các điều kiện cần thiết khi cho phép mở ngành đào tạo và tuyển sinh.

Trong quý 4/2009, Bộ GD – ĐT sẽ hướng dẫn các trường xây dựng chuẩn đầu ra và thực hiện "3 công khai": chất lượng đào tạo, nguồn lực phục vụ đào tạo và thu chi tài chính. Trên cơ sở đó, trong năm 2010, các trường công bố chuẩn đầu ra và công khai theo 3 tiêu chí. Đến ngày 15/1/2010, cơ sở giáo dục ĐH nào không công bố cam kết "3 công khai" thì sẽ không được xem xét giao chỉ tiêu tuyển sinh năm 2010.

Một số trường đã công bố chuẩn đầu ra. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất mà các trường báo cáo là việc rà soát nội dung chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, và cách học của SV để xây dựng chuẩn theo nhu cầu xã hội.

Theo Phó giáo sư Thái Bá Cần, khó khăn mà nhiều trường đang gặp là trình độ ngoại ngữ đầu vào của SV quá thấp. Hiện, chỉ khoảng 10% SV có thể theo học chương trình mà chuẩn đầu ra công bố. Vì thế, các trường đã đặt chuẩn khá khiêm tốn nhưng cũng khó đào tạo SV đạt những chuẩn này.

Trong năm học này, Bộ yêu cầu tất cả các trường phải có tổ chức chuyên trách đánh giá tỉ lệ SV có việc làm sau tốt nghiệp, hỗ trợ đào tạo theo nhu cầu của xã hội, hỗ trợ SV tìm việc làm; thực hiện nghiêm túc công tác thi cử, kiểm tra; đánh giá trung thực mức độ tiêu cực trong thi cử và làm luận văn tốt nghiệp ở mỗi trường; chấm dứt tiêu cực trong thi cử và làm luận văn tốt nghiệp…