Học liệu mở MIT

Học liệu mở MIT – Cơ hội tiếp cận kiến thức khoa học tiên tiến nhất thế giới cho giảng viên và sinh viên Việt Nam

Học viện công nghệ Massachusetts (MIT)

Học viện MIT là một tổ chức giáo dục thuộc sở hữu tư nhân, gồm có 6 trường thành viên, nhiều khoa, ngành, cũng như chương trình đào tạo. MIT đi đầu thế giới về nhiều lĩnh vực khoa hoc và công nghệ. Những thành tựu khoa học và công nghệ do MIT nghiên cứu được xem như những tinh hoa về trí tuệ nhân loại.

Nhiều người đã ví MIT là “nóc nhà” công nghệ của thế giới. Đây là một trong những đại học hàng đầu tại MỸ. MIT quy tụ một đội ngũ đông đảo các nhà khoa học các chuyên gia có trình độ chuyên môn rất cao. Nhiều nhà khoa học tại đây đã từng được nhận các giải Nobel.

Học liệu mở MIT(MIT OpenCourseWare)

MIT-OCW là nguồn các giáo trình và bài giảng miễn phí khổng lồ được sáng lập bởi Học viện công nghệ Massachusetts (Massachusetts Institute of Technology – Mỹ). Sáng kiến này được tài trợ bởi các tổ chức :

William and Flora Hewlett, Andrew W. Mellon và học viện MIT. Đây là một cơ sở dữ liệu phong phú, hữu ích, bao gồm rất nhiều ngành và môn khoa học cùng rất nhiều chương trình nghiên cứu chuyên sâu khác như Nghiên cứu vũ trụ, Nghiên cứu địa cầu, Đại dương học, Nghiên cứu hạt nhân, Công nghệ Sinh học, Y khoa, Ngôn ngữ, Văn hóa, Nhân chủng học, Lịch sử, Kinh tế học, Khoa học máy tính, Công nghệ và Chế tạo máy, Kỹ nghệ truyền thông, Vật lý học, Âm nhạc thính phòng, Khoa học chính trị…

(Nguồn: http://mit.edu)

Độc giả của MIT-OCW ở khắp các nước trên thế giới. Tính trung bình có khoảng 1 triệu lượt người truy cập mạng MIT-OCW (http://ocw.mit.edu/) trong một tháng. Độc giả của MIT-OCW chủ yếu là sinh viên, nhà giáo dục, người tự học và số ít thành phần khác. Cụ thể, nếu tính trên 100% độc giả thì có 32% đối tượng là sinh viên, 17% là các nhà giáo dục, 48% là người tự học.

MIT-OCW của Học viện công nghệ Massachusetts đang mở ra những cơ hội cho các giảng viên, sinh viên và những người nghiên cứu trên khắp toàn cầu có điều kiện tiếp cận kiến thức khoa học tiên tiến nhất thế giới. Mục tiêu của sáng kiến này là tạo nên một mạng liên kết các trường đại học hàng đầu toàn thế giới, cung cấp các tài liệu giáo dục chất lượng cao một cách đa dạng về phương thức đào tạo và ngôn ngữ sử dụng.

Cái nhìn từ Việt Nam về MIT-OCW

Hiện tại, với sự hỗ trợ của MIT, Trung Quốc đã triển khai đưa MIT-OCW tới

165 trường Đại học lớn trên toàn quốc. Nhật Bản cũng đã đưa MIT-OCW vào các trường đại học danh tiếng của mình như Tokyo, Osaka, Keio, Kyoto,… Các tài liệu này đều được dịch sang tiếng Trung hoặc tiếng Nhật.

(Nguồn: VietnamNet)

Ở Việt Nam, nội dung đề án đổi mới giáo dục ĐH Việt Nam đến năm 2020 cũng đã đề cập đến việc đưa MIT-OCW vào Việt Nam. Đây là bước quan trọng để góp phần hiện đại hóa các chương trình giảng dạy cũng như phương pháp học tập của ĐH Việt Nam. Ngày 17/11/2005, một bản ghi nhớ về việc đưa MIT-OCW vào Việt Nam đã được ký kết giữa Bộ GD – ĐT, MIT, VEF (quỹ giáo dục Việt Nam – Hoa Kỳ) và Công ty Phần mềm và Truyền thông VASC.

Theo biên bản ghi nhớ này, MIT sẽ cung cấp bản copy toàn bộ chương trình đào tạo ĐH và sau ĐH theo hình thức “mở” trên mạng internet cho Việt Nam dưới các hình thức như văn bản, video clip, v.v…. Các tài liệu giảng dạy của các chương trình ĐH và sau ĐH sẽ được biên dịch rồi đưa lên mạng trực tuyến và được cung cấp hoàn toàn miễn phí cho những người truy cập được Internet . Tuy nhiên, do tài liệu của MIT-OCW rất lớn, nên sẽ mất một thời gian rất dài để thu thập và biên dịch tất cả các tài liệu này từ website MIT-OCW.

Khai thác và sử dụng hiệu quả MIT-OCW

Nội dung các học phần đều được trình bày rất cô đọng, tập trung vào các vấn đề trọng tâm của môn học. Mỗi môn học đều được cung cấp mục tiêu, đề mục nội dung giảng dạy, bài tập, tình huống, tên tài liệu tham khảo, bài tập mẫu và địa chỉ các website có liên quan.

Khối lượng trình bày lý thuyết rất ngắn chủ yếu ở dạng các slide powerpoint, bài tập tình huống tiêu biểu,… Ngược lại, khối lượng công việc cho sinh viên thì rât lớn, rất nhiều tài liệu đọc thêm, bài tập, đồ án, bài kiểm tra,..được đưa ra.

Từ kinh nghiệm bản thân tôi nhận thấy MIT-OCW thực sự hiệu quả với đội ngũ giảng viên. Trên cơ sở nền tảng kiến thức đa dạng, đội ngũ giảng viên, nhà nghiên cứu sẽ khai thác rất hiệu quả khối kiến thức này thông qua các vấn đề chính yếu nêu ra trong phần bài giảng của MIT-OCW. Với sinh viên, MIT-OCW sẽ giúp củng cố một cách có hệ thống những vấn đề chính của môn học, giúp người học nắm vững các khối kiến thức trọng tâm.

Tuy nhiên, các tài liệu tham khảo và sách (text book) đều không được đăng tải nội dung trên MIT-OCW (giới hạn của luật bản quyền). Trong khi đó, các bài tập thì thường được thiết kế theo các tài liệu này. Có thể nói đây là một nhược điểm của MIT-OCW đối với những người tự học khi không có nguồn các tài liệu tham khảo nêu trên để đọc.

Để sử dụng một cách có hiệu quả và khả thi, một số ý kiến cho rằng bên cạnh việc triển khai MIT-OCW ở Việt Nam nên kết hợp tổ chức các diễn đàn theo từng nhóm chuyên môn dưới sự điều hành của nhiều nhóm chuyên gia. Họ vừa là cố vấn học tập vừa giúp biên dịch các chương trình MIT-OCW.

Để tạo điều kiện tiếp cận và sử dụng MIT-OCW tốt hơn, nên thiết lập một máy chủ tại các trường đại học để tạo thành một mạng máy chủ chứa cơ sở dữ liệu đào tạo trực tuyến để Giảng viên và học viên sẽ dễ dàng tiếp cận các tài liệu này ngay từ mạng nội bộ của trường Đại học. MIT-OCW sẽ cung cấp bản cập nhật (update) các tài liệu, giáo trình mới nhất cho các trường Đại học và quốc gia tham gia chương trình theo một thời gian hạn định.