Hội thảo “Bất cập giữa chính sách với quản lý khai thác truyền thống ở đầm phá TT Huế”

Vừa qua, khoa Khuyến Nông & Phát triển Nông thôn trường Đại học Nông Lâm Huế đã tổ chức Hội thảo “Bất cập giữa chính sách với quản lý khai thác truyền thống ở đầm phá Thừa Thiên Huế”. Tham dự có PGS.TS Lê Đức Ngoan- Phó hiệu trưởng nhà trường, cùng các đại diện từ Sở NN & PTNT, Chi cục bảo vệ nguồn lợi Thủy sản, Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Phú Vang…

Tại Hội thảo, PGS.TS Lê Đức Ngoan cho biết: Đây là dịp để các nhóm nghiên cứu chia sẻ những vấn đề đã biết cũng như cần nghiên cứu. Mục tiêu của Hội thảo nhằm tìm hiểu truyền thống liên quan đến quản lý, sử dụng mặt nước đầm phá trong khai thác và nuôi trồng thủy sản. Thông qua việc mô tả hoạt động quản lý truyền thống mặt nước qua các giai đoạn lịch sử ở xã Phú An để có những khuyến nghị phù hợp cho công tác quản lý mặt nước tại địa phương.

Hội thảo đã nêu nhiều mô hình quản lý qua các thời kỳ, đặc biệt từ năm 1986-2006: hoạt động quản lý mặt nước đầm phá tại xã Phú An gắn liền với sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động nuôi trồng thủy sản. Giai đoạn từ 2007 đến nay: Phú An bắt đầu thực hiện " Mô hình sáo khoanh thân thiện với môi trường". Mô hình này đã tiến hành quy hoạch, mở rộng đường giao thông thủy tạo sự thông thoáng trên vùng đầm phá. Đường giao thông chính rộng 100m, đường giữa hai hàng ao vây rộng 10m và đường giữa các ao vây rộng 4m.

Với sự phát triển của nghề NTTS, phương thức quản lý thuyền thống đã giảm hiệu quả rõ rệt và có xu hướng mất dần. Tuy nhiên, sự phối hợp giữa quản lý truyền thống và quản lý nhà nước trong giai đoạn hiện nay là điều cần thiết.