Nhìn lại năm 2009: Nông nghiệp giúp nền kinh tế vượt khó

KTNT – Năm 2009, dù nền kinh tế gặp khá nhiều khó khăn nhưng ngành nông nghiệp vẫn gặt hái được nhiều thành công; xuất khẩu nông – lâm – thủy sản đạt 15 tỷ USD, vượt chỉ tiêu 1 tỷ USD. Và cho đến thời điểm này, không ai có thể phủ nhận vai trò của ngành nông nghiệp khi liên tiếp xác lập những kỷ lục mới và giúp nền kinh tế lần thứ ba vượt qua gian khó.

 

Nông dân Bạc Liêu thu hoạch tôm-Ảnh: Thanh Cường.


Sản xuất và xuất khẩu lập kỷ lục

Đánh giá về những kết quả mà ngành trồng trọt đạt được trong năm qua, TS. Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp PTNT) cho rằng, năm 2009, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do mưa lũ trên diện rộng; hạn hán, thiếu nước sản xuất. Tuy nhiên, nhờ Chính phủ triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ lãi suất; thời tiết cơ bản thuận lợi cho sản xuất, dịch bệnh diễn ra ở quy mô nhỏ… nên kết quả sản xuất năm 2009 vẫn tăng so với năm trước. Theo đó, sản lượng lương thực có hạt đạt 43,33 triệu tấn, tăng 24.000 tấn so với năm 2008; trong đó sản lượng lúa đạt 38,9 triệu tấn, tăng 116.000 tấn. Năng suất lúa cả năm đạt 52,3 tạ/ha, tương đương năm 2008.

Năm qua, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế nên tình hình xuất khẩu của cả nước gặp không ít khó khăn. Nhưng trong bức tranh không mấy sáng sủa đó, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vẫn là một điểm sáng khi vượt chỉ tiêu đề ra, đạt kim ngạch 15 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu gạo đạt mức kỷ lục với khối lượng xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay: 5,95 triệu tấn, thu về 2,66 tỷ USD. Có được kết quả này, một phần là nhờ sản lượng lương thực tăng với tốc độ khá, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia nên ngành trồng trọt có điều kiện tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hướng mạnh ra thị trường xuất khẩu.

Điều đáng nói, những năm gần đây, giá bán các mặt hàng chè, càphê, cao su, hồ tiêu khá thuận lợi, do vậy các địa phương tiếp tục ổn định diện tích ở những vùng trọng điểm, đồng thời tiến hành trồng thay thế diện tích già cỗi bằng những giống mới có năng suất, chất lượng cao.

Cũng giống như trồng trọt, năm qua ngành chăn nuôi đã gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, theo Cục Chăn nuôi, do có sự chỉ đạo kịp thời của các cơ quan chuyên môn trong phòng chống rét, đói nên số lượng gia súc, gia cầm bị chết rét, chết đói giảm. So với năm ngoái, tổng đàn gia cầm năm nay đạt 280,18 triệu con tăng 12,83%; đàn lợn đạt 27,6 triệu con, tăng 3,47%…

Ngoài ra, công tác kiểm dịch được tăng cường nên không xảy ra dịch bệnh trên diện rộng như năm 2008.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng xuất khẩu lúa gạo năm 2009 vẫn lập kỷ lục.       

Đối với thủy sản, tổng sản lượng hải sản đánh bắt cả năm đạt 2,2 triệu tấn, tăng 6,8% so với năm 2008. Nuôi trồng thuỷ sản cũng tăng trưởng mạnh, sản lượng cả năm đạt 2,5 triệu tấn, tăng 4,9%. Diện tích nuôi tôm sú giảm mạnh, bởi vậy giá tôm sú nguyên liệu tăng cao, hiện thương lái thu mua từ ao hồ với mức 100.000 – 150.000 đồng/kg. Sản lượng cá tra thu hoạch ước đạt hơn 1 triệu tấn.

"Mặc dù khủng hoảng kinh tế ảnh hưởng không nhỏ tới xuất khẩu của nước ta",tuy nhiên tổng giá trị sản xuất nôngt, lâm, thuỷ sản cả năm 2009 vẫn đạt 219.887,18 tỷ đồng, tăng 2,98% so với năm 2008, trong đó xuất khẩu vượt mức đề ra. Trong số này, các mặt hàng nông sản vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất, ước đạt 7,8 tỷ USD. Xuất khẩu càphê đạt 1,1 triệu tấn, tương đương kim ngạch 1,7 tỷ USD. Xuất khẩu cao su đạt 720.000 tấn, kim ngạch 1,2 tỷ USD. Xuất khẩu gỗ đạt 2, 5 tỷ USD. Lượng điều xuất khẩu năm 2009 đạt 175.000 tấn, kim ngạch 840 triệu USD", Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Diệp Kỉnh Tần cho biết.

Vẫn tồn tại những điều "biết rồi…"

Nhận xét về những tồn tại trong sản xuất thời gian qua, ông Ngọc cho rằng, ngành lúa gạo đã có tiến bộ nhưng vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như lối canh tác nhỏ lẻ, thiếu liên kết, chất lượng giống chưa cao… dẫn tới người sản xuất chịu nhiều thiệt thòi.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng, là nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu một số mặt hàng nông sản như ca cao, càphê, điều… Việt Nam vẫn chưa chủ động điều tiết được giá cả thị trường thế giới. Xuất khẩu phần lớn phụ thuộc vào giá của các nước khác. Đây là nghịch lý cần được "điều chỉnh" trong thời gian tới.

Ông Phùng Hữu Hào, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản cho rằng, tình trạng lạm dụng hóa chất, phân bón, thuốc trừ sâu… vẫn còn phổ biến. Hiện tượng vùng sản xuất rau màu gần khu công nghiệp, nước tưới cho rau chủ yếu lấy từ kênh mương lẫn nước thải, không đảm bảo vệ sinh vẫn tồn tại. Chưa có đầy đủ các quy định, quy chuẩn kỹ thuật, văn bản hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trong sản xuất kinh doanh rau. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do công tác kiểm tra VSATTP của các địa phương chưa được tiến hành thường xuyên, mức độ xử phạt và hình thức xử phạt không đủ sức răn đe. Điều này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng trong nước mà còn làm giảm số lượng và giá trị xuất khẩu. Vì vậy trong năm 2010, Cục sẽ tập trung giải quyết dứt điểm một số vấn đề còn tồn tại trong quản lý chất lượng; đồng thời, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng, phân bón đúng cách cho người trồng rau thông qua các hoạt động khuyến nông.