Bác đề án tăng học phí

Vấp phải những ý kiến phản bác khi trình Thường vụ Quốc hội Đề án học phí chiều 13/5, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tiếp thu giữ nguyên học phí phổ thông, nhưng xin tăng 50% đối với bậc đào tạo đại học.

> Học phí đại học cao nhất có thể tới 800.000 đồng mỗi tháng

Chiều 13/5, Phó thủ tướng, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân thay mặt Chính phủ báo cáo Thường vụ Quốc hội về Đề án Đổi mới cơ chế tài chính giáo dục và đào tạo giai đoạn 2008-2012.

Theo ông Nhân, chế độ học phí xây dựng từ 11 năm trước (1998) chưa thay đổi, trong khi từ năm 2000, mức giá tiêu dùng bình quân tăng 1,62 lần. Với mức hiện nay, giá trị thực tế của học phí so với năm 2000 chỉ còn 62%. Ví dụ, mức học phí đại học hiện là 180.000 đồng một tháng nhưng giá trị thực tế so với năm 2000 chỉ còn 111.600 đồng. Để học phí hiện nay tương đương mức 180.000 đồng của năm 2000 thì mức thu sẽ phải là 291.600 đồng một tháng.

Bộ GD&ĐT tính toán, mức học phí 7 nhóm ngành đại học (giai đoạn 2008-2012) sẽ từ 200.000 đồng (ngành Sư phạm) đến 800.000 đồng (ngành Y dược). Theo đó, năm 2012, chi phí hằng tháng để đào tạo bác sĩ là 1,7 triệu đồng, người học đóng 800.000 còn nhà nước hỗ trợ 900.000 đồng; ngành sư phạm chi phí là 1 triệu đồng mỗi tháng, sinh viên đóng 500.000 đồng…

Do vậy, đổi mới cơ chế tài chính là yêu cầu hết sức cấp thiết. Mức học phí và chi phí học tập khác của gia đình có con học mầm non và phổ thông không vượt quá 6% thu nhập bình quân. Học phí giáo dục nghề nghiệp và đại học thực hiện theo nguyên tắc chia sẻ giữa người học và Nhà nước; miễn phí cho học sinh, sinh viên gia đình chính sách, hộ nghèo, giảm học phí cho người học cận nghèo và hỗ trợ cho người học ở gia đình có thu nhập thấp; thực hiện tốt việc cho vay đi học…

"Sau khi được chấp thuận của Quốc hội, Chính phủ sẽ ban hành ngay trong tháng 6/2009 Nghị định về cơ chế tài chính giáo dục và đào tạo 2009-2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành", ông Nhân nhấn mạnh.

Ảnh: Hoàng Hà.
Có thể năm học tới, mức học phí bậc phổ thông sẽ vẫn được giữ nguyên. Ảnh: Hoàng Hà.

Sau khi thẩm tra đề án, Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội cho rằng, những năm qua, học phí vẫn không đủ chi cho hoạt động của các cơ sở giáo dục đào tạo, có tính chất cào bằng, mức chênh lệch giữa các ngành nghề không đáng kể, một số chính sách miễn giảm học phí và học bổng hiện không phù hợp và cần đổi mới.

Theo ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban, học phí là vấn đề đặc biệt nhạy cảm có tác động đến đời sống xã hội. Trong khi mức sống của nhân dân còn thấp, xã hội còn quen với cơ chế bao cấp trong giáo dục thì việc tăng học phí của các cấp học có thể chưa nhận được sự đồng thuận của xã hội.

"Theo đề án, học phí và các chi phí học tập cần thiết khác của gia đình 4 người (2 con đi học mầm non và phổ thông) không vượt quá 6% thu nhập bình quân của gia đình. Theo khảo sát của Bộ GD&ĐT, ở các nước phát triển, con số này là 2-10%, như vậy, đối với nước ta, nếu lấy mức 6% là quá cao so với thu nhập", ông Thi nhấn mạnh.

Băn khoăn về việc thay đổi chính sách miễn học phí đối với sinh viên sư phạm, ông Thi cho rằng, cần xác định lại số năm phục vụ ngành giáo dục để được xóa nợ gốc và lãi vì 3-5 năm chỉ đủ cho sinh viên mới ra trường làm quen với việc dạy và học mà chưa đóng góp được nhiều cho ngành, mức độ cống hiến chưa thể bù đắp chi phí đào tạo do nhà nước đài thọ.

Về lộ trình thực hiện, khoảng cách giữa mức học phí hiện hành với khung học phí dự kiến là quá lớn, ý kiến của Ủy ban này là cần tăng dần theo từng năm học, mỗi năm chỉ nên tăng 30-40%. Việc đề án dự kiến đến năm 2012, học phí của khối đào tạo nghề nghiệp đảm bảo 44,7% tổng chi thường xuyên là khá cao so với mặt bằng thu nhập của người dân.

"Mức học phí cụ thể trong đề án là quá cao, đặc biệt đối với hệ đào tạo nghề nghiệp, không khuyến khích được học sinh sau THCS đi học nghề", ông Thi nói.

Ủy ban Văn hóa giáo dục cho rằng, Chính phủ nên cân nhắc thời gian thực hiện đề án, tối thiểu cũng phải kéo dài 5 năm và thời điểm bắt đầu thực hiện đề án nên từ năm học 2010-2011 bởi năm 2009 vẫn còn trong thời kỳ suy giảm kinh tế, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, mặt khác thời gian chuẩn bị từ nay đến đầu năm học (9/2009) là rất gấp.

Không chỉ đề xuất lùi thời gian áp dụng mức thu học phí mới, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cũng cho rằng, cần miễn học phí đối với toàn bộ khu vực nông thôn. Một số đại biểu Quốc hội khác cũng chia sẻ đề xuất này.

"Với tình hình kinh tế 2009-2010, nên cân nhắc xem học phí áp dụng trong thời gian nào là phù hợp. Có thể áp dụng từ năm học 2010-2011. Đổi mới tài chính có nhiều khâu, nên chọn khâu nào cần thiết thì làm trước. Đề án này sẽ được trình tại kỳ họp thứ 5 để Quốc hội có thời gian xem xét", Phó chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Đức Kiên cho biết.

Sau khi nghe ý kiến của Thường vụ Quốc hội, ông Nhân bày tỏ: "Học phí mới có thể chậm một năm nhưng trong thời kỳ quá độ, học phí phổ thông giữ nguyên, học phí đào tạo tăng 50% so với mức mất giá từ năm 2000 đến nay đối với mức trần học phí hiện hành. Thay vì nộp 180.000 đồng, nay đóng 235.000 đồng. Giữ học phí như cũ, khó tăng được chất lượng".

Tiến Dũng