Hoạt động sản xuất Nông Lâm Ngư nghiệp tháng 4. 2010

Trong tháng 4 nhờ có mưa trên diện rộng, vấn đề thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp đã được khắc phục. Tổng diện tích gieo cấy lúa đông xuân của các tỉnh miền Bắc đạt 1.123,4 ngàn ha, tăng hơn 67 ngàn ha so với cùng kỳ năm trước. Tính đến ngày 15/4/2010, miền Nam đã thu hoạch 1.745,7 ngàn ha lúa đông xuân, chiếm 90,2% diện tích xuống giống. Kết quả lúa đông xuân ở các tỉnh miền Nam năng suất đạt khá hơn năm trước, sản lượng sơ bộ toàn vụ đạt xấp xỉ 10 triệu tấn lúa, tăng khoảng 11 vạn tấn so với vụ trước.

Chăn nuôi

Tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là dịch bệnh tai xanh và tiêu chảy đã phát ra ở một số địa phương trên cả nước gây tâm lý lo ngại, ảnh hưởng đến quá trình đầu tư tái tạo đàn của người chăn nuôi. Tuy vậy, chăn nuôi trâu, bò lại có xu hướng phát triển ổn định hơn. Chăn nuôi gia cầm có chiều hướng tăng lên do quá trình tái đàn sau dịp tết.

Lâm nghiệp

Đến nay diện tích trồng rừng tập trung trên cả nước là 16,5 nghìn ha, đạt 8 % kế hoạch; chăm sóc rừng trồng đạt 110,5 nghìn ha, bằng 73,8 % kế hoạch; trồng cây phân tán đạt 76,4 triệu cây.

Thủy sản

Sản lượng thủy sản khai thác tháng 4 ước đạt 200 ngàn tấn, 4 tháng đầu năm 2010 đạt 800 ngàn tấn, giảm 1% so với với cùng kỳ năm trước. Nuôi trồng thủy sản tháng 4 ước đạt 110 ngàn tấn, đưa tổng sản lượng nuôi trồng 4 tháng đầu năm đạt 587 ngàn tấn tăng 5,8% so với với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 4 ước đạt 1,6 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước 890 triệu USD, thuỷ sản ước đạt 350 triệu USD và lâm sản ước đạt 300 triệu USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản toàn ngành 4 tháng đầu năm 2010 ước đạt 5,6 tỉ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2009.

Xuất khẩu nông lâm và thủy sản

Ước tháng 4, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt 1,6 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước 890 triệu USD, thuỷ sản ước đạt 350 triệu USD và lâm sản ước đạt 300 triệu USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản toàn ngành 4 tháng đầu năm ước đạt 5,6 tỉ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2009. Trong đó, nông sản đạt hơn 3,0 tỷ USD, tăng 5,3 %; thuỷ sản đạt hơn 1,2 tỷ USD, tăng 17,4 %; lâm sản đạt 1,1 tỷ USD, tăng 33,7%. Trong 4 tháng đầu năm, trừ cà phê và sắn, các mặt hàng còn lại đều có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó mặt hàng cao su tăng gấp đôi.

Gạo

Ước tháng 4 xuất khẩu 700 ngàn tấn, với giá trị đạt 385 triệu USD. Tổng lượng gạo xuất khẩu 4 tháng đầu năm ước đạt 2,14 triệu tấn, thu về 1,18 tỷ USD. So với cùng kỳ năm trước giảm 13,8 % về lượng còn về giá trị xuất khẩu thì xấp xỉ. Mặc dù giá gạo XK bình quân 3 tháng đầu năm đạt 549 USD/T, tăng 20,3 % (tương đương 92 USD/T) so cùng kỳ năm trước, nhưng giá mặt hàng này đang có xu thế giảm. Những thị trường truyền thống của Việt Nam như Philippines, Malaysia sẽ khó có hợp đồng tập trung lớn (thông qua đấu thầu).

Cà phê

Ước xuất khẩu tháng 4 đạt 120 ngàn tấn, kim ngạch 168 triệu USD, tổng xuất khẩu cà phê 4 tháng ước đạt 465 ngàn tấn và 651 triệu USD, cà phê xuất khẩu đang sụt giảm mạnh cả về lượng lẫn giá trị, so cùng kỳ năm trước giảm 16,3% về lượng và 21,9% về giá trị. Giá XK bình quân 3 tháng là 1.398 USD/T, giảm 7,45% (khoảng 112USD) so với cùng kỳ năm trước.

Cao su

Tháng 4, ước xuất khẩu 50 ngàn tấn, đạt 120 triệu USD. Tổng xuất khẩu 4 tháng đầu năm ước đạt 173 ngàn tấn và 445 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước tăng 23,8% về lượng và 129,7% về kim ngạch. Giá cao su XK trung bình 4 tháng đầu năm đạt 2.640 USD/T, tăng 92,6 % (tương đương 1.269 USD/T) so cùng kỳ năm trước. Mặc dù xuất khẩu cao su gặp thuận lợi về giá cả nhưng do thời tiết năm nay khắc nghiệt nên sản lượng mủ chưa chắc đã đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu.

Chè: Ước xuất khẩu trong tháng 4 đạt 7 ngàn tấn, kim ngạch 10 triệu USD. Tổng lượng chè xuất khẩu 4 tháng đầu năm ước đạt gần 33 ngàn tấn, thu về 46 triệu USD. Lượng xuất khẩu tăng 5,6 % và kim ngạch tăng 17,1 % so với cùng kỳ năm 2009. Giá chè xuất khẩu trung bình 3 tháng đầu năm đạt 1.378 USD/T, tăng 8,6% so cùng kỳ năm trước nhờ vậy giá thu mua chè trong nước cũng khá ổn định. Thị trường Nga có sự tăng trưởng mạnh, vượt qua Pakixtan trở thành thị trường tiêu thụ chè Việt Nam lớn nhất chiếm 1/5 giá trị xuất khẩu, ngược lại Pakixtan lại giảm cả về lượng và giá trị so với cùng kỳ năm trước (chưa bằng ½ cùng kỳ năm 2009).

Hạt điều

Tháng 4 xuất khẩu ước đạt 10 ngàn tấn với kim ngạch 52 triệu USD, đưa mức xuất khẩu 4 tháng đầu năm ước đạt 41 ngàn tấn, kim ngạch gần 212 triệu USD. So với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu điều giảm 7,7 % về lượng nhưng tăng 9,1% về

giá trị. Giá xuất khẩu bình quân 3 tháng đạt 5.213USD/T, tăng 17,5% (tương ứng 776 USD/T) so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù Việt Nam đang là nước xuất khẩu điều lớn nhất thế giới nhưng trở ngại lớn nhất hiện nay của ngành này là tình trạng thiếu nguyên liệu. Sản xuất điều trong nước mới chỉ đáp ứng được gần 60% nhu cầu nguyên liệu chế biến của các nhà máy.

Tiêu

Xuất khẩu trong tháng ước đạt 15 ngàn tấn, kim ngạch đạt 45 triệu USD, 4 tháng đầu năm 2010 ước xuất khẩu được 43 ngàn tấn, kim ngạch 130 triệu USD. So cùng kỳ năm trước, lượng xuất khẩu tăng 9,6 % và kim ngạch tăng 39,5%. Giá xuất khẩu bình quân 3 tháng đạt 3.026 USD/T, tăng 24,6% (tương đương 598 USD/T) so với mức giá cùng kỳ năm 2009. Xuất khẩu tiêu đang có những dấu hiệu khả quan, ba thị trường lớn nhất của Việt Nam là Hoa Kỳ (chiếm tỷ trọng 16,84%), Đức (15%), Ấn Độ (7,62%) đều có sự tăng trưởng vượt bậc, gấp từ 2 – 3 lần về cả khối lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2009.

Lâm sản và đồ gỗ: Tháng 4, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 280 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu mặt hàng này 4 tháng lên trên 1 tỷ USD tăng 35,3 %; sản phẩm mây tre, cói thảm ước đạt 67 triệu USD, tăng 14,8 % so với cùng kỳ năm trước.

Thuỷ sản

Ước xuất khẩu thuỷ sản tháng 4 đạt 350 triệu USD đưa giá trị xuất khẩu thuỷ sản 4 tháng đầu năm 2010 đạt hơn 1,2 tỷ USD, tăng 17,4 % so với cùng kỳ năm 2010. Trong đó, cá tra, basa và tôm đông lạnh vẫn là những mặt hàng chủ đạo với giá trị tương ứng là 306,98 triệu USD và 219,97 triệu USD, tăng lần lượt 15,6 % và 11,7 % so với cùng kỳ năm trước. EU tiếp tục là khối thị trường đứng đầu tiêu thụ thuỷ sản Việt Nam chiếm tỷ trọng 25,7% tiếp theo là Nhật 17,3%, Hoa Kỳ 16%.