“Hiện tượng” nông nghiệp công nghệ cao Hà Lan

(Bộ NN&PTNT) Tháp tùng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Cao Đức Phát trong chuyến thăm ngắn ngày ở Hà Lan, chúng tôi được tận mắt chứng kiến một đất nước có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam những đã có sự phát triển kỳ diệu. Một đất nước bé nhỏ, kiên cường và hướng ra biển Bắc với lịch sử hàng trăm năm chống nạn ngập lụt, bão tố và không ngừng lấn biển để sinh tồn.

Xuất khẩu nông sản hiệu quả nhất thế giới

Hà Lan chỉ có diện tích 41.548 km2, dân số 16,5 triệu dân, tương đương với diện tích và dân số của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nước ta. Ông Hà Huy Thông, Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan cho rằng: Từ ngàn năm, người Hà Lan vươn lên từ đầm lầy. Khi chưa có điện thì họ đã xây dựng hệ thống cối xay gió để bơm nước ra khỏi vùng ngập lụt. Sau mỗi một trận bão lớn tràn vào phá huỷ đất nước thì họ lại bật lên để xây dựng công trình đê biển kỳ vĩ và những công trình thuỷ lợi nổi tiếng thế giới. Gần đây nhất là cơn bão lớn từ Biển Bắc đổ vào Hà Lan năm 1953 với mực nước dâng cao 6m làm chết gần 2000 người, ngập 9% diện tích nông nghiệp, phá huỷ 47.300 tòa nhà. Sau cơn bão này, Hà Lan đã xây dựng những công trình thuỷ lợi kỳ vĩ vào loại lớn nhất thế giới. Dẫn Bộ trưởng Cao Đức Phát đến thăm công trình trị thuỷ Maeslandkering, đại diện Bộ Giao thông và Thuỷ lợi Hà Lan cho biết: Khi xây dựng xong công trình này, chúng tôi cảm thấy đã thực sự chế ngự và làm chủ thiên nhiên. Đây là hàng rào sắt khổng lồ chắn sóng Biển Bắc bảo vệ cho cả một vùng đồng bằng rộng lớn và thành phố cảng Rotterdam nổi tiếng thế giới. Ở đây, hàng loạt công trình thuỷ lợi nâng đê, ngăn các cửa biển và "hàng rào" khổng lồ chắn sóng biển cao hơn 10m liên tiếp được xây dựng. Để phòng chống thiên tai khắc nghiệt, Chính phủ Hà Lan đã quy định những tiêu chuẩn an toàn của các công trình thuỷ lợi này ở mức cao nhất. Tiêu chuẩn an toàn đập ngăn mặn có tần xuất " 1 vạn năm 1 lần", tiêu chuẩn an toàn các đê sông có tần xuất "1250 năm 1 lần". Đến năm 1997, Hà Lan đã hoàn thành 15 công trình lớn phòng chống lũ với kinh phí 9 tỷ USD.

Bên trong những công trình thuỷ lợi, những con đê biển kỳ vĩ đó là các thành phố lớn, các dải đất vốn dĩ đã từng ngập mặn hoặc từng bị tàn phá do lũ lụt. Công cuộc điều phối thuỷ văn, chống lụt, rửa mặn và tưới tiêu được người Hà Lan tiến hành kéo dài trong suốt thể kỷ 20 để đến nay mới có được hàng ngàn km2 mặt nước ngọt, mở rộng đất canh tác nông nghiệp, đất thổ cư. Tiến sỹ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện chính sách chiến lược phát triển NN-NT cho chúng tôi biết: Hiện nay Hà Lan chiếm tới 25% diện tích nhà kính với công nghệ hiện đại. Thiết bị trong nhà kính đều được điều hành bằng hệ thống tin học, sản xuất được cơ giới hoá, tự động hoá, gồm các khâu làm ấm, thông gió, hạ nhiệt, tưới nước, bón phân, phun thuốc, thanh trùng…Có nhiều nhà kính sử dụng công nghệ không dùng đất. Nơi đây cung cấp sản phẩm hoa, rau cho cả châu Âu và nhiều nước trên thế giới. Có tới 10 sản phẩm nông sản Hà Lan xuất khẩu đứng thứ nhất thế giới như: hoa tươi, cà chua, khoai tây, hành tây, trứng gà, pho mát, sữa đặc, bia đại mạch, bánh ca cao, dầu ca cao. Có 3 sản phẩm xuất khẩu thứ nhì thế giới là thịt lợn, sô cô la và thuốc lá. Điều đáng nói chủ yếu đó là các sản phẩm của nền nông nghiệp công nghệ cao. Kim ngạch xuất khẩu nông sản của Hà Lan trong nhiều năm qua chỉ đứng sau Mỹ,Pháp nhưng hiệu quả và tính cạnh tranh lại cao nhất thế giới; chiếm phần quan trọng trong cơ cấu kinh tế đất nước. Tuy nhiên, điều đáng nói, nền nông nghiệp phát triển như vậy nhưng chỉ có 4% dân số Hà Lan tham gia sản xuất để làm ra và xuất khẩu hơn 10 sản phẩm đứng đầu thế giới.

Hợp tác phát triển nông nghiệp đa dạng và chế ngự thiên nhiên

Vui mừng trước chuyến thăm Hà Lan chính thức đầu tiên của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nước ta, bà Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Thiên nhiên và chất lượng thực phẩm Hà Lan đã đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa 2 Bộ trong thời gian qua và thống nhất với Bộ trưởng Cao Đức Phát các nội dung cần đẩy mạnh hợp tác trong giai đoạn tiếp theo là: mở rộng hợp tác về kinh nghiệm phòng tránh và thích nghi với biến đổi khí hậu toàn cầu. Trước mắt tập trung cho việc giải quyết ngập úng tại thành phố Hồ Chí Minh và đồng bằng sông Cửu Long; thiết lập chương trình hợp tác về chất lượng an toàn thực phẩm; đẩy mạnh chương trình Cộng tác Nhà nước – Tư nhân (PPP) thuộc lĩnh vực ca cao, cà phê, thuỷ sản; hợp tác về cấp nước cho sản xuất lương thực và hệ sinh thái; phát triển bền vững rau, hoa quả sạch; hợp tác về thú y; kiểm dịch động, thực vật; bảo vệ và phát triển rừng ngập nước; khu bảo tồn thực vật ở Việt Nam…Bộ trưởng Cao Đức Phát và Bộ trưởng Nông nghiệp, Thiên nhiên và chất lượng thực phẩm Hà Lan đã ký Biên bản thoả thuận hợp tác giữa 2 bên. Theo đó, các chương trình hợp tác giữa 2 Bộ đã được bàn thảo thống nhất và nâng cao thêm nữa về hiệu quả, chất lượng của từng chương trình, dự án. Trong các buổi làm việc với Bộ Giao thông và Thuỷ lợi, Bộ Ngoại giao, Bộ Kinh tế Hà Lan, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã đề nghị Hà Lan tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực ưu tiên như quản lý nước, lâm nghiệp, đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường; tài trợ khẩn cấp để phòng chống và khắc phục hậu quả do bão, lũ, dịch bệnh gây ra. Bộ trưởng Cao Đức Phát đã đề nghị tăng cường hợp tác Việt Nam – Hà Lan về khắc phục và đối phó với thiên tai; về quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long để khắc phục và thích ứng hiệu quả với tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra. Bộ trưởng cho biết, trong vài chục năm nữa, vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ không khác gì "vùng đất thấp" Hà Lan trong các thế kỷ trước khi nước biển dâng sẽ làm ngập lụt 50% diện tích ĐBSCL dưới mực nước biển từ 0,5 – 1m. Bởi vậy, ngay hôm nay,công tác nghiên cứu và phòng chống xâm ngập mặn, chống nước biển dâng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần được thúc đẩy nhanh, mạnh hơn nữa, bằng chính từ kinh nghiệm của Hà Lan trong hơn thế kỷ qua.

* CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỢP TÁC GIỮA BỘ NÔNG NGHIỆP – PTNT VÀ HÀ LAN

Hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp – PTNT và Vương quốc Hà Lan cho thấy Hà Lan đang là nhà tài trợ lớn cho ngành Nông nghiệp và PTNT. Hiện tại có 12 chương trình, dự án ODA do Hà Lan tài trợ không hoàn lại đang trong qúa trình triển khai thực hiện với tổng kinh phí 66,667 triệu Euro. Theo đánh giá của Hà Lan, các chương trình, dự án đã thực hiện khá hiệu quả. Đáng chú ý là các chương trình hợp tác về giảm nhẹ thiên tai, quản lý rủi ro thiên tai, hỗ trợ nghiên cứu xây dựng đê biển, khí sinh học Biogas, hợp tác Nhà nước và Tư nhân (PPP) trong lĩnh vực thuỷ sản; hợp tác về an toàn vệ sinh thực phẩm và thú y thuỷ sản…được phía Hà Lan đánh giá thành công và đề nghị tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới.

Hiện nay thương mại song phương Việt Nam – Hà Lan đã tăng lên 1,7 tỷ USD ( năm 2007). Đã có nhiều sản phẩm mang thương hiệu " Made in Vietnam" đang được tiêu thụ ở Hà Lan: hải sản, dệt may, đồ gỗ, hồ tiêu, gạo…