Biến đổi khí hậu – Nhận diện thách thức: Bài 4

Bài 4: Sản vật mất dấu

"Ngay như loài dơi ngựa lớn ở đuôi cồn Cù Lao Dung này, xưa chúng thành đàn, nhiều vô kể. Vậy mà bây giờ, còn không tới ngàn con. Hỏi, có phải do sự xáo trộn nào đó?". Những lão nông tri điền ở ĐBSCL cũng không thể giải đáp cho những thắc mắc của mình.

Mất dấu sản vật rừng xưa 

Về Vĩnh Châu (Sóc Trăng), chúng tôi may mắn gặp một người am tường kiến thức về sinh học cùng những trải nghiệm của mình về "tính khí" trời đất. Đó là ông Lê Hoàng Diệp – Trưởng khu Tái định cư số 2, ấp Huỳnh Kỳ, xã Vĩnh Hải (Vĩnh Châu). 

Ông Diệp nhớ lại, trước đây, đất này chẳng khác nào một bức tranh đẹp, êm đềm với từng đàn cò trắng, chiều chiều chao lượn. Ông Diệp cho biết, trước kia rừng ven biển Sóc Trăng có hơn 10.000 ha. Rừng là mái nhà trú ngụ của biết bao nhiêu quần thể động, thực vật và thủy hải sản phong phú. Sách khảo cứu có ghi rõ: Quần thể khỉ đuôi dài với hơn 300 cá thể; Rái cá lông mượt, 500 cá thể; Dơi ngựa lớn có khoảng 15.000 cá thể… rồi với các loài chim nước, hệ động vật lưỡng cư và bò sát của rừng ngập nước vô cùng phong phú. Cho tới năm 1996, hiện trạng thảm thực vật rừng được khảo sát cho thấy vẫn còn đa dạng với khoảng 20 loài thực vật thuộc 16 họ được ghi nhận. Các loài phổ biến nhất là bần chua, dừa nước…

Trở về thực tại, ông Diệp nhìn xa xăm như giấu đi nỗi buồn, bởi với ông, có gợi lại hình ảnh cũ, bọn trẻ tưởng mình khoác lác. Ông Diệp cho hay: "Có lần, tôi có thử dò tìm lại, nhưng vô vọng. Nhiều loài đã biết mất. Nói chi đâu xa, cây dừa nước, ngày xưa mọc thành rừng, nó tốt đến nỗi một người vác không nổi một bẹ lá. Còn cây mắm, cây đước, trước có cây to một hai người ôm gốc không xuể nay còn lại ít lắm, có còn chăng là cây mới trồng". 

Cũng ở Sóc Trăng, lênh đênh ra Cù Lao Dung, giữa dòng sông Hậu, ngồi với mấy lão nông tri điền, nghe chuyện biến đổi khí hậu không thấy còn xa xôi nữa, nó như đã chạm vào tay, lạnh đến gan bàn chân mình.

Ông Dương Văn Hiển, dân cố cựu vùng An Thạnh III tặc lưỡi tiếc rẻ: "Xưa kia đất này, trên rừng, dưới biển, muốn ăn thứ gì mà chả có. Sản vật trời cho vô số mà toàn là những thứ bây giờ người ta gọi là đặc sản. Ví như con kỳ đà hay con rái cá lông mượt, trước đây, sống rất nhiều tại vùng này. Có phải vì ai săn lùng lắm đâu mà hiện thời bỗng dưng mất dạng. Ngay như loài dơi ngựa lớn ở đuôi cồn Cù Lao Dung, xưa chúng thành đàn, nhiều vô kể. Vậy mà bây giờ còn không tới ngàn con. Hỏi, có phải do sự xáo trộn nào đó?"

Dời đổi và xáo trộn 

Sự mất mát, môi sinh bị tàn phá chính là hậu quả nhãn tiền. Nạn phá rừng, khai thác vô tội vạ, tiếp đến là đào kênh thả nước mặn nuôi tôm… đã tác động mạnh đến vùng sinh thái mà nhiều loài từng tồn tại, thích nghi. Nay đối mặt hiểm hoạ biến đổi khí hậu toàn cầu, nước biển dâng sẽ trở thành thách thức lớn hơn hết với người dân vùng ĐBSCL.

Lão nông Lâm Xem ở xã Lạc Hoà, huyện Vĩnh Châu (Sóc Trăng) cùng đi với chúng tôi ra mé biển. Nhìn sóng biển đục ngầu, hung tợn ầm ào xô vào bờ, ông kể: "Nguồn lợi biển hồi xưa có nhiều thứ lắm. Dù mùa nào đi nữa, muốn ăn sò huyết, nghêu… chỉ cần ra bãi biển quơ tay một vòng là đầy giỏ, vác về không nổi.

+ TS Dương Nhựt Long -Trưởng bộ môn cá nước ngọt, khoa thuỷ sản (Trường Đại học Cần Thơ): "Nếu nước biển dâng, mặn đẩy ngọt sâu vào các nhánh sông thì các loài cá nước ngọt sẽ bị đẩy lùi vào nội đồng xa hơn; ảnh hưởng tới phân bố thành phần loài thuỷ sản.  Nếu mặn tràn ngập vùng nuôi trồng thuỷ sản, liệu tôm sú, cá tra có còn là giải pháp cứu cánh?"

+ Nước biển dâng cao, hệ sinh thái rừng ngập mặn sẽ chịu tác động xấu khi chế độ nước ngập sâu và xâm nhập mặn mức độ cao có thể hủy diệt thảm thực vật và tính đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng tràm ở Cà Mau, Kiên Giang…

Còn nay, mấy thứ này phải nuôi mới có. Tui nhớ nhất là con cá ngác. Giống cá này thịt ngọt, dai và ngon lắm nhưng đang hiếm dần. Hồi đó, tui chịu khó đi thụt hang một chút là dư sức mang về cho cánh đàn ông trong xóm nhậu. Nhưng bây giờ cá ngác, nghêu, sò… thứ nào mang ra chợ đều có giá cao, vì quá hiếm. Người Vĩnh Châu ở độ tuổi tui bây giờ ai mà hổng nhớ, hễ gần tết cũng là lúc chim biển bay về đầy trời như báo xuân. Chúng đậu trên những cây mắm, đước kêu chíu chít thật vui tai. Mấy năm nay, đàn chim biển đi đâu không về nữa, cũng không nghe ai nhắc tới. Sao lạ kỳ như vậy?"

Trong đất liền còn vậy, sinh vật dưới biển thì sao? Ông Hồ Văn Chiến – Phó Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn biển Phú Quốc thừa nhận, qua nhiều cuộc khảo sát trong mấy năm gần đây nhiều loài thủy sản ở vùng biển Kiên Giang sụt giảm rất nhanh. Chẳng hạn, như hồi trước loài cá cơm ở vùng biển Phú Quốc khá dồi dào nhưng nay càng cạn kiệt. Dõi theo mực nước biển thì có xu hướng ngày càng tăng cao và ô nhiễm. Nếu không có biện pháp ngăn chặn thì suy giảm đa dạng sinh học biển sẽ là nguy cơ trước mắt.

Ông Trần Thanh Tuấn, một ngư dân gần cả đời bám biển ở Kiên Giang bộc bạch nỗi niềm: "Mấy năm qua nhiều loài thuỷ sản sa sút, thậm có có loài gần như đã tuyệt chủng. Nghề đi biển lúc nào cũng nơm nớp lo âu. Một mặt lo thua lỗ vì sản lượng thuỷ sản ngày càng ít đi. Trên vùng biển Kiên Giang có một điều lạ lùng là gần đây vòi rồng xuất hiện giữa mùa khô. Điều chưa từng thấy bao giờ. Tính khí trời đất đã trở nên khác thường?"