Biến đổi khí hậu – Nhận diện thách thức: Bài 12

Bài 12: Xã có ba nhà thờ bị biển lấn

Biến đổi khí hậu là vấn đề lớn có tính toàn cầu: Nước biển dâng; Tất cả các dòng sông đều cạn; Nóng ấm toàn cầu; Các quần thể sinh vật biến đổi…là những vấn đề nan giải. Theo các nhà khoa học, Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng lớn từ sự biến đổi này.  Với sự cộng tác chặt chẽ của các nhà khoa học trong và ngoài nước, NNVN đã tiếp cận và nhận diện vấn đề này theo một hướng riêng. Rất mong các nhà khoa học, bạn đọc gần xa đóng góp ý kiến để cùng nhau đối phó với những thách thức do biến đổi khí hậu gây ra.

Kí ức hãi hùng

Những ngôi nhà thờ trơ móng, những pho tượng phế tích, những tháp chuông bị xói mòn là dấu tích còn sót lại của xứ đạo trù phú tại Hải Lý (Hải Hậu, Nam Định) qua mấy đợt biển tiến trong mấy năm gần đây. Men theo bờ đê, tôi tìm đến từng ngôi nhà thờ một cách rất khó khăn vì vừa đi vừa tránh những luồng, lạch nước biển đang vây bám xung quanh. Đó là khi nước rút, còn lúc thuỷ triều lên, ra những đống phế tích này khả thi nhất là bằng thuyền bởi khi đó nước biển đã vây quanh, nhà thờ bị ngập sâu cả mét. Hiện tại, hai nhà thờ đã bị sóng xô ngã trơ nền, còn một chiếc bị sập quá nửa, được ngư dân tận dụng vào việc làm lán trại tạm mỗi khi đến mùa khai thác sứa.

Là một người con của xứ đạo, ông Nguyễn Quang Thanh, 77 tuổi, trùm giáo xứ Tân An lặng người đi khi kể về chuyện bà con nơi đây đã phải ba lần di chuyển nhà thờ. "Nhà thờ đầu tiên của xứ xây năm 1878, hoành tráng lắm, có tới 7 nhà phục vụ nhưng nó đã bị sóng đánh tan từ đời nào. Cách đây mấy chục năm, những người làm nghề biển còn lặn xuống sờ được chân móng của nhà thờ này, giờ đây mất dấu hẳn. Nhà thờ xây lần hai mà nay chỉ còn móng. Hơn chục năm về trước, dân cư ở quây quần xung quanh thành xóm, thành làng trù phú lắm bởi khi đó còn cách mép sóng cỡ1,5km.  

Một ngôi nhà thờ đổ nát và bị nước biển lấn ở Hải Lý.

Nhưng chục năm gần đây, biển cứ lấn dần, lấn mòn vào. Dân gần biển chạy trước, nước cứ ào vào theo. Mỗi lần đi nhà thờ, phải hôm gió to, sóng đánh ùm ùm át cả tiếng đọc kinh, nước bắn tung toé vào cả bên trong ướt nhẹp cả người vì biển chỉ cách nhà thờ có vài bước chân. Tình thế nguy hiểm đến nỗi không thể tồn tại được nữa, chúng tôi đành phải đi. Nhà thờ giáo họ  Thánh Phê – rô di chuyển năm 1999. Nhà thờ xứ Tân An di chuyển 2001. Nhà thờ Lái Tim di chuyển 2002. Cả ba nhà thờ này đều bị sóng đánh tan tành trong cơn bão số 7 năm 2005".

Ba tuyến đê bao quanh khu dân cư, biển tiến vào, sóng đánh tan, mất tích hai cái chỉ còn sót lại tuyến đê đắp năm 1969 mà dân Hải Lý vẫn quen gọi là đê Bác Hồ. Nhưng tuyến đê này càng ngày càng trở nên mong manh bởi những con sóng đã gặm dần, gặm mòn vào thân. Trước nguy cơ biển tiến, bãi thoái, cách đây độ hơn chục năm ở Hải Lý có dự án thí điểm bỏ mỏ kè bằng đá thẳng ra biển để làm lệch dòng chảy, cát vun vào thành bãi, bảo vệ chân đê. Về sau, do không có kinh phí, dự án bị bỏ lửng, rọ sắt han rỉ, đá bị cuốn trôi, dự án cũng bị mất dấu trước bọt bèo sóng gió. Người dân nơi đây còn nhớ như in cơn bão hãi hùng số 6, 7 năm 2005. Cơn bão số 6 đến bất ngờ, toàn bộ dân làm đầm ngoài đê không kịp trở tay, nước biển đã tiến vào vây hãm.

Hàng ngàn người chỉ kịp ôm quần áo rùng rùng đi. Những nhà cao tầng như nhà thờ, trường học… quanh xã đều kín chỗ. Bốn chiếc xe khách được điều khẩn cấp về kìn kìn chở người đi lên thị trấn huyện, lên TP. Nam Định, thậm chí ngược tuốt lên Hà Nội sơ tán. Lúc này đê đã bị sóng đánh lở ½ thân với chiều dài cỡ 70-80m…

Giường chiếu nổi phềnh phềnh, lợn gà kêu quang quác, eng éc cùng tiếng người la hét rầm trời. Đích thân ông Vũ Viết Văn – Chủ tịch UBND xã đã phải lần dây thừng giữa ào ào sóng gió để bơi ra những lều tạm của dân làm đầm, ôm từng con lợn, bu gà vào bờ giúp dân. Mấy ngày sau, cơn bão số 7 tràn tới với cấp 12. Sóng ầm ầm tiến vào bờ, vần từ dưới chân đê những tảng đá to như cái thúng đẩy lên mặt đê đánh vèo làm nhiều người sợ xanh mắt mèo. Sóng đánh ràn rạt tràn cả nước qua đê vào khu vực dân cư. Tiếng trống đánh thùng thùng, tiếng súng lệnh nổ vang  cùng hàng chục tháp chuông nhà thờ lay không ngớt giục giã dân di tản.

Những hiện tượng khó giải thích

Lo cho tính mạng của hàng trăm người hộ đê, huyện Hải Hậu đã chủ trương bỏ đê nhưng lãnh đạo xã Hải Lý vẫn kiên quyết xin giữ. Cả ông Chủ tịch lẫn Bí thư Đảng uỷ xã đều xắn tay vào, lội xuống dòng nước dữ, thả từng bao đất, đóng từng cái cọc quyết sống mãi với biển. May mà cuối cùng cũng tuyến đê yết hầu này cũng được giữ vững, nếu không phải đến 1/3 huyện Hải Hậu sẽ chìm trong nước mặn. Trước tình hình biển tiến mỗi ngày một dữ dội, năm nào cũng có cỡ chục hộ dân ở Hải Lý bị mất nhà cửa phải di tản. Cuộc di tản lớn nhất là năm 2004 với 81 hộ nhưng hiện nay tuyến đê biển của Hải Lý vẫn còn 1,3 km là đất, chưa được kiên cố hoá, có thể vỡ bất kỳ lúc nào.

Phần tháp còn sót lại trên nền cũ một nhà thờ nay nằm sát mép biển.

Trước năm 2000, vài trăm ha đất của Hải Lý đã mất. Từ năm 2001 đến nay địa phương này lại có khoảng 100 ha đất sinh hoạt, đất sản xuất bị trôi tuột xuống biển. Dân di cư đến đâu, nền đất thổ cư xưa được cải tạo thành đầm tôm đến đấy nhưng 2 năm nay, biển tiến vào, đầm tôm cũng mất. Hết chuyện mất đất lại đến chuyện xâm nhập mặn, có đến 40 ha lúa ở Hải Lý nằm trong diện này. Bàn chuyện biến đổi khí hậu, Bí thư Đảng uỷ xã Hải Lý Phan Văn Hải chẳng biết nói kiểu "hàn lâm" kịch bản một, kịch bản hai bao nhiêu năm nữa nhiệt độ tăng, lượng mưa giảm thế nào mà chỉ nói một cách giản dị những điều mà ông và dân đang thấy: "Trước đây, từ tháng 5-9 là vụ muối mùa, từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau là vụ muối chiêm nhưng gần đây khí hậu chẳng tuân thủ quy luật đó.

Vài năm nay mưa ít, nắng ít, nhiệt độ không cao không kết tinh được muối, như năm ngoái sản lượng chỉ đạt cỡ 70%. Có năm vụ đông lại đổ mưa rào như trút nước làm cà chua của dân trồng hỏng hết. Có năm mùa xuân lại không có mưa xuân khiến thiếu nước tưới cho rau màu. Mọi năm sấm thường sau thanh minh mới có vì như ông bà đúc kết: "Lúa chiêm lấp ló đầu bờ/ Hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên". Nhưng năm nay cuối tháng hai đã có sấm, lúa mới thấp lè tè chứ chưa lấp ló được ngang bờ tôi đoán dễ có gió nóng xuất hiện vào thời kỳ lúa trỗ".

Ông Hải có những điều băn khoăn mà chưa ai giải thích nổi là trước đây cả xã không có mấy người bị ung thư nhưng giờ rất nhiều, có xóm trên chục người mắc bệnh mà không biết do giếng khoan, do thuốc sâu hay do biến đổi khí hậu. "Một hiện tượng lạ nữa là ở vùng biển này, cả xã trước chỉ có bà Cả Rưỡng bị biếu cổ nay rất nhiều người kể cả vợ tôi, vợ anh Phó chủ tịch hội đồng, vợ nhiều anh khác cũng bị, nếu tính cả xã phải vài chục đến cả trăm người. Ở vùng biển, không thiếu muối, không thiếu cá tôm mà bị bướu cổ là điều cực khó giải thích", ông Hải dẫn chứng.

Bờ biển Hải Hậu là một trong những vùng trọng điểm bị xói lở mạnh của cả nước. Trong 100 năm lại đây, bờ biển nơi này đã bị lấn sâu vào đất liền, có chỗ tới 10km.

Ngoài Hải Lý còn có các xã Hải Thịnh, Hải Hoà, Hải Triều, Hải Chính, Hải Đông bị tác động mạnh bởi nước biển dâng trong đó Hải Triều mất đến non nửa diện tích, cả vùng phải di dời ngót chục cái nhà thờ.