Nhà báo với Nông nghiệp – Nông dân – Nông thôn: Gạt bỏ sợ hãi để lên đường

Chúng tôi chọn cách nói chuyện với nhau một cách ngẫu hứng. Tuyệt nhiên, không có chuyện “gà nhà tâng nhau” nhân dịp 21/6; bởi với tôi, Vũ Minh Việt là nhà báo nhiệt huyết và tài năng thực sự. Và với ai đó, câu chuyện này có thể tầm phào thì xin lượng thứ, hãy coi như “chúng tôi nói về chúng tôi”…

>> Đáng sợ nhất là sự vô cảm

Nhà báo Vũ Minh Việt

Trước tiên, xin chúc mừng anh và nhóm phóng viên đã đoạt Giải báo chí Quốc gia 2008 cho loạt bài "Tích tụ đất đai – Lựa chọn đột phá". Tôi nghĩ, bàn và viết về vấn đề lớn, và đang còn nhiều ý kiến trái chiều, không phải là một vấn đề đơn giản… 

Đúng vậy. BBT và phóng viên ý thức được rằng, chúng tôi đang bàn về một vấn rất lớn, rất hệ trọng và nhạy cảm. Thay đổi chính sách đất đai sẽ liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người nông dân và sự thay đổi của một loạt chính sách. Do đó, khi đưa ra bàn về vấn đề này, chắc chắn sẽ có nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí sẽ có những tranh luận về quan điểm, về hình thức tích tụ.  

Quả thật như vậy, khi những bài đầu tiên khởi đăng, chúng tôi đã nhận được rất nhiều ý kiến khác nhau từ các nhà quản lí, nhà khoa học và người nông dân đang trực tiếp sở hữu những mảnh ruộng manh mún. Cuộc tranh luận diễn ra trong nhiều tháng trời, thu hút cả những đồng chí nguyên là lãnh đạo cấp cao của Đảng và Chính phủ như nguyên Thường trực Ban Bí thư Phan Diễn, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Công Tạn… đưa ra những ý kiến thể hiện quan điểm của mình. Vấn đề "Tích tụ đất đai – lựa chọn đột phá" là một vấn đề mở.

Vì thế, sự quan tâm đặc biệt của nhiều tầng lớp nhân dân và sự tham gia bàn luận nảy lửa của nhiều giới trong xã hội đã tạo nên sự thành công cho tác phẩm. Một vị trong Hội đồng chấm giải Báo chí quốc gia nói với tôi, trong vòng chấm sơ khảo, "Tích tụ đất đai – Lựa chọn đốt phá" được chấm điểm rất cao, Hội đồng chấm giải cũng bàn luận nhiều về vấn đề này. Vị chấm giải này bảo, vì sao nó không đạt giải cao nhất, cũng có thể vì hai từ "nhạy cảm". 

Vâng. Tôi nghĩ, giải thưởng có tính chất khích lệ, chứ nó không phải là thước đo hoàn hảo nhất về giá trị của sản phẩm. Năm rồi, chúng ta cũng có những loạt bài viết bám sát đời sống người dân, không phải tự khen đâu, và nó có ý nghĩa xã hội rất sâu rộng như: Nông dân đang sống như thế, Mất đất nông nghiệp – Câu chuyện đến hồi gay cấn…

Tôi nói vậy là căn cứ trên những phản hồi về báo. Tôi thấy, làm phóng viên đã vất vả, phóng viên nông nghiệp còn vất vả hơn nhiều; tôi không có ý than vãn; thực tế, khi thực hiện loạt bài như "Đột nhập pháo đài rượu" hay mới đây nhất là loạt "Đột nhập vào mạng lưới buôn lợn ốm chết lớn nhất miền Bắc", anh đã phải thức thâu đêm, đổ mồ hôi sôi nước mắt, thậm chí bị đe doạ tính mạng. Xin anh chia sẻ với độc giả điều đó? 

Từ ngày vào báo đến nay được gần 10 năm, tôi rất thấm thía với câu nói của đồng chí Tổng Biên tập là NNVN phải luôn luôn "nóng" và hấp dẫn. Làm được hai cái đó là thước đo của bạn đọc đối với báo. Còn đồng chí Phó Tổng biên tập phụ trách nội dung thì luôn nhắc nhở phóng viên phải bám sát cuộc sống, phản ánh sinh động, chân thực những gì đang diễn ra từng giờ, từng ngày ở nông thôn mà chủ thể là nông dân. Do đó, những tác phẩm của cá nhân tôi, hay của các phóng viên khác luôn bám theo định hướng đó làm.

Những loạt bài Nông dân sống như thế, Mất đất nông nghiệp – Câu chuyện đến hồi gây cấn… đã phản ánh được chân thực và sống động những bức xúc, tâm tư của người nông dân. Tôi nghĩ, những loạt bài về Nông nghiệp – Nông dân – Nông thôn năm qua được đánh giá rất cao còn một lí do nữa là NNVN đã thực hiện rất tốt nhiệm vụ chính trị là Cơ quan ngôn luận của Bộ NN-PTNT, khi BCH Trung ương bàn về Nông nghiệp – Nông thôn – Nông dân và sự ra đời của Nghị quyết TƯ7.  

Những bài điều tra như Đột nhập pháo đài rượu ; Đột nhập mạng lưới buôn lợn ốm chết lớn nhất miền Bắc đúng là tôi đã lọ mọ nhiều ngày đêm. Yêu cầu của một tác phẩm hấp dẫn cần những chi tiết trong đêm khuya, cần có những chi tiết được coi là "tuyệt mật" và chân thực vì thế, mình phải bằng mọi cách để có được chi tiết đó.

Để hoàn thành bài điều tra "Đột nhập mạng lưới buôn lợn ốm chết lớn nhất miền Bắc", tôi mất đúng 3 đêm trắng. Vợ tôi hỏi, sao anh cứ đi hoài vậy, anh không nghĩ đến em thì phải nghĩ đến con chứ? Tôi bảo việc phải thế, không thể không đi. Nếu muốn anh không đi thì trước khi lấy anh, em đã không muốn lấy phóng viên làm báo nông nghiệp. Nhưng, thực sự là sợ.

Tôi cảm giác thấy sự lo sợ, có lúc chảy nước mắt của vợ mỗi khi tôi dong xe máy ra khỏi nhà. Còn bản thân tôi cũng sợ, nhất là những lúc thực hiện xong điều tra, báo ra nhiều người gọi điện doạ sẽ "xử lí", nghĩ lại, mình không dám liều như thế… Nhưng, sự ghi nhận và đánh giá cao của bạn đọc luôn gạt bỏ sự sợ hãi trong tôi, thúc giục tôi tiếp tục làm. Vợ tôi còn bảo sao anh không làm những bài ở Hà Nội, nhuận bút thấp cũng được cho đỡ nguy hiểm, vất vả. Tôi bảo, phóng viên báo NNVN ai cũng tâm huyết, ai cũng phải lọ mọ cả, mà tất cả ngồi ở Hà Nội làm thì anh không có được mức lương như hiện nay đâu, vì sẽ chả có mấy ai đọc báo. 

Cám ơn anh đã truyền nhiệt huyết cho tôi qua những câu chuyện vừa rồi. Nhưng từ câu hỏi của vợ anh, tôi muốn trao đổi với anh rằng, dường như, cánh phóng viên trẻ theo dõi mảng nông nghiệp của chúng ta vẫn còn "cưỡi ngựa xem hoa" lắm. Tôi cũng nằm trong số đó. Đôi lúc nghe lại những câu chuyện, hay hồi ức về thời làm báo của các bác, các chú, các anh (không xa đâu, ngay trong báo mình), thấy mà thẹn.

Họ thường "ăn dầm ở dề" ở nông thôn, cùng sống và trăn trở suy tư với bà con nông dân cả tháng trời. Để rồi, có khi về chỉ viết một bài báo nhỏ xíu bằng bàn tay, nhưng lại có sức nặng ghê gớm. Không phải tất cả, nhưng không ít trong chúng ta, dường như vẫn bông phèng quá. Tôi ngó sang xung quanh cũng vậy. Tôi thấy mình cũng lỏng lẻo, đem hỏi vài người, họ cũng trả lời bằng cách hỏi lại như vợ anh hỏi anh vậy. Anh có nghĩ, ngay trong bản thân chúng ta đang thiếu "lửa", thiếu lăn lộn thực sự? 

Tôi cũng nghĩ như anh vậy. Mình có làm được nhưng cũng chỉ là chút xíu thôi. Cái sự thiếu "lửa" ấy là ở nội tại trong mỗi chúng ta; còn các điều kiện khác đều rất tốt, BBT và chủ trương của báo luôn tạo điều kiện và trả công xứng đáng cho những người lăn lộn, có "lửa", bạn đọc cũng luôn ủng hộ, thúc giục chúng ta về với họ. Còn anh hỏi tại sao phóng viên, trong đó có tôi và anh lại thiếu "lửa", thì có lẽ mình chưa phải là một nhà báo được. Họp BBT, tôi vẫn được nghe những đánh giá tuần này báo có nội dung tốt, tuần kia chưa tốt thì chắc là do sự thiếu "lửa" của mỗi chúng ta. Các bài viết của báo là một món ăn tinh thần của bạn đọc, tại sao lại có hôm bạn đọc được ăn ngon lại có hôm không ngon?  

Câu hỏi của anh rất hay và hy vọng chúng ta sẽ sớm tìm ra lời giải. Xin cảm ơn anh, dẫu biết rằng, nói chuyện với anh nữa sẽ rất thú vị, nhưng khuôn khổ trang báo có hạn. Nhân dịp này, chúng tôi cũng xin chân thành cám ơn những nhà khoa học, nhà quản lý: nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn, nguyên Bộ trưởng Lê Huy Ngọ, TS Lê Đức Thịnh, TS Đặng Kim Sơn, TS Vũ Trọng Bình, PGS. TS Vũ Trọng Khải… và đông đảo bạn đọc đã thường xuyên góp ý, phản biện để những loạt bài của chúng tôi trong thời gian qua có được những thành công nhất định.