Biến đổi khí hậu – Nhận diện thách thức: Bài 5

Bài 5: Những loài cây chỉ dẫn đang “leo dốc”

Cây Vân Sam con tìm thấy mọc trên độ cao 2.700m

Vườn quốc gia Hoàng Liên là trung tâm đa dạng sinh học đặc biệt của nước ta, một kho tàng gen quí hiếm, nhiều loài động thực vật trong vườn được ghi trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Những năm gần đây nhiều loài cây chỉ dẫn đang "đổ bộ" lên các đỉnh núi cao. Điều đó có thể khẳng định, trái đất đang ấm dần lên…

Vườn quốc gia Hoàng Liên nằm trên độ cao từ 1.000 – 3.143 m, tổng diện tích gần 60.000 ha rừng và đất rừng. Đây là phần kéo dài của dãy núi Ailao Shan từ Trung Quốc, phía đông của dãy Himalaya, nằm trên khu vực giao nhau của hai vùng địa sinh học và 3 quần thể sinh vật. Vì vậy, đây là nơi quần tụ những loài động thực vật độc nhất vô nhị trên thế giới.

Tháng 10/1903, đoàn khảo sát của Sở địa lý Đông Dương phát hiện ra Sa Pa (Lào Cai); tháng 2/1929, nhóm các nhà khoa học Pháp The Kelley – Roosevelt đã tiến hành nghiên cứu các loài chim, thú đầu tiên. Tiếp theo, nhiều nhà khoa học nước ngoài và Việt Nam liên tiếp tiến hành các cuộc nghiên cứu về sự đa dạng sinh học ở đây. Theo các tài liệu của các tổ chức khảo sát nghiên cứu từ năm 1929 đến nay, đã phát hiện được 2.021 loài thực vật bậc cao, trong đó nhiều loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam, thực vật gồm: bách xanh, thiết sam, thông tre, thông đỏ, đinh tùng Vân Nam, dẻ tùng… Chim có: đại bàng đốm to, hét mỏ vàng, trĩ mào đỏ… Động vật có: vượn đen, gấu đen châu Á…

Ông Trần Ngọc Lâm sinh ra ở Thái Bình, nhưng lớn lên ở Sa Pa, gần như cả cuộc đời ông gắn bó với núi rừng Hoàng Liên Sơn. Ông vốn là bộ đội lái xe Trường Sơn, sau khi ra quân trở về địa phương, năm 1991 ông bị bệnh ung thư phổi, Viện K chụp phim và làm xét nghiệm sinh thiết, các bác sĩ bảo: Bệnh của anh nặng lắm, nếu thuốc men tốt thì sống được vài ba năm nữa…Trước gia cảnh vô cùng túng quẫn, ông sang Trung Quốc mua bán sắt vụn rồi lái xe thuê cho đoàn xe xuyên Á, tại đây ông được một nhà sư Tây Tạng truyền cho bài thuốc chữa bệnh ung thư bằng các lá cây. Trở về Việt Nam, ông một mình lên núi Hoàng Liên Sơn lang thang tìm cây cỏ tự chữa trị bệnh ung thư cho mình.

Nhiều năm ông sống trong rừng, ở trong hang đá, ngày ngày lên núi tìm lá thuốc. Có người đặt cho ông cái tên "người rừng", bởi không một ngọn núi cao nào trong Vườn Quốc gia Hoàng Liên ông không đặt chân tới. Cả chục năm trời sống trong rừng làm bạn với cỏ cây hoa lá và muông thú, ông đã nắm được rất nhiều bí mật của rừng. Ông cho tôi hay: Với nhiều loài động thực vật trên dãy núi Hoàng Liên Sơn mà tôi đã quan sát trong suốt mấy chục năm qua, nhiều loài cây trước đây chỉ mọc ở những độ cao nhất định nay có xu hướng dịch lên các đỉnh núi cao ngày một nhiều hơn…

Ông Lâm xoè bàn tay ra: Không thể tính hết được, tôi chỉ nêu mấy loài cây mọi người vẫn hay gặp trên đường. Cây Vân Sam, loài cây thuộc họ thông, trước đây chúng chỉ sống trên độ cao từ 2.200- 2.400m, đến nay trên độ cao 2.700m đã xuất hiện nhiều cây Vân Sam con. Hoặc như cây Sun Sún, trước chỉ thấy mọc quanh thị trấn Sa Pa, mọi người vẫn lấy nấu canh, khoảng ba năm nay tôi thấy loài cây này có mặt ở độ cao 2.800m. Cây Dâu đất cũng vậy, trước chỉ thấy ở đỉnh đèo Ô Qui Hồ, độ cao 2.047m, nay thấy mọc trên độ cao 2.600m. Cây Chân Chim, trước chỉ thấy mọc ở độ cao 2.000m nay đã thấy nhiều cây con to bằng ngón tay cái trên độ cao 2.900m. Nếu anh đã vào Vườn quốc gia Hoàng Liên, cây dẻ mọc không quá độ cao 2.200m, nay ở độ cao 2.700- 2.800m đã thấy nhiều cây dẻ con to bằng cổ tay rồi…

Tôi hỏi ông Lâm: Anh nói nhiệt độ trên núi Hoàng Liên đã tăng lên, vậy anh căn cứ vào đâu hay chỉ bằng cảm nhận của mình?

Ông Lâm cười rất to: Tôi sống cả năm trong hang đá, chỉ cách đỉnh Phan Xi Păng một đoạn, ngày ấy sáng nào tôi chả tập thể dục chạy lên đỉnh Phan Xi Păng. Trong hang đá, tôi vẫn để chiếc nhiệt kế ở đó, năm 2001 ngày Sa Pa rét nhất, nhiệt độ tôi đo trên đỉnh núi là -6 độ C, còn mùa đông năm 2008, ngày rét nhất nhiệt độ trên đỉnh núi chỉ có -2 độ C. Những năm tôi sống trong hang đá, mùa đông trên đỉnh núi băng đóng hàng tuần. Bắt đầu băng đóng từ ngày 15-20/10 dương lịch, cuối tháng 2 thì tan, đặc biệt năm 2001 tới tháng 3/2002 băng mới tan. Mấy năm gần đây, tới tận tháng 12 mới thấy băng đóng trên đỉnh núi, năm 2008 mặc dù ngày rét kéo dài, nhưng tháng 12 mới thấy đóng băng, nhưng rất mỏng chỉ vài ngày là băng tan…

Rót cho tôi chén rượu ngâm củ sâm có tuổi đời 800 năm mà ông đào được trên đỉnh núi Sìn Hồ, ông bảo: Tôi không phải là nhà khoa học, nên thấy thế nào thì nói thế. Trước đây trên độ cao từ 2.700- 3.000m đi cả ngày không nghe thấy tiếng chim hót, có lẽ vì rét quá chúng không sống được, nay thấy nhiều loài chim và bướm. Đặc biệt loài khỉ lông vàng, họ hàng nhà Tôn Ngộ Không, chúng theo khách du lịch lên sinh sống trên độ cao 3.000m rồi, cứ xẩm tối chúng mò từ trong hang đá ra nhặt thức ăn thừa của khách bỏ lại trên đường, chục năm trước tôi có thấy con nào lên tới độ cao đó đâu…

"Qua một số năm theo dõi, chúng tôi nhận thấy nhiều loài cây đặc hữu chỉ có ở dãy Hoàng Liên Sơn, trước đây chúng chỉ sinh sống ở những vành đai thực vật trên độ cao nhất định. Nay chúng đang có xu hướng dịch chuyển lên vành đai thực vật cao hơn.

Theo đánh giá sơ bộ của chúng tôi: Đó là biểu hiện của khí hậu trái đất đang nóng dần lên. Chúng tôi rất mong muốn được hợp tác với các tổ chức, các nhà khoa học trong nước và thế giới khảo sát một cách kỹ lưỡng, đầy đủ về những loài động thực vật trong Vườn quốc gia Hoàng Liên vì sao đang di chuyển lên cao…", ông Nguyễn Hữu Hạnh – PGĐ Vườn quốc gia Hoàng Liên

Cuối năm 2007, tôi cùng ông Trần Ngọc Lâm vào Vườn quốc gia Hoàng Liên, chuyến đi ấy tôi tận mắt chứng kiến những gì ông Lâm đã nói với tôi hôm nay là thật. Chỉ những người sống ở rừng nhiều năm trời mới am hiểu từng loài cây, con như thế. Ông Châu A Seng, người Mông thôn Sâu Chua, xã Sa Pả thường xuyên vào rừng tìm kiếm phong lan bán cho những người chơi cây cảnh ở phố. Ông bảo tôi: Nhiều cây trước đây không tìm thấy ở trên cao, nay lại thấy mọc nhiều, như cây Tống Quá Sủi đấy. Trước, cây này chỉ mọc từ Thác Bạc trở xuống, chưa bao giờ thấy ở đỉnh đèo Ô Qui Hồ, nay đã thấy nó mọc trên đỉnh đèo rồi, trên cao kia thấy nhiều cây con nữa….

Theo điều tra sơ bộ của Vườn quốc gia Hoàng Liên từ năm 2003 – 2007, nhiều loài thực vật đặc trưng thuộc vành đai phân bố theo độ cao, những loài cây chỉ dẫn đó ngày càng có xu hướng dịch chuyển dần lên cao. Như cây Vân Sam, loài thông được ghi trong sách đỏ thế giới, ở Việt Nam chỉ duy nhất tìm thấy tại vùng núi Hoàng Liên Sơn, từ độ cao 2.200-2.400m nay đang "đổ bộ" lên độ cao 2.700m. Một số loài cây đặc hữu chỉ thấy ở dẫy Hoàng Liên Sơn, như Thích Xi Pan, Thích Sa Pa… trước đây chỉ sinh sống ở độ cao dưới 1.700m, nay cũng đã có mặt trên độ cao 2.000 -2.200m.