ĐBSCL: Trước những mối đe dọa

Ngày môi trường thế giới 5/6/2009, tại TP Cần Thơ tổ chức hai sự kiện nổi bật thu hút sự chú ý của nhân dân trong vùng.

Thành phố phát động tháng hàng động vì môi trường tương lai, nâng cao ý thức cộng đồng trong việc giữ gìn vệ sinh, không dùng túi nylon, không thải rác xuống làm ô nhiễm sông rạch…Bên cạnh đó, hơn 100 đại biểu gồm các nhà khoa học quốc tế, các Viện nghiên cứu, trường Đại học trong nước và lãnh đạo các tỉnh, thành ở ĐBSCL đã tham dự diễn đàn hằng năm với chủ đề "Bảo tồn thiên nhiên và văn hóa vì sự phát triển bền vững ở ĐBSCL", do Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp cùng Ủy ban Con người – Sinh quyển của UNESCO, Trường ĐH Cần Thơ, Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) tổ chức.

Một thông điệp đặc biệt đưa ra từ diễn đàn này là tăng cường sự tham gia của các bên liên quan trong việc xây dựng kế hoạch hành động về quản lý, bảo tồn, phát triển tài nguyên thiên nhiên và văn hóa vì sự phát triển bền vững ở ĐBSCL nhằm bảo đảm sinh kế của người dân nông thôn và bảo tồn tính toàn vẹn của hệ sinh thái đất ngập nước trong khu vực.

Qua những diễn biến thực tế cho thấy ĐBSCL đang đứng trước nhiều mối đe dọa cận kề. Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới (WB), Việt Nam sẽ là một trong 5 nước bị ảnh hưởng mạnh nhất do biến đổi khí hậu (BĐKH). Nước biển dâng cao là mối hiểm họa trước mắt, trong đó ĐBSCL sẽ là vùng bị ảnh hưởng nặng nhất. Mực nước biển dâng cao hơn sẽ làm cho nhiều vùng đồng bằng nước ngọt trở thành vùng nước lợ; hàng triệu người có nguy cơ mất chỗ ở, làm gia tăng sức ép lên sự phát triển của các vùng lân cận. Song song đó, tại diễn đàn những tham luận mới nhất báo động việc xây đập nước làm thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong từ phía Trung Quốc đã làm tác động mạnh đến chế độ thủy văn dòng chảy thay đổi và gây áp lực đến 90% diện tích ngập nước. Điều này đã lý giải vì sao trong mấy năm qua những mùa nước lớn ở ĐBSCL không còn dâng cao, nguồn lợi thủy sản suy giảm.

Mặt khác, cũng phải thừa nhận rằng quá trình phát triển kinh tế mạnh mẽ trong hai thập kỹ vừa qua đã làm cho các hệ sinh thái đất ngập nước tự nhiên của ĐBSCL bị suy giảm nghiêm trọng. Việc khai thác nguồn lợi tự nhiên quá mức và tỉ lệ gia tăng dân số quá cao đang tạo một sức ép lớn lên vùng đồng bằng này. Trong phát triển kinh tế đã nảy sinh mâu thuẩn trong sử dụng đất, nguồn nước cho các ngành thủy sản, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi và kiểm soát lũ, phát triển cơ sở hạ tầng và đô thị hóa cùng với sự yếu kém trong qui hoạch, phát triển tự phát, trong đó có việc sử dụng bất hợp lý tài nguyên và sự đầu tư không tương thích đã làm cho ĐBSCL ngày một suy thoái hơn.

Những phương kế mưu sinh và tập quá sinh cư, nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng của người dân ĐBSCL sẽ ra sao khi đứng trước nhiều sự tác động ? TS Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, trường Đại học Cần Thơ cho rằng, tác động BĐKH sẽ đe dọa đến việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, sinh cư của người dân trong vùng. Một số sinh vật có thể bị tiêu diệt nhưng cũng sẽ có một số côn trùng (như muỗi) sẽ gia tăng. Khi đất và rừng ĐBSCL bị suy kiệt, diện tích canh tác nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản sẽ bị thu hẹp, năng suất, sản lượng bị suy giảm sẽ dẫn tới mối nguy về an ninh lương thực quốc gia.

Bà Rush Mathews, đại diện WWF tại Việt Nam:

"Nếu các con đập được xây dựng trên dòng chính sông Mekong, dòng sông của chúng ta sẽ bị biến đổi mãi mãi. Có đe dọa nào nghiêm trọng hơn và nhanh hơn đối với con người và các hệ sinh thái ở ĐBSCL hơn là xây đắp những con đập trên dòng chính sông Mekong ?" + ĐBSCL có 3,9 triệu ha đất ngập nước tự nhiên, là vùng đa dạng sinh học cao và giàu có nguồn lợi thủy sinh, sinh kế của người dân địa phương. Đây là "vựa lúa" của cả nước, đảm bảo lương thực cho 40% dân số cả nước và cung cấp 90% lượng gạo xuất khẩu.

Bà Ruth Mathews, Quản lý chương trình WWF Việt Nam nhận định: "Dòng sông Mekong tựa như "dòng sữa" mẹ cho vùng ĐBSCL bồi đắp phù sa, mức độ đa dạng sinh học cao nhất. Dòng sông dẫn ra chính nhánh tới biển mang lại điều kiện sinh kế cho người dân rất tốt.

Chính những yếu tố này đã tạo nên nền kinh tế ĐBSCL phụ thuộc rất nhiều vào các hệ sinh thái tự nhiên: đánh bắt nuôi trồng thủy sản, trồng trọt…Thế nhưng đây là một trong 3 đồng bằng dễ tổn thương nhất trên trái đất. Nếu nước biển dâng cao 1m, 8,5 triệu người sẽ mất nhà ở. Nếu nhiệt độ tăng thêm 10C sẽ giảm năng suất lúa, giảm nguồn lợi thủy sản. Nhiều lũ mạnh trong mùa mưa, thiếu nước nghọt trong mùa khô, nhiễm mặn…"

Trước những cảnh báo đe dọa tương lai, WWF đưa ra một số đề xuất để ĐBSCL thích ứng với BĐKH. Theo đó, xác định các phương án di tản khẩn cấp cũng như tái định cư tập trung cho các hộ gia đình ở những vùng bị tác động lên các vùng đất cao hơn. Xây dựng chiến lược quản lý nước dựa trên các "cấu trúc mềm", phục hồi đụn cát, tạo ra các vùng ngập nước, tái phủ xanh đất trống, rừng ngập mặn…Nâng cao kiến thức hiểu biết về các quá trình thủy – địa học tự nhiên, về vai trò của các dịch vụ sinh thái rừng ở cấp địa phương và toàn lưu vực cho người dân trong vùng nhằm thích ứng với BĐKH. Đặc biệt, WWF nhấn mạnh yếu tố phục hồi rừng ngập mặn là cực kỳ quan trọng. Đây là biện pháp hứa hẹn nhất trong việc tận dụng chức năng bảo vệ của các hệ sinh thái tự nhiên.

Cũng tại diễn đàn này, tiếp nhận sau những kinh nghiệm thực tế trong việc duy trì sự phát triển của các khu Dự trữ sinh quyển ở Kiên Giang, Cà Mau, ý tưởng của nhiều nhà khoa học đề nghị hướng tới xây dựng khu "Dự trữ sinh quyển và phát triển Nông thôn bền vững ở ĐBSCL". Đây là một kế hoạch cần hành động và sớm được xây dựng về đa dạng sinh học để bảo tồn thiên nhiên và văn hóa cho ĐBSCL.