Cơ hội vào ĐH bằng nguyện vọng 2

Từ 25/8, gần 90 ĐH công bố việc xét tuyển nguyện vọng 2 trên cả nước. Thận trọng trong việc chọn trường và ngành để nắm được cơ hội vào đại học là những lưu ý cần thiết đối với thí sinh khi đăng ký.

Theo ghi nhận của VnExpress.net, phần lớn các trường đều ấn định điều kiện nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 2 bằng với điểm sàn của Bộ GD&ĐT. Cụ thể, điểm nhận hồ sơ xét tuyển vào hệ đại học đối với khối A, D là 13, khối B, C là 14 và tương tự hệ cao đẳng là 10 và 11.

Tuy nhiên, các chuyên gia đào tạo cho hay, để chắc chắn đậu nguyện vọng 2 thì thí sinh phải có tổng số điểm thi cao hơn điểm sàn ít nhất hai điểm, tức phải đạt 15 – 16 trở lên. Trong trường hợp các trường nhận được quá nhiều hồ sơ so với chỉ tiêu, cơ hội được trúng tuyển của thí sinh có điểm bằng sàn (13,14) chỉ vào khoảng 40% – 60%. Đó là chưa kể đến việc, một số trường công lập, tuy đưa ra mức điểm xét bằng sàn nhưng khi chọn sẽ chọn từ trên xuống theo số điểm. Vậy nên, nếu thí sinh không cân nhắc, sẽ rơi vào tình trạng điểm thi cao nhưng vẫn rớt ĐH.

Thí sinh làm thủ tục nộp hồ sơ xét tuyển tại trường dân lập Hùng Vương. Ảnh: Hải Duyên

"Đáng lưu ý trong mỗi lần xét tuyển nguyện vọng 2 là phần lớn các em chỉ nộp hồ sơ vào những ngành chỉ tiêu lớn. Những ngành chỉ tiêu ít thì ít ai quan tâm, mà thường khả năng đậu vào các ngành này lại cao hơn", ông Phạm Tấn Hạ, Phó trưởng phòng đào tạo ĐH KHXH&NV TP HCM nói.

Ông cho biết thêm chỉ tiêu nguyện vọng 2 của đại học Nhân văn TP HCM năm nay khoảng 500. Dự đoán điểm trúng tuyển sẽ cao hơn 1,5 – 2 điểm so với điểm nhận hồ sơ.

Góp ý về việc lựa chọn trường và ngành học cho thí sinh đăng ký nguyện vọng 2, Trưởng phòng đào tạo ĐH Hùng Vương Nguyễn Mai Bình cho rằng: "Thí sinh nào có cỡ điểm bằng sàn không nên đăng ký vào những ngành ‘hot’ như Tài chính ngân hàng, Quản trị kinh doanh… Đây là các ngành có số lượng đăng ký khá đông nên khả năng đậu rất khó. Trong khi đó, nhiều em có tâm lý, chỉ muốn học ngành mình thích mà không tính đến khả năng có được trúng tuyển hay không. Muốn vậy, các em có thể đăng ký nguyện vọng vào hệ cao đẳng sau đó liên thông lên".

Khảo sát trong ngày đầu tiếp nhận xét tuyển nguyện vọng 2, số hồ sơ nộp vào ĐH công lập rất ít. Lý giải việc này, đại diện một số phòng đào tạo cho biết, có thể khoảng 2-3 ngày nữa, số hồ sơ mới nhiều lên vì các thí sinh gởi hồ sơ qua đường bưu điện theo quy chế.

Tình hình ở các trường dân lập khả quan hơn. Đơn cử là ĐH Hùng Vương TP HCM nhận khoảng 300 hồ sơ sau khi tổng kết ngày đầu tiên. Trưởng phòng Đào tạo Nguyễn Mai Bình cho biết: "Theo quy định của Bộ, hồ sơ phải được gửi đến theo đường phát nhanh. Nhưng các thí sinh thường có tâm lý đến nộp hồ sơ tại trường. Để giúp các em, nhà trường đã liên kết với cán bộ bưu điện đến làm việc tại trường, nhận hồ sơ và chuyển ngay đến văn phòng".

Việc liên kết này mang lại cảm giác an tâm, nên dù trời mưa khá to vào chiều 25/8, vẫn có hàng chục thí sinh và phụ huynh đến ĐH Hùng Vương xin tư vấn chọn ngành học và nộp hồ sơ xét tuyển vào trường.

Không nhiều như trên nhưng ĐH Văn Hiến cũng nhận được hơn 50 hồ sơ trong ngày đầu tiên. Đại diện ban tuyển sinh cho biết, với hơn 1.000 chỉ tiêu đại học và 1.500 hệ cao đẳng và trung cấp, trường sẽ lấy điểm trúng tuyển từ cao xuống thấp. Dự đoán điểm trúng tuyển nguyện vọng 2 vào hệ ĐH của trường Văn Hiến sẽ bằng sàn, còn hệ cao đẳng cò thể cao hơn 0.5 đến 1 điểm.