Nền kinh tế Việt Nam đang có xu hướng phục hồi rõ nét

Đây là nhận định chung của các thành viên Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 diễn ra trong ngày 30/9 và sáng nay (01/10).

Nền kinh tế nước ta trong tháng 9 và cả quý 3 tiếp tục chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành và các địa phương không chủ quan, tiếp tục quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế, ngăn ngừa lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, phấn đấu đạt  tăng trưởng kinh tế 5 đến 5,2% trong cả năm nay.              

Các thành viên Chính phủ nhất trí cho rằng: Nền kinh tế nước ta đang có xu hướng phục hồi rõ nét. Cả 3 khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản, công nghiệp- xây dựng và dịch vụ trong Quý III đều tăng trưởng cao hơn Quý I và Quý II. Riêng tháng 9, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2008, tổng mức lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ xã hội đạt hơn 100.000 tỷ đồng, các lĩnh vực an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, văn hóa, giáo dục… tiếp tục được thực hiện đồng bộ và hiệu quả. 9 tháng qua cũng nổi lên một số khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế, nhất là kim ngạch xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm, chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 tăng 0,62%, cao thứ hai sau mức tăng tháng 2 đầu năm.

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Với đà tăng trưởng tích cực trong cả khu vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ cho thấy triển vọng đạt tăng trưởng kinh tế trên 5 trong cả năm nay. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm 5% đến 5,2% thì quý IV phải đạt tăng trưởng khoảng 6,8% trong bối cảnh sản xuất vẫn còn nhiều khó khăn; xuất khẩu, du lịch, đầu tư nước ngoài giảm, nhập siêu tăng cao, lạm phát có xu hướng tăng lên, nguy cơ thâm hụt cán cân thành toán tổng thể…

Thực tế này đòi hỏi sự cố gắng rất lớn trong điều hành chỉ đạo và tổ chức thực hiện, Thủ tướng nêu rõ như vậy và yêu cầu các bộ, ngành và các địa phương không thể chủ quan, tiếp tục bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ đạo và điều hành quyết liệt đồng bộ các biện pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế, ngăn ngừa lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, không được lơ là hay xem nhẹ bất cứ lĩnh vực nào.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát tình hình và đề xuất kịp thời phương án, biện pháp điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, phòng ngừa lạm phát cao trở lại. Các Bộ, ngành và các địa phương tập trung phát huy nội lực, khai thác tiềm năng lợi thế của đất nước để phát triển, nhất là tiềm năng về tài nguyên khoáng sản, cơ khí chế tạo, du lịch và dịch vụ… Mỗi Bộ trưởng phải nghiên cứu xây dựng và đề xuất cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi để các ngành, địa phương và doanh nghiệp thực hiện.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tính toán lại cơ cấu giống cây trồng và cơ chế xuất khẩu gạo đảm bảo an ninh lương thực và lãi tối thiểu cho người nông dân. Các bộ, ngành và các địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy sản xuất công-nông nghiệp và dịch vụ phát triển; tập trung khắc phục hậu quả cơn bão số 9 và mưa lũ gây ra; quyết liệt giải ngân hết các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong năm nay, nhất là vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ; tiếp tục thực hiện đồng bộ và hiệu quả các chính sách đảm bảo an sinh xã hội….

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu các bộ trưởng, các thành viên Chính phủ thảo luận, thống nhất và công bố công khai trong tháng 11 tới về chính sách hỗ trợ lãi suất 4% vay vốn cho doanh nghiệp có tiếp tục thực hiện hay không trong năm 2010./.