Hội thảo quốc tế khởi động dự án sử dụng rơm rạ sau thu hoạch có hiệu quả, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường

Từ ngày 01 đến ngày 4 .3 .2016 tại thành phố Cần Thơ, Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) phối hợp với Trung tâm khuyến nông quốc gia, Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long và trường Đại học Nông Lâm TP HCM tổ chức hội thảo khởi động dự án “Mở rộng khả năng sử dụng rơm ra để cải thiện sinh kế cho nông dân, phát triển sản xuất bền vững và giảm thiểu tác động môi trường trong hệ thống canh tác lúa gạo”.

Đây là một dự án thực hiện trong 3 năm (2016-2019); được Bộ Phát triển và Hợp tác kinh tế nước CHLB Đức tài trợ kinh phí; Viện lúa IRRI điều phối triển khai tại các nước Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Philippines và Campuchia.

Mục tiêu của hội thảo là:

(1) đánh giá những ứng dụng xử lý rơm rạ khác nhau ở cả khía cạnh gia tăng giá trị sử dụng và khía cạnh tác động môi trưởng;

(2) cung cấp thông tin, khuyến cáo và tập huấn cho nông dân những cách sử dụng rơm rạ có hiệu quả nhất;

(3) cung cấp thông tin đến các cấp có thẩm quyền để đưa ra chính sách khuyến khích sử dụng rơm ra tốt nhất.

Các đại biểu tham quan trình diễn các loại thiết bị thu gom và xử lý rơm trên đồng

Máy Cuốn rơm tự hành PT-CR57 của Công ty Cơ khí PHAN TẤN

Thạc sĩ Nguyễn Thanh Long, cán bộ giảng dạy khoa Cơ khí – Công nghệ trường Đại học Nông Lâm Huế đã được ban tổ chức mời tham dự hội thảo.

Tại cuộc hội thảo, các đại biểu trong nước và quốc tế đã được tham quan các cơ sở sản xuất sử dụng rơm rạ làm nguyên liệu, xem trình diễn các loại máy thu gom và xử lý rơm rạ trên đồng ruộng. Các báo cáo tại hội thảo đều khẳng định rằng rơm rạ có thể được xử lý ngay trên đồng ruộng hoặc thu gom để sử dụng vào các mục đích kinh tế khác nhau bên ngoài đồng ruộng, tiến tới loại trừ hoàn toàn việc đốt rơm trên đồng, hạn chế tối đa việc phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa gạo.

Khoa Cơ khí – Công nghệ, trường Đại học Nông Lâm Huế được chọn là một thành viên đối tác để triển khai các nghiên cứu ứng dụng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng rơm rạ trong điều kiện sản xuất lúa gạo ở miền Trung Việt Nam

Rơm cuộn được đưa về nhà máy BÌNH MINH (Tiền Giang) đóng bành để bán cho các trang trại chăn nuôi bò