‘Giải thể trường đại học phải có quy trình’

Trao đổi tiếp về giáo dục đại học, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho hay, việc trường ĐH xin điều chỉnh tên không nhất thiết kèm theo những cam kết chất lượng mới.

Bộ có quyền xem xét các sai phạm của một trường đại học, trình Chính phủ quyết định đình chỉ hoạt động giáo dục hoặc giải thể trường đại học, nhưng việc này phải có quy trình.

Trả lời câu hỏi có nên quy định cấm cán bộ cho con đi học nước ngoài, ông nói "cực đoan không mang lại sự phát triển bền vững cho đất nước". 

Dưới đây, VietNamNet giới thiệu phần tiếp theo của cuộc trao đổi.

Phần 1: "Bộ sẵn sàng báo cáo Quốc hội về giáo dục đại học"

Mô tả ảnh.
Trong phòng thi ĐH ở cụm thi Quy Nhơn tháng 7/2009. Ảnh: An Bang

Tên trường không đi kèm với chất lượng

Nói về giám sát, đầu năm nay, có trường như Trường Đại học Hồng Bàng, sau khi dư luận phàn nàn về học phí, cơ sở vật chất, giáo viên thì Bộ đã cử đoàn thanh tra. Nhưng 1 tháng sau, lại có quyết định đổi tên thành ĐH quốc tế. Đến tháng 9, sau khi báo chí lên tiếng về điều kiện cơ sở vật chất, năng lực đào tạo của trường vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, Bộ lại quyết định thanh tra. Tại sao lại có cách xử lý nửa vời như vậy?

Đó không phải là việc xử lý nửa vời.

Nếu có phản ánh về yếu kém quản lý, cơ sở vật chất, Bộ vào kiểm tra, nhắc nhở là đúng. Nếu sau đó một thời gian, vẫn có phản ánh, Bộ vào kiểm tra lại là đúng. Không kiểm tra lại mới là nửa vời.

Còn việc trường ĐH xin điều chỉnh tên là quyền của họ, chứ không nhất thiết kèm theo những cam kết chất lượng mới.

 Người học – người sử dụng dịch vụ giáo dục phải kiểm tra, tìm hiểu về trường đó chứ không phải dựa vào cái tên.

Tuy nhiên, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD-ĐT chủ trì cùng các bộ khác đề xuất về quản lý việc đặt tên các trường thống nhất và có tác dụng tích cực với hệ thống giáo dục quốc dân.

Đóng cửa ĐH phải có quy trình

Vào tháng 4, đã có Nghị quyết của Bộ Chính trị yêu cầu không duy trì đại học kém chất lượng. Vậy Chính phủ và Bộ có kế hoạch triển khai như thế nào?

Thực ra những việc làm tôi nói từ đầu đến giờ là theo hướng đó, Chính phủ, Bộ GD-ĐT đang hoàn chỉnh các quy định liên quan đến việc kiểm tra nhà trường sau hoạt động, thực hiện 3 công khai, kiểm định chất lượng, thông qua đó chúng ta sẽ biết được chất lượng thực tế và từ đó đề xuất giải pháp xử lý.

Tháng 01/2009, tức là trước khi có nghị quyết của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 07 về điều kiện và thủ tục thành lập, đình chỉ hoạt động, sáp nhập, chia, tách, giải thể trường đại học.

Theo đó, Bộ GD-ĐT có quyền xem xét các sai phạm của một trường đại học, trình Chính phủ quyết định đình chỉ hoạt động giáo dục hoặc giải thể trường đại học.

Mô tả ảnh.

Trong vòng 1 tiếng rưỡi, bắt đầu từ 19h tối ngày 28/8/2007, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã đứng liên tục để giới thiệu về nội dung "sứ mạng và những bài toán của giáo dục ĐH Việt Nam" tại lớp học của các hiệu trưởng ĐH. Ông nêu 4 câu hỏi của bài toán giáo dục ĐH. "Đứng lớp này rất khó giảng", ông nói và "mong các hiệu trưởng cùng giải giúp". Ảnh: Lê Anh Dũng

Tất nhiên, đây không phải là việc làm ngay, mà phải có quy trình. Nếu một trường không đạt chất lượng nhưng đang có sinh viên thì biện pháp đầu tiên là không cho họ tuyển sinh mới để lo cho sinh viên cũ trước đã.

Nếu họ không làm được thì chúng ta có thể yêu cầu các trường khác hỗ trợ, chẳng hạn cử giảng viên giảng dạy để số sinh viên đó cũng phải ra trường đàng hoàng. Nhưng nếu họ không chứng minh được năng lực đủ thì trường đó sẽ không được duy trì.

Chúng ta có thể đóng cửa một ngôi trường nhưng phải có quy trình.

Tháng 5/2009, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư 09 về quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục.

Theo đó từ năm học 2009-2010, các trường phải thực hiện 3 công khai: công khai cam kết chất lượng giáo dục và mức chất lượng thực tế được đánh giá; công khai nguồn lực của trường phục vụ cho đào tạo (giáo viên, cơ sở vật chất, chuơng trình…); công khai thu chi tài chính.

Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về năm học 2009 – 2010 khối đại học đã nêu rõ: Đến tháng 1/2010, các trường nào không thực hiện công khai về cam kết chất lượng đào tạo, về nguồn lực phục vụ đào tạo và về tài chính theo hướng dẫn của Bộ thì sẽ không được phép tuyển sinh năm học 2010 – 2011.

Nhà giáo lâu năm, ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết nói việc mở trường đại học dễ dãi có sự nể nang từ phía cơ quan quản lý. Ông nghĩ gì về nhận định này?

Theo tôi thì đại biểu Thuyết nên nói cụ thể hơn để cùng xem xét.

Mô tả ảnh.
Tham khảo thông tin tại triển lãm giáo dục Hà Lan. Ảnh: Lê Anh Dũng

Câu hỏi cuối cùng, có độc giả cho rằng để giáo dục đại học được quan tâm đầy đủ, nên có quy định nào đó cấm cán bộ cho con đi học nước ngoài chẳng hạn?

Theo tôi, ý kiến đó không có căn cứ pháp lý và nhất là không phản ánh bản chất các bất cập trong quản lý hiện nay là gì. Ví dụ để khắc phục việc tồn tại các trường kém chất lượng, từ các điều nêu trên, chúng ta cần thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, việc thẩm định các điều kiện để mở ngành, tuyển sinh phải tiến hành tại cơ sở giáo dục, không thẩm định chỉ dựa vào hồ sơ.

Ngoài ra, tất cả các trường bắt đầu tuyển sinh thì 3 năm liên tục sau đó phải được kiểm tra và xử lý sai phạm nếu có.

Bên cạnh đó, cơ quan kiểm tra các trường chủ yếu không phải là Bộ GD-ĐT mà là UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ, các sở GD-ĐT. Chính phủ giao cho UBND cấp tỉnh, thành phố tham gia kiểm tra, quản lý các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn.

Giải pháp thứ tư là các trường phải thực hiện "3 công khai" từ đó hàng ngàn, hàng vạn sinh viên và gia đình, hàng trăm thầy cô giáo sẽ tự giám sát trường của mình. Trường nào có các ngành chưa đảm bảo các điều kiện yêu cầu để được phép mở ngành thì không được phép đào tạo ngành đó.

Và cuối cùng là thực hiện quy chế đánh giá và kiểm định chất lượng bắt buộc đối với các trường đại học, cao đẳng thực hiện việc sinh viên tham gia đánh giá giảng viên qua môn học, triển khai việc giảng viên, cán bộ, công chức trong trường đánh giá định kỳ lãnh đạo các khoa và nhà trường.

Tôi chưa biết nước nào trên thế giới cấm quyền đi học nước ngoài của công dân.

Lịch sử phát triển đất nước chúng ta là lịch sử biết quan tâm đến lợi ích quốc gia và của từng người dân, tạo sự hài hòa cho xã hội phát triển, chứ cực đoan không mang lại sự phát triển bền vững cho đất nước.

-Xin cảm ơn Phó Thủ tướng!