Hội nghị tổng kết dự án “Nâng cao hiệu quả chăn nuôi bò cho nạn nhân chất độc da cam tại huyện A Lưới”

Dự án “Nâng cao hiệu quả chăn nuôi bò cho nạn nhân chất độc da cam tại huyện A Lưới” do Hội hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam tại Úc (VVOAT) tài trợ, được tổ chức thực hiện bởi Hộị Cựu chiến binh trường Đại học Nông Lâm Huế;

Dự án triển khai trên 3 xã Hồng Trung, Hồng Quảng, Hồng Kim, huyện A Lưới với 43 hộ tham gia. Mục tiêu của dự án là cải thiện đời sống cho các nạn nhân chất độc da cam thông qua nâng cao hiệu quả chăn nuôi bò trong nông hộ bằng việc chuyển đổi phương thức chăn nuôi từ chăn thả tự do sang chăn nuôi bán chăn thả. Các hoạt động chính là nâng cao năng lực chăn nuôi bò cho các nạn nhân thông qua các lớp tập huấn và thăm quan, đồng thời hỗ trợ các vật liệu, cỏ giống để các hộ xây dựng chuồng và trồng cỏ làm thức ăn cho bò.

Ngày 1/12/2014, hội nghị tổng kết các hoạt động của dự án đã được tổ chức tại hội trường UBND xã Hồng Trung. Hội thảo nhằm đánh giá các kết quả hoạt động, hiệu quả và tác động của dự án cũng như thảo luận các giải pháp nhằm nhân rộng mô hình “Nuôi bò sinh sản bán chăn thả” ra các địa phương khác trong huyện A Lưới.


Quang cảnh Hội nghị

Tham gia Hội nghị có đại diện của: UBND huyện A Lưới; trạm Khuyến Nông; trạm Thú y; Hội nạn nhân chất độc da cam; Hội chữ thập đỏ huyện A Lưới; UBND xã Hồng Trung, Hồng Kim và Hồng Quảng; đặc biệt là có sự hiện diện của 43 hộ thực hiện mô hình, hội nghị cũng được đưa tin bởi Đài truyền hình Trung ương tại Huế (HTV).

Hội nghị đã nghe TS. Dương Thanh Hải, thay mặt nhóm thực hiện dư án, báo tóm tắt về tiến trình, kết quả đạt đươc và tác động của dự án. Sau 6 tháng triển khai thực hiện, dự án đã tổ chức được 6 lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản theo phương thức bán chăn thả, mỗi lớp có khoảng 35 thành viên tham gia (bao gồm các hộ mô hình và cán bộ khuyến nông cơ sở) và tổ chức 1 đợt thăm quan thực tế mô hình thành công tại xã Hồng Kim, đồng thời hỗ trợ các vật liệu để các hộ xây dựng 43 chuồng bò theo mẫu thiết kế. Bên cạnh đó, dự án đã hỗ trợ 1,8 tấn hom cỏ giống bao gồm các giống cỏ VA 06, Mulato 2 và TD 58, mỗi hộ đã trồng bình quân 50-100 m2 cỏ trong vườn để làm thức ăn bổ sung cho bò.

Hội nghị cũng đã nghe các ý kiến từ lãnh chính quyền địa phương, các phòng ban liên quan của huyện A Lưới, các xã thực hiện dự án, cũng như các hộ hưởng lợi. Các đại biểu đã đánh giá rất cao các kết quả dự án đạt được, đặc biệt là những tác động của dự án đến đời sống của người dân bị ảnh hưởng chất độc da cam.

Ông Nguyễn Đức Phú, trạm trưởng trạm Khuyến Nông huyện A Lưới cho rằng “Dự án đã thay đổi phương thức chăn nuôi của người dân địa phương từ “người giữ bò” sang “người nuôi bò”; từ nuôi bò quảng canh, thả rông trong rừng sang nuôi bò bán thâm canh với hệ thống chuồng trại kiên cố, trồng cỏ và bổ sung thức ăn tại chuồng vào ban đêm”. Trạm Khuyến nông sẽ sử dụng mô hình này để nhân rộng ra các xã khác trong huyện.

Ông Lê Văn Chanh, chủ tịch UBND xã Hồng Trung cám ơn Hội cựu chiến binh trường Đại học Nông Lâm Huế đã quan tâm đến địa phương, ông đánh giá cao về cách tiếp cận của dự án: Người dân phải tham gia, đóng góp vào các hoạt động, dự án chỉ hỗ trợ các nguyên vật liệu thiết yếu như xi măng, sắt, và tấm lợp để làm chuồng; giống cỏ để thiết lập vườn cỏ và hỗ trợ kỹ thuật xây dựng mô hình và tập huấn kỹ thuật chăn nuôi. Ông cho rằng: “Dự án có đã tác động lớn lên mọi mặt đời sống người của dân địa phương, cụ thể là các mặt về: Kinh tế (nâng cao thu nhập); xã hội (trẻ em không phải đi chăn bò khi trời mưa), môi trường (chuồng bò đã có hố phân vì vậy phân không gây ô nhiểm môi trường), hoạt động dự án đã đáp ứng nội dung xây dựng Nông Thôn Mới của địa phương”.

Ông Quỳnh Sen – thôn Ta Ay, xã Hồng Trung đã phát biểu rằng “dự án không chỉ hỗ trợ vật liệu làm chuồng mà còn tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò cho người dân, dự án đã đáp ứng nhu cầu của người dân vì vậy người dân rất phấn khởi”. Thay mặt 43 hộ hưởng lợi, ông xin chân thành cám ơn sự chỉ đạo sâu sát của cán bộ dự án, cán bộ khuyến nông và đề nghị dự án tiếp tục hỗ trợ cho các hộ khác trên địa bàn huyện A Lưới.

Sau khi thảo luận tại hội trường, các thành viên tham gia được đi tham quan thực tế các hộ mô hình và được các chủ hộ và PGS.TS Nguyễn Xuân Bả chia sẽ những kinh nghiệm trong quá trình thực hiện và kết quả mang lại cho chính gia đình mình.

Một số hình ảnh buổi hội nghị:


PGS. TS Nguyễn Xuân Bả phát biểu tại hội nghị

Ông Nguyễn Đức Phú, trạm trưởng trạm Khuyến nông huyện A Lưới phát biểu tại hội nghị

Ông Lê Văn Chanh, chủ tịch UBND xã Hồng Trung phát biểu tại hội nghị

Các đại biểu tham dự Hội nghị tham quan mô hình chăn nuôi bò bán thâm canh
của ông Quỳnh Thương, xã Hồng Trung, huyện A Lưới

Vợ chồng ông Trần Xuân Vưng, xã Hồng Trung đang bổ sung thức ăn tại chuồng cho bò

Gia đình ông Quỳnh Sen, xã Hồng Trung đang cho bò ăn thân cây chuối trộn với muối