Biến đổi khí hậu – Nhận diện thách thức: Bài 9

Bài 9: Lũ quét, lở núi – Tất cả sông suối đều cạn

<!–

–>

Những năm gần đây, Tây Bắc đang phải hứng chịu liên tiếp các trận lũ quét, sạt lở núi…

Trận lũ quét xoá sổ một khu dân cư xã Cát Thịnh

Tây Bắc, một vùng núi cao với dãy Hoàng Liên Sơn có đỉnh Phan xi păng cao 3.143m, được mệnh danh là "nóc nhà Đông Dương". Tây Bắc, "nơi vút ngàn trùng sâu" đã đi vào thi ca, nhạc hoạ của rất nhiều nghệ sĩ khiến bao thế hệ đắm say. Những năm gần đây, Tây Bắc đang phải hứng chịu liên tiếp các trận lũ quét, sạt lở núi khiến hàng trăm người chết và mất tích…

Kinh hoàng lũ quét và lở đất

Khi nhắc lại trận lũ quét xảy ra ngày 27/6/1990 tại TX. Lai Châu cũ, nay là thị xã Mường Lay thuộc tỉnh Điện Biên, những người chứng kiến trận lũ đó đều chưa hết kinh hoàng. Buổi sáng hôm ấy trời lúc mưa lúc tạnh, mọi người vẫn đi làm bình thường như mọi ngày, phía đầu nguồn suối Nậm Lay từ đêm qua vẫn ì ầm tiếng sấm nghe như tiếng xay lúa. Anh Phạm Văn Hiếu rùng mình, nhớ lại trận lũ kinh hoàng khi kể lại cho tôi nghe câu chuyện cách nay đã 19 năm: Chú ạ, năm ấy cháu mới 5 tuổi theo chị xuống bến xe nơi bố cháu đang làm bảo vệ ở đó. Khoảng hơn mười giờ gì đấy, chị em cháu bỗng thấy mọi người nhớn nhác chạy tứ tung khắp nơi, cháu nghe tiếng gào thét từ mọi phía: Lũ quét, chạy đi lũ quét…

Cháu ngẩng lên nhìn về phía thượng nguồn dòng Nậm Lay, nghe tiếng nước réo, tiếng đá xô lộc khộc trong lòng suối, những hàng cây, ngôi nhà tự nhiên cứ toẽ ra, đổ rạp xuống. Nước như vỡ ra từ một cái bọng nào đó rất lớn, cuốn theo đất đá, cây cối chảy băng băng. Khiếp quá, cháu ôm vội lấy cổ chị cháu, hai chị em cõng nhau chạy lên phía chân dốc. Chạy được khoảng chục mét thì lũ ập đến cuốn hai chị em cháu đi, rất may là những người hàng xóm vớ vội được cây sào nứa đưa ra cho chị em cháu bám, họ lôi được chị em cháu vào bờ nên thoát chết. Cũng rất may chỗ chúng cháu đang chơi ở gần bờ không phải giữa dòng chảy nên còn chạy kịp, nếu ở giữa dòng chảy chắc đã làm mồi cho cá sông Đà ngót hai chục năm rồi…

Trận lũ quét đã cuốn trôi toàn bộ phần đất thấp ven bờ suối Nậm Lay, nhiều cơ quan, xí nghiệp, công viên, nhà văn hoá, bến xe, trại chăn nuôi… đã bị lũ cuốn trôi, khiến 300 người chết và mất tích, 200 người bị thương, hơn 14.300m2 nhà bị tàn phá, 300ha ruộng lúa bị vùi lấp. Sáu năm sau, tháng 8/1996 một trận lũ quét nữa trên suối Nậm Lay lại đổ xuống thị xã Lai Châu, khiến 89 người chết và mất tích. Cho đến hôm nay, gần hai thập niên trôi qua, dấu tích của hai trận lũ quét vẫn còn in đậm trên thị xã nhỏ bé miệt rừng tiêu điều, hoang vắng đang đợi ngày chìm xuống lòng hồ Sơn La.

Sau trận lũ quét ngày 27/6/1990 tại TX. Lai Châu, người ta thống kê được những trận lũ quét lịch sử diễn ra trên khắp vùng Tây Bắc: Thị xã Sơn La, ngày 27/7/1991 trận lũ quét đã làm chết 21 người, 11 người mất tích, 100 ngôi nhà bị cuốn trôi, 762 nhà bị ngập, 5.000ha lúa cùng hàng trăm hecta hoa màu bị hư hại. Ngày 4/10/2000 trận lũ quét, lũ bùn đá tràn qua bản Nậm Coóng, xã Nậm Cuổi, huyện Sìn Hồ (Lai Châu), làm 39 người chết, 17 người bị thương, nhiều nhà cửa, tài sản, trâu bò bị cuốn trôi…

Khi nhắc lại trận lở núi đêm 8/8/2008, anh Vũ Văn Quỳnh (xã Bạch Hà, Yên Bình, Yên Bái) đau đớn kể lại: Chiều 7/8 mẹ cháu mang gạo cho bố cháu đang ở trang trại trên núi Là trồng cây. Đêm ấy mưa to quá, nửa đêm nghe tiếng núi lở ầm ầm.

Buổi sáng nhìn lên núi chỗ lán trại nhà cháu chỉ thấy một vệt đỏ lừ kéo từ đỉnh núi xuống, mấy anh em cháu vội lên núi xem bố mẹ cháu thế nào. Tới nơi chẳng thấy gì cả. Chúng cháu tìm mãi, gọi mãi chẳng thấy ai thưa. Cứ theo vệt đất đá tìm xuống, mọi người thấy một mớ tóc của mẹ cháu dính bết bùn đất, mọi người bới đất moi lên. Nhưng mớ tóc chỉ dính miếng da đầu, thân thể không thấy đâu.

Tìm mãi mới thấy mẹ cháu nằm cách đó một đoạn chỉ thò lên một nửa bàn tay trái. Khi bới đất đá ra, người mẹ cháu nát bấy, đầu chỉ còn một tý da dính vào cổ. Bố cháu tìm thấy cách đó một đoạn, nhưng chẳng còn đầu nữa, hai chân và người giập nát hết…

Những trận lũ quét xuất hiện ngày càng nhiều hơn, mức độ tàn phá ngày càng khủng khiếp. Trận lũ quét đêm 28/9/2005 tại xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái đã cuốn phăng 26 ngôi nhà, 8 ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn, 50 người chết và mất tích. Nhiều nhà không chạy kịp chết tất, xã Cát Thịnh không có đủ áo quan cho những người xấu số, họ phải ra TX. Yên Bái, vào TX. Nghĩa Lộ để chở áo quan ra. Trận lũ quét lở đất tại bản Tùng Chỉn 1, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai đêm 8/8/2008 đã khiến 22 người chết và mất tích. Trận mưa lớn đêm 8/8/2008 còn gây ra lũ quét và lở đất khắp các xã: Long Khánh, Long Phúc, Tân Dương, Bảo Hà… của tỉnh Lào Cai, chỉ một đêm mưa khiến 79 người chết và mất tích, hàng trăm ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi và vùi lấp, hơn 400 ha ruộng lúa hai vụ bị phá huỷ hoàn toàn.

Tất cả sông suối đều cạn

Tây Bắc có nhiều sông suối lớn: Sông Đà, sông Chảy, suối Nậm Na, Nậm Lay, Nậm Mu, Nậm Thia, Nậm Be, Nậm Kim…Những dòng sông suối đó vài chục năm trước nước đầy ăm ắp, trong xanh gần như cả bốn mùa. Hơn chục năm gần đây sông suối liên tục đổi dòng chảy, sau mùa mưa chỉ vài tháng tất cả đều cạn nhe, trơ đáy. Suối Thia chảy từ Trạm Tấu qua TX. Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn, Văn Yên (Yên Bái), đây là dòng suối trong xanh, thơ mộng và đẹp nhất vùng Tây Bắc.

Nay vẻ đẹp hiền hoà, trong xanh của dòng suối không còn nữa, mùa mưa thì hung dữ, mùa khô thì lởm chởm đá. Sự tàn phá của dòng suối mỗi mùa mưa lũ thật ghê gớm, năm nào dòng suối cũng cuốn trôi gần trăm ha lúa và hoa màu. Phường Cầu Thia TX. Nghĩa Lộ trước nguy cơ bị xoá sổ, liên tục trong mấy năm qua Bộ NN – PTNT đã đầu tư gần 30 tỷ để kè một số đoạn xung yếu. Sự tàn phá của dòng suối dường như chưa có hồi kết, cánh đồng Mường Lò có nguy cơ bị suối Thia "hoá đá" trong tương lai không xa, Sở NN – PTNT Yên Bái đã lập dự án kè suối Thia những đoạn có nguy cơ sạt lở cao, chiều dài 5km dự toán ban đầu khoảng 100 tỷ, nếu phải kè 40 km còn lại với thời giá hiện nay khoảng 400 tỷ.

Bản Nà Lại, xã Phúc Khoa (Tân Uyên, Lai Châu) phải lấy nước từ suối Nậm Be dẫn từ phía đầu cầu Đội 5, vụ xuân mấy năm nay một số diện tích phải bỏ hoang vì thiếu nước. Anh Lò Văn Chang – Trưởng bản, lắc đầu bảo tôi: Chú ạ, bỏ ruộng hoang tiếc lắm, nhưng chẳng biết làm thế nào được, không có nước để cấy. Tất cả suối lớn suối nhỏ ở đây sau vụ gặt tháng mười là cạn trơ sỏi đá. Lạ quá, bây giờ mưa lũ nhiều hơn ngày xưa hay sao ấy. Nhưng, mưa xong thì nước chảy đi đâu hết, suối Nậm Mu trước đây nước đầy ăm ắp, còn bây giờ mùa khô người ta xắn quần lội qua được…