Kết luận từ Hội thảo Tam nông

Các kết luận từ Hội thảo “Trao đổi giữa các nhà hoạch định chính sách và cán bộ nghiên cứu & phát triển về vấn đề Nông nghiệp – Nông dân – Nông thôn” từ ngày 13-14/12/2008 tại thành phố Huế.

Chính sách đóng vai trò đặc biệt quan trọng và có tác động mạnh mẽ đến sản xuất, đời sống. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có rất nhiều chủ trương chính sách nhằm phát triển các vùng nông thôn, xoá đói giảm nghèo (XĐGN) cho nông dân và đã đạt được những thành tựu rất đáng kể.  Việt nam được đánh giá là một trong những nước thành công nhất về XĐGN, nguyên nhân cơ bản của sự thành công đó phần nhiều bắt nguồn từ chính sách.   

Tuy nhiên, sự can thiệp của chính sách không phải lúc nào cũng mang lại kết quả như mong muốn, thậm chí một vài chính sách đã gây ra những hiệu ứng hoặc những kết quả trái ngược với mục tiêu ban đầu, gây nên những tác động xấu về kinh tế, về xã hội, ảnh hưởng không tốt đến sản xuất và đời sống của người dân.

Xuất phát từ thực tế đó, Trung tâm Phát triển nông thôn (PTNT) miền Trung (CRD) và dự án hợp tác nghiên cứu PTNT Việt Nam Thuỵ Điển (RDViet), thuộc trường Đại học Nông Lâm Huế đã tổ chức hội thảo này nhằm tạo cơ hội cho các cán bộ nghiên cứu và phát triển đến từ các tổ chức khác nhau trong cả nước được gặp gỡ, trao đổi với các nhà hoạch định, các cán bộ quản lý về các vấn đề liên quan đến việc hoạch định và thực thi các chính sách về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. 

Hội thảo đã nhận được sự quan tâm, chú ý của nhiều cá nhân, tổ chức ở các lĩnh vực khác nhau. Có 180 đại biểu tham dự đến từ nhiều cơ quan, tổ chức và từ nhiều vùng miền trong cả nước, bao gồm các Bộ, ngành và cơ quan Trung ương; các  trường Đại học và các viện nghiên cứu; đại diện chính quyền các cấp; các tổ chức Phi chính phủ quốc tế (INGOs) tại Việt Nam; các tổ chức Phi chính phủ địa phương (LNGOs), các tổ chức xã hội dân sự (SCOs); các sở ban ngành cấp tỉnh và các cán bộ nghiên cứu và phát triển trong cả nước.

Qua 2 ngày làm việc, thảo luận tại phiên toàn thể và thảo luận tại các nhóm chuyên đề. Hội thảo đã thu được những kết quả chủ yếu như sau:

1. Trình bày các quan điểm, định hướng của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

– Hội thảo được nghe các nhà hoạch định chính sách trình bày quan điểm và định hướng phát triển "nông nghiệp, nông dân và nông thôn".

– Trên cơ sở đó, các thành viên tham dự đã hiểu rõ những quan điểm chung của Nhà nước nhằm: Đổi mới luật đất đai; tăng mức đầu tư cho nông nghiệp; đổi mới qui hoạch; phát triển khoa học & công nghệ; …

– Tuy nhiên, thông qua viêc trình bày của các nhà hoạch định chính sách, Hội thảo cũng phát hiện một số vấn đề cần thảo luận hoặc những bất cập liên quan đến chính sách. Ví dụ: (i) Nhà nước có chủ trương xây dựng nông thôn mới, nhưng tiêu chí và tiến trình xây dựng như thế nào lại không được đề cập; (ii) Trong các (8) nhóm giải pháp, nhóm giải pháp về con người là chưa cụ thể; (iii) Luật đất đai không chặt chẽ nên nông dân mất đất một cách dễ dàng dẫn đến nhiều hệ luỵ; (iv) Các vấn đề về xã hội và môi trường ở nông thôn chưa cụ thể; (v) Nói chung các chính sách về nông nghiệp là được nhưng chính sách về nông dân, nông thôn chưa đầy đủ và các giải pháp để thực hiện chưa rõ ràng;  

2. Cung cấp thông tin cho nhà hoạch định chính sách

Các báo cáo, tham luận và ý kiến thảo luận đã cung cấp nhiều thông tin liên quan đến việc thực thi cũng như các tác động của chính sách trong lĩnh vực này. Một số thông tin chủ yếu là:

– Hầu hết các ý kiến cho rằng nhiều chính sách đã có tác động tốt, nhờ vậy đời sống nông dân và khu vực nông thôn đã có những thay đổi rất tích cực. Tốc độ phát triển của Việt nam luôn được thế giới đánh giá cao.

– Tuy nhiên việc xây dựng cũng như thực thi các chính sách đang còn nhiều nhiều bất cập, tồn tại.

2.1. Những tồn tại

  • Những tồn tại về chính sách đất đai: Đây là lĩnh vực có nhiều đại biểu quan tâm nhất, một số vấn đề chủ yếu là:

– Thiếu qui hoạch tổng thể về công nghiệp hóa và đô thị hóa

– Việc lấy đất cho công nghiệp và đô thị làm cho nông dân bị mất đất quá dễ dàng đã gây ra nhiều hậu quả xấu. Nhiều nông dân bị rơi vào vòng luẩn quẩn của mất đất, mất việc và đói nghèo do công nghiệp hoá.

– Thiếu minh bạch trong việc sử dụng đất sau khi lấy.

– Thiếu sự hỗ trợ cho nông dân sau khi mất đất.

  • Chính sách đầu tư cho Nông dân và Nông thôn chưa hợp lý

– Chính sách đầu tư không công bằng đã gây ra sự chênh lệch giữa Nông thôn và thành thị tạo nên làn sóng di cư từ nông thôn ra thành phố dẫn đến một số hậu quả xấu về xã hội, kinh tế và môi trường. 

– Sự di dân từ nông thôn ra thành thị dẫn đến thiếu nguồn nhân lực có chất lượng ở khu vực nông thôn (hầu hết chỉ có người già và trẻ em) tạo ra nhiều khó khăn cho sự phát triển nông nghiệp, nông thôn.  

– Sản xuất nông nghiệp khó khăn và nhiều khi bị thua lỗ đã làm cho nông dân không coi sản xuất nông nghiệp là quan trọng, dẫn đến thu nhập thấp và bấp bênh. Vì vậy, hiện tượng "nông dân chán ruộng, bỏ quê" đang xảy ra khá phổ biến.

•·   Khả năng tiếp cận các dịch vụ công của người dân, nhất là ở vùng sâu vùng xa ở vùng còn hạn chế, như các dịch vụ liên quan đến tín dụng, y tế, giáo dục, …

•·   Đầu tư cho khoa học & công nghệ (KH&CN) ở nông thôn còn thấp và chưa đồng bộ:

– Đầu tư dàn trải, không đồng bộ.

– Cơ chế quản lý phức tạp.

– Có sự chênh lệch lớn trong đầu tư cho các tổ chức KH&CN tham gia vào các hoạt động liên quan đến "Tam nông". Ví dụ, sự chênh lệnh về đầu tư của nhà nước cho các Viện và các Trường Đại học, đặc biệt các tổ chức xã hội dân sự khó tiếp cận được các đầu tư của nhà nước về các lĩnh vực này.

– Thị trường KH&CN trong nông nghiệp và nông thôn chưa rõ ràng.

•·   Nông dân đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và quá trình gia nhập WTO.

•·   Một số chính sách chưa hợp lý, thiếu tính khả thi, quá trình thực hiện còn nhiều bất cập dẫn đến khó khăn cho người dân. Ví dụ, việc giảm thuế nhập khẩu thịt gia súc, gia cầm gần đây đã gây nhiều khó khăn cho ngành chăn nuôi trong nước. Việc thực hiện một số chính sách không tốt đã tạo nên khoảng cách giữa mục tiêu của chính sách và quá trình thực hiện.

2.2. Nguyên nhân

– Nguyên nhân về quản lý:  một số cán bộ quản lý thiếu tầm nhìn, chưa tâm huyết trong công việc và không nghiêm minh hoặc tham nhũng.

– Sự tham gia của các bên, đặc biệt là người dân trong quá trình hoạch định chính sách còn hạn chế.

– Cơ chế không hợp lý, nhiều ý kiến cho rằng đây là nguyên nhân cơ bản nhất.

– Mối quan hệ, hợp tác giữa các bên trong việc hoạch định chính sách còn lỏng lẻo, vai trò của các tổ chức KH&CN chưa được phát huy.

– Việc kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện chưa chặt chẽ.

– Nguyên nhân về phía người dân:  Năng lực người dân nhiều vùng còn hạn chế nên khó khăn cả trong việc tham gia hoạch định cũng như sự hiểu biết để thực hiện tốt chính sách hiện có.

– Việc xây dựng chính sách còn nhiều tồn tại, nguyên nhân: (i) năng lực của cán bộ hoạch định chính sách thấp; (ii) Phương pháp tiếp cận áp đặt; (iii) Chính sách chưa được nghiên cứu đầy đủ, đặc biệt còn thiếu những nghiên cứu tác động tiêu cực của chính sách, chưa tính đến rủi ro, … trước khi ban hành.

3. Xác định các vấn đề nghiên cứu liên quan đến chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Hội thảo đã chia nhóm để thảo luận các vấn đề cần nghiên cứu nhằm nâng cao chất lượng của việc hoạch định cũng như hiệu quả việc thực hiện các chính sách hiện có về "Tam Nông". Đây là nội dung quan trọng nhất của Hội thảo.  Trên cơ sở của những ý kiến thảo luận nhóm, các cá nhân và đơn vị tham gia có thể tham khảo để xác định các chủ đề nghiên cứu cũng như các đóng góp của mình vào các chính sách về "Tam Nông".  Kết quả thảo luận nhóm đã nêu ra các hoạt động cần nghiên cứu như sau:

3.1. Các vấn đề cần nghiên cứu liên quan đến chính sách về nông nghiệp:

– Qui hoạch và sử dụng đất nông nghiệp

– Phát triển thị trường tiêu thụ nông sản phẩm

– Các chính sách phát triển hệ thống khuyến nông cơ sở

– Chính sách đầu tư cho nông nghiệp

– Chính sách nâng cao điều kiện dịch vụ cho sản xuất nông nghiệp

– Chuyển đổi cơ cấu sản xuất

– Về chế biến, bảo quản nông sản thực phẩm

– Tăng sức cạnh tranh của hàng hoá nông sản

– Tăng cường cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp

– Ứng dụng KH&CN mới trong sản xuất ở những nơi có điều kiện

– Mô hình hỗ trợ tín dụng để phát triển sản xuất

– Nâng cao năng lực sản xuất trong điều kiện Hội nhập

– Phát triển quy hoach vùng sản xuất để phát huy lợi thế của từng vùng

– Phương pháp và mô hình cải thiện môi trường nông nghiệp

– Bảo hiểm nông nghiệp

3.2. Các vấn đề cần nghiên cứu liên quan đến chính sách về xã hội nông thôn:

– Chính sách để nông dân giữ ruộng, bám quê

– Chính sách khuyến khích nông dân phát triển sản xuất

– Phát triển việc làm (làng nghề, tiểu thủ công nghiệp, …)

– Phát triển nguồn nhân lực cho nông thôn, đào tạo nghề cho nông dân

– Về vấn đề di dân, tái định cư và tác động của nông dân di cư ra thành phố

– Sinh kế thay thế cho nông dân sau khi chuyển đổi đất nông nghiệp sang phục vụ công nghiệp và đô thị

– NC để ban hành "luật" nông dân.

– Phát triển quy hoạch nông thôn (xây dựng, khu dân cư, giao thông, thuỷ lợi,…) một cách khoa học

– Các biện pháp để nâng cao trình độ cho cán bộ thôn/xã

– Phát huy sự tham gia của người dân vào các hoạt động của địa phương

– Nâng cao quy chế dân chủ cơ sở

– Về các vấn đề xã hội nông thôn: dịch bệnh, giới, bạo lực gia đình

– Về phân hoá giàu nghèo và chênh lệch nông thôn – thành thị

– Để bảo tồn bản sắc văn hoá truyền thống của nông thôn Việt Nam

– Nâng cao chất lượng giáo dục cho vùng sâu, vùng xa

– Nâng cao điều kiện vệ sinh, môi trường và chất lượng cuộc sống

– Nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ công của người dân

– Phát triển các doang nghiệp nông thôn

– Cơ chế phát triển KH&CN cho nông thôn (tổ chức KH&CN tư nhân)

4. Chia sẻ kinh nghiệm trong việc tăng cường vai trò của các tổ chức KH&CN trong vận động chính sách

– Hội thảo đã thảo luận và xác định rõ vai trò của các tổ chức KH&CN và  NGOs trong các hoạt động như: Cung cấp thông tin, nhất là thông tin từ cơ sở và tư vấn xây dựng chính sách; Nghiên cứu phản biện chính sách; Nâng cao nhận thức, năng lực và sự hiểu biết về chính sách cho người dân; và Tổ chức các hoạt động vận động chính sách.

– Đã chia sẻ các kinh nghiệm trong tiến trình vận động chính sách, gồm các bước chủ yếu là:  Xác định vấn đề;  Phân tích và thu thập thông tin; Xác định mục tiêu cần đạt; Xác định đối tượng cần vận động và các bên liên quan; Xác định phương thức vận động; Xây dựng kế hoạch hành động; Thực hiện chương trình vận động; Theo dõi và đánh giá kết quả

Bài học trong quá trình vận động:

  • Làm rõ vai trò và kết quả mong đợi của hoạt động cho chính quyền
  • Dựa vào bằng chứng: các minh họa cụ thể về điều chỉnh chính sách
  • Dựa vào số đông người bị ảnh hưởng
  • Dựa vào tiếng nói của người chịu ảnh hường
  • Cần xây dựng mạng lưới trong vận động chính sách
  • Tác động vào nhóm có quyền lực, quyền ra quyết định
  • Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng

Các kiến nghị

Trên cơ sở của những nội dung đã được đề cập, Hội thảo xin có một số kiến nghị sau:

1. Đổi mới cách tiếp cận của hệ thống chính trị. cách tiếp cận hiện nay nhiều khi còn mang tính hành chính, áp đặt, cần phải thay đổi cách tiếp cận một cách đa dạng hơn (từ dưới lên hay kết hợp cả hai).

2. Tăng cường sự tham gia của các lực lượng xã hội, các tổ chức KH&CN vào các vấn đề liên quan đến chính sách.  Tham gia trong hoạch định: (i) cung cấp thông tin, cơ sở khoa học của chính sách; (ii) phân tích và phản biện chính sách; (iii) giám sát và đánh giá; tham gia trong quá trình thực hiện: nâng cao năng lực và sự hiểu biết cho người dân trong thực hiện chính sách; nhà nước cần coi trọng kênh thông tin này và điều quan trọng là phải có cơ chế rõ ràng để đảm bảo cho sự tham gia được thực hiện một cách thực thụ và có hiệu quả, không chỉ là chủ trương chung chung; đảm bảo sự công bằng trong đầu tư giữa các viện và các trường Đại học, các tổ chức xã hội dân sự và tổ chức KH&CN khác.

3. Cần thay đổi cơ chế phù hợp trong mọi lĩnh vực.  Nhiều đại biểu cho rằng đây là vấn đề quan trọng nhất, một số vấn đề được quan tâm nhiều nhất là:

– Cần có cơ chế quản lý phù hợp

– Khi phát hiện những bất cập cần tập trung giải quyết ngay và dứt điểm

– Tránh nói mà không làm hoặc tình trạng nói được nhưng làm không được

– Tăng cường trách nhiệm của cơ quan chính quyền với người dân

– Nâng cao tính minh bạch, trong sạch của cơ quan công quyền

– Kiên quyết chống tham nhũng

– Coi trọng quyền của người dân trong mọi hoạt động

4. Khi hoạch định chính sách cần xem xét tính hợp lý, khả thi. Chính sách cần phải phù hợp với điều kiện của từng vùng, miền, phù hợp với từng đối tượng khác nhau. Đặc biệt phải chú ý đến người nghèo, người dân tộc thiểu số. Ví dụ, khi đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, tích tụ ruộng đất. Cần tính đến lợi ích hài hòa của các đối tượng không có điều kiện để thực hiện chủ trương này (người nghèo, dân tộc, dễ bị tổn thương).

5. Cần xem xét lại cách tiếp cận của hệ thống chính sách "Tam nông". Phải coi trọng con người (nông dân) là trọng tâm của mọi vấn đề liên quan.

6. Cần có một hệ thống chính sách đồng bộ hoàn chỉnh, trong mọi lĩnh vực. Ví dụ như xây dựng năng lực cho người dân; cung cấp vốn; phát triển sản xuất; và thị trường tiêu thụ.

7. Cần làm rõ khái niệm, nội dung và yêu cầu của vấn đề xây dựng nông thôn mới.

8. Kiến nghị đối với các cơ quan tham gia Hội thảo.

– Các cá nhân tổ chức tham gia Hội thảo cần tích cực hơn nữa để đóng góp công sức của mình nhằm góp phần cùng các cơ quan Nhà nước để nâng cao chất lượng của việc hoạch định cũng như hiệu quả của việc thực hiện các chính sách hiện có. 

– Tăng cường triển khai các nghiên cứu về mọi lĩnh vực nhằm cung cấp thông tin, tư vấn và phản biện cho hoạch định chính sách.

– Tăng cường chia sẻ kinh nghiệm kể cả những bài học thành công và thất bại trong quá trình hoạt động của mình có liên quan đến các chính sách về "Tam nông".

Tóm lại: Với tinh thần trách nhiệm, tâm huyết và nhiệt tình với sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn của nước nhà, các thành viên tham dự Hội thảo đã thảo luận rất sôi nổi, chia sẻ nhiều ý kiến hay và kinh nghiệm quý để đóng góp cho các chính sách về "Tam nông".  Hội thảo đã hoàn thành tất cả các nội dung, mục tiêu và yêu cầu đã đặt ra. 

Hội thảo kính mong các nhà quản lý, hoạch định chính sách các cấp và các cơ quan liên quan xem xét những nội dung cũng như các kiến nghị của Hội thảo và mong được tổ chức các buổi trao đổi tiếp theo nhằm làm rõ các vấn đề mà các bên cùng quan tâm.