Bài IV:Mâu thuẫn giữa tăng thu nhập cho nông dân và giữ bản sắc làng

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với 19 tiêu chí vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành đang được hy vọng sẽ tạo ra nhiều đổi thay cho nông thôn, nâng cao đời sống nông dân.
 

 

    

Khó nhất là tăng thu nhập mà vẫn giữ được bản sắc văn hoá.

KTNT – 

Bài III: Cái khó "bó" đường đi

Tuy nhiên, điều nhiều người băn khoăn là làm thế nào để đáp ứng được 19 tiêu chí, nhất là tăng nhanh thu nhập của nông dân mà không làm mất đi bản sắc văn hóa làng. Xung quanh vấn đề này, ông Hồ Xuân Hùng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết:

Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng các bộ, ngành liên quan đã và đang tiến hành 3 đợt thí điểm xây dựng nông thôn mới. Giai đoạn 2000 – 2003, Bộ cùng Ban Kinh tế Trung ương thực hiện tại 18 xã điểm; từ năm 2007 đến 2009 triển khai ở 17 thôn, ấp, bản; giai đoạn 2009 – 2011 thí điểm ở 11 xã. Song, để ban hành được Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới lại không đơn giản. Việt Nam chưa hề có tiền lệ. Về tầm quốc gia, chúng ta vẫn chưa có một chương trình toàn diện nhằm phát triển nông thôn mới. Chúng tôi phải nghiên cứu trong 3 năm (từ năm 2006), đúc kết từ thực tiễn và đến nay mới có thể đưa ra Bộ tiêu chí được cho là khá đầy đủ, toàn diện về mặt lý luận cũng như phương pháp, cơ chế, chính sách thực hiện.

Bộ tiêu chí gồm 19 tiêu chí, được xếp theo 5 nhóm cơ bản (quy hoạch, hạ tầng kinh tế – xã hội, kinh tế và tổ chức sản xuất, văn hóa – xã hội – môi trường, hệ thống chính trị). Trong đó, mỗi nhóm đều chia ra tiêu chí chung cho cả nước và tiêu chí cụ thể của 7 vùng sinh thái. 19 tiêu chí để xây dựng nông thôn mới bao gồm: quy hoạch và thực hiện quy hoạch, giao thông, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn, bưu điện, nhà ở dân cư, thu nhập bình quân đầu người/năm, tỷ lệ hộ nghèo, cơ cấu lao động, hình thức tổ chức sản xuất, giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường, hệ thống tổ chức chính trị – xã hội vững mạnh và an ninh, trật tự xã hội. Xã đạt chuẩn nông thôn mới phải đáp ứng được 19 tiêu chí này.

Ông Hồ Xuân Hùng.

Với 19 tiêu chí như vậy, làm thế nào để hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 50% số xã đạt chuẩn, thưa ông?

Hiện, cả nước chỉ có khoảng 2% số xã được quy hoạch, phần lớn các địa phương đều phát triển theo kiểu tự phát, tầm nhìn hạn chế, thiếu đồng bộ và bền vững, thậm chí có nơi đang làm mất đi bản sắc vốn có. Đây là thách thức lớn trong quá trình triển khai thực hiện. Vì thế, mỗi địa phương khi triển khai phải tìm hiểu một cách thận trọng, toàn diện dựa trên tiến trình lịch sử của nơi đó. Từ nay đến năm 2010, phấn đấu quy hoạch xong 100% số xã nông thôn mới, đến năm 2015 cả nước sẽ có 20% số xã đạt chuẩn. Và để triển khai tốt chương trình này, sẽ có 11 đề án được thực hiện. ước tính, trung bình mỗi xã cần đầu tư khoảng 120 – 150 tỷ đồng, trong đó có 6 – 7 công trình dự kiến được Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí.

Về vấn đề xây dựng ở nông thôn hiện nay, ngày 10/9, Bộ Xây dựng đã có Thông tư 32/TT-BXD về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia quy hoạch xây dựng nông thôn, có hiệu lực từ 25/10/2009. Theo đó, quy chuẩn quy hoạch xây dựng nông thôn là những quy định bắt buộc phải tuân thủ trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn của một xã phục vụ đề án xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Đối tượng lập quy hoạch xây dựng gồm mạng lưới điểm dân cư nông thôn trong ranh giới hành chính xã, trung tâm xã và các điểm dân cư nông thôn tập trung.

Theo ông, đâu là tiêu chí mang tính đột phá?

Trong 19 tiêu chí đề ra, tôi cho rằng vấn đề quy hoạch và thực hiện quy hoạch phải được coi là tiêu chí quan trọng nhất. Bởi quy hoạch là vẽ nên bộ mặt nông thôn Việt Nam những năm tới. Theo mục tiêu đề ra, đến năm 2010 sẽ có 100% số xã phải hoàn thành quy hoạch. Đây là việc làm không dễ, vì thế phải kiên trì thực hiện bằng được. Ngoài ra, vấn đề hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tổ chức các mô hình sản xuất phù hợp cũng quan trọng không kém. Không riêng gì vấn đề quy hoạch, xây dựng hạ tầng mà với các tiêu chí khác, các địa phương cũng phải nỗ lực hết sức mới có thể đạt được. Ví dụ, thu nhập bình quân đầu người/năm phải bằng 1,4 lần so với mức bình quân chung của cả tỉnh; tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 6%; tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 35%; có internet đến thôn; không có nhà tạm, nhà dột nát…

Nhiều ý kiến cho rằng, để cố gắng đạt được những tiêu chí đề ra, sẽ rất dễ dẫn đến việc phá vỡ quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường và mất đi bản sắc làng. ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

Trên thực tế, đây đang là băn khoăn của nhiều địa phương cũng như các bộ, ngành liên quan. Vấn đề khó nhất hiện nay là làm sao tăng thu nhập cho nông dân nhưng không làm mất đi bản sắc văn hóa làng, không gây ô nhiễm môi trường. Muốn xử lý những tồn tại cần quá trình thực hiện lâu dài và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Hiện, Ban bí thư đang tích cực chỉ đạo xây dựng 11 mô hình ở 11 tỉnh, thành để từ đó, các địa phương khác cùng học tập, rút kinh nghiệm. Khi địa phương nào đã đạt xã nông thôn mới nhưng sau một thời gian, vì lý do nào đó, có một tiêu chí nào đó mà xã không đạt thì sẽ đưa ra khỏi danh sách xã nông thôn mới. Chương trình sẽ có những chuyển biến chậm nhưng chúng ta kiên quyết không vì thành tích mà phải bằng thực chất.

Xin cảm ơn ông!

Bài cuối: Cần cơ chế đặc thù riêng