Nông nghiệp đô thị – sự sáng tạo của người dân (Bài 2)

Bài 2: Lối đi nào?

>>Bài 1: Đa dạng mô hình

Những vướng mắc cần tháo gỡ

Những năm gần đây, quá trình đô thị hoá ở Thái Nguyên diễn ra với tốc độ chóng mặt. Năm 2002, TP. Thái Nguyên thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp đô thị. Theo đó, một số gia đình được chọn tham gia dự án trồng hoa trong nhà lưới, được hỗ trợ 100% kinh phí mua giống, xây dựng nhà lưới, chuyển giao kỹ thuật. Sau một năm thực hiện, mô hình đã cho thu nhập 300 triệu đồng/ha/năm. Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Công Định, Phó phòng Nông nghiệp và PTNT TP.Thái Nguyên, việc ứng dụng công nghệ cao vào phát triển nông nghiệp đô thị rất cần thiết nhưng đòi hỏi vốn đầu tư lớn, nếu không có nguồn hỗ trợ thì người dân không thể thực hiện. Hơn nữa, dù mô hình rất hiệu quả nhưng khi nhân rộng lại gặp khó khăn. Nguyên nhân muôn thuở vẫn là… vốn.

Cũng gặp trở ngại trong phát triển nông nghiệp đô thị nhưng TP. Cần Thơ lại gặp phải những vướng mắc trong quy hoạch, chiến lược bền vững. Trên thực tế, với lợi thế "thiên thời, địa lợi, nhân hoà", Cần Thơ đủ điều kiện để phát triển nền nông nghiệp đô thị. Tuy nhiên, tự thân nông dân không thể nâng cao thu nhập trong mô hình nông nghiệp đô thị nếu thiếu sự quan tâm của chính quyền thành phố. Theo tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, nông nghiệp đô thị sẽ góp thêm động lực để Cần Thơ phát triển nhanh và bền vững. Tuy vậy, từ trước đến nay, nông nghiệp Cần Thơ chỉ sản xuất lúa gạo, tôm cá, trái cây… Các loại nông sản này có giá trị thấp, hiệu quả sản xuất không cao nên đời sống nông dân còn khó khăn. Chuyển sang nền nông nghiệp đô thị, nghĩa là tạo ra những sản phẩm không chỉ phục vụ nhu cầu ăn mà còn phục vụ đời sống văn hoá và tinh thần, như cây cảnh, hoa, cá kiểng… Việc này đòi hỏi nhiều vốn, áp dụng tiến bộ kỹ thuật cao mới mang lại hiệu quả. Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông vùng còn thấp kém, cần nâng cấp, cải thiện để góp phần rút ngắn khoảng cách giữa Cần Thơ với TP. Hồ Chí Minh, các vùng miền trong nước và thị trường quốc tế, để các sản phẩm được tiêu thụ dễ dàng. Ngoài ra, cần tăng cường tuyên truyền và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho những người có điều kiện và muốn làm nông nghiệp đô thị, giúp bà con nâng cao trình độ và khả năng tiếp nhận, ứng dụng vào sản xuất.

Theo đại diện của Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, dù rất nhiều tiềm năng và mang lại những lợi ích thiết thực nhưng nông nghiệp đô thị ở Việt Nam vẫn chưa có định hướng, kể cả kế hoạch ngắn và dài hạn. Chẳng hạn, trong lĩnh vực hoa và cây cảnh của TP. Hồ Chí Minh, có nhiều doanh nghiệp quan tâm nhưng chỉ có mô hình trồng phong lan có quy mô tương đối lớn và sản lượng hoa cắt cành đáng kể.

Theo nhiều ý kiến đánh giá, nông nghiệp đô thị vẫn là sản xuất nhỏ, phân tán, sức cạnh tranh thấp… Để phát triển nông nghiệp đô thị cần hạn chế đô thị hóa vùng ngoại ô. Đặc biệt là, tập trung sản xuất những sản phẩm đặc thù của từng vùng và yêu cầu của thị trường với chất lượng cao. Muốn vậy, cần đầu tư, đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

Nông nghiệp đô thị là nông nghiệp công nghệ cao

Các chuyên gia cho rằng, cần thiết phải có chính sách phát triển nông nghiệp đô thị bền vững thì mới tận dụng được ưu điểm như: giảm đóng gói, lưu trữ, vận chuyển; cung cấp dịch vụ tươi sống; tạo việc làm và tăng thu nhập; … Để phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng công nghệ cao, theo ông Nguyễn Việt Mỹ, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TP. Hồ Chí Minh, vai trò của lực lượng khuyến nông là vô cùng quan trọng, là cầu nối giữa nhà khoa học, nhà quản lý và nhà nông, giúp nông dân tiếp cận tiến bộ kỹ thuật. Hiện, công tác khuyến nông của Thủ đô Hà Nội tập trung đẩy mạnh các hoạt động chuyển giao kỹ thuật, công nghệ mới, xây dựng các mô hình khuyến nông tiêu biểu, đạt giá trị 100 – 200 triệu đồng/ha, điển hình như chương trình sinh vật cảnh. Ông Nguyễn Bá Sướng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết, trong chương trình phát triển nông nghiệp đô thị đến năm 2012, khuyến nông Hà Nội xác định 4 chương trình trọng điểm, đó là rau an toàn, lợn nạc, vùng hoa và vùng cây cảnh.

Tương tự, TP. Hồ Chí Minh cũng tập trung phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng công nghệ cao, đẩy mạnh chương trình cây, con chủ lực, từng bước hình thành trung tâm giống của khu vực. Ông Mỹ cho biết, cần phải tập trung vào thông tin quảng bá và xúc tiến thương mại nhằm giới thiệu loại hình sản xuất phù hợp để nông nghiệp đô thị trở thành nông nghiệp công nghệ cao. Khuyến nông phải là đầu tàu để từ đó có thể lan tỏa, kéo cả toa tàu nông nghiệp đô thị đi lên.

Nhìn ra thế giới

Từ cuối thế kỷ XX, nông nghiệp đô thị đã trở thành xu thế trong quá trình phát triển đô thị ở các quốc gia. Trên thế giới, gần 1/3 lượng rau, quả, thịt, trứng cung ứng cho đô thị là từ nông nghiệp đô thị, 25 – 75% số gia đình ở thành phố phát triển theo mô hình nông nghiệp đô thị. Ở Matxcơva (Nga), 65% gia đình có mô hình VAC đô thị, ở Dactxalam là 68%, Maputo 37%,… Tại Béclin (Đức), có 8 vạn mảnh vườn trồng rau ở đô thị; hàng vạn cư dân ở Niu Oóc (Hoa Kỳ) có vườn trồng rau trên sân thượng. Tại nhiều thành phố lớn của Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu…, nông nghiệp đô thị cung cấp tới 85% nhu cầu về rau xanh, 50% về thịt trứng của người dân. Hai công ty chuyên bán hạt giống của Anh là Thompson Morgan và Suttons Seeds đều nhận định, trong 5 năm trở lại đây, người dân Anh ngày càng có xu hướng mua nhiều hạt giống để trồng rau quả ở vườn nhà. Nếu như trước đây, chỉ những người lớn tuổi có sở thích làm vườn mới thuê đất trồng rau, quả, thì nay tất cả mọi người, từ sinh viên cho tới những người trẻ tuổi bận rộn, đều muốn có một mảnh đất nhỏ để trồng các loại rau, quả mình yêu thích. Theo Tổ chức làm vườn quốc gia Hoa Kỳ, năm 2007, người dân Hoa Kỳ chi khoảng 1,4 tỷ USD cho việc trồng cây rau, quả tại nhà, tăng 25% so với năm 2006.

Giải thích cho xu hướng phát triển của nông nghiệp đô thị, Tom Sharples, nhân viên Công ty Sutton Seeds cho rằng, giá cả lương thực tăng tạo ra những sự thay đổi trong cách tiêu dùng của người dân. Bên cạnh đó, phong trào sử dụng các loại thức ăn hữu cơ là yếu tố chính thúc đẩy mô hình nông nghiệp đô thị phát triển. Nhiều người dân Anh trồng rau quả tại nhà vì lý do sức khỏe. Ông Lenny Moakes, 85 tuổi, người trồng rau ở Luân -đôn cho biết, ông đã trồng rau được 44 năm nhưng chưa thấy năm nào có nhiều người tham gia như năm nay. "Tất cả chúng tôi đều muốn có thực phẩm hữu cơ, chúng tôi không muốn thuốc hóa học hay bất cứ loại rác nào trên rau của chúng tôi" – ông nói. Còn Maeve Polkinhorn, một bà mẹ trẻ trồng rau đã được 3 năm tại một khu đất thuê ở Đông Nam Luân-đôn tuyên bố: "Đối với chúng tôi, đây là phương thuốc giải độc tuyệt vời nhất để sống ở Luân-đôn. Đây là cách giải stress hiệu quả và loại rau chúng tôi trồng có vị ngon hơn hẳn loại mua ngoài chợ".