Lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Đại học Huế cho nghiên cứu sinh Nguyễn Cẩm Long

Trường Đại học Nông Lâm Huế trân trọng thông báo Lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Đại học Huế cho nghiên cứu sinh Nguyễn Cẩm Long.

– Đề tài: Nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật sản xuất cải xanh an toàn theo hướng VietGap ở tỉnh Quảng Bình.

Chuyên ngành: Khoa học cây trồng

– Mã số: 62 62 01 10

– Thời gian: 8h00 ngày 20 tháng 3 năm 2015 (thứ sáu).

– Địa điểm: Phòng họp Đại học Huế, số 03 Lê Lợi – TP Huế.

Trân trọng thông báo và kính mời các quý vị quan tâm đến dự.

NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN:

1. Diện tích sản xuất rau của các nông hộ ở tỉnh Quảng Bình chủ yếu ở quy mô 250 – 500 m2. Cải xanh là đối tượng được trồng nhiều nhất chiếm 20% diện tích. Tuy nhiên trong quá trình sản xuất rau vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế:
– Mật độ trồng dày so với quy trình; lượng phân đạm bón ở mức cao, trong khi đó lân, kali ít được đầu tư. Số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong một chu kỳ sản xuất còn cao, nhất là ở các loại rau ăn quả; tỷ lệ hộ có thời gian cách ly khi sử dụng phân đạm và thuốc bảo vệ thực vật tuân theo quy trình sản xuất rau an toàn còn thấp.
– Hàm lượng N03- trong rau cải xanh cao hơn các rau hành lá, xà lách, mướp đắng, dưa chuột. Có 7/20 mẫu cải xanh có dư lượng nitrat vượt ngưỡng giới hạn cho phép, chiếm 35% . Số mẫu rau bị nhiễm thuốc trừ sâu trên cải xanh cũng đạt cao nhất trong các loại rau, có 5/15 mẫu, chiếm 33,3%.

2. Giống cải xanh mỡ số 6 có nhiều ưu điểm nổi trội và phù hợp với sản xuất rau an toàn. Thời gian sinh trưởng dao động từ 40 – 43 ngày, chiều cao trung bình từ 28,50 – 30,58 cm, đường kính từ 31,38 – 35,83 cm, số lá bình quân đạt 9,20 – 10,20 lá/cây. Giống cải xanh mỡ số 6 cho năng suất kinh tế cao nhất trong các giống được khảo nghiệm, đạt trung bình 15,39 – 17,11 tấn/ha trong vụ Đông Xuân và 20,53 – 23,70 tấn/ha trong vụ Xuân Hè. Khả năng chống chịu với sâu bệnh khá, đặc biệt khả năng kháng rệp tốt nhất trong các giống thí nghiệm. Cải xanh mỡ số 6 không có vị đắng, ăn dòn.

3. Trồng cải xanh mỡ số 6 với mật độ 44 cây/m2 (tương đương khoảng cách 15 x 15 cm) cho khả năng sinh trưởng tốt, mật độ sâu bệnh gây hại thấp; năng suất, phẩm chất và hiệu quả kinh tế đạt cao nhất ở cả hai vụ Đông Xuân và Xuân Hè.

4. Bón 60 kg N trên nền bón 300 kg vôi + 15 tấn phân chuồng hoai + 60 kg P205 + 40 kg K20/ha và thời gian cách ly sau khi bón 12 ngày hạn chế được tỷ lệ sâu bệnh, không làm cho dư lượng nitrat trong rau cải xanh mỡ số 6 vượt quá ngưỡng giới hạn cho phép nhưng đảm bảo được khả năng sinh trưởng, năng suất thực thu tương đương với lượng bón 90 kg N và 120 kg N/ha ở cả hai vùng đất cát pha và thịt nhẹ tại Quảng Bình trong vụ Đông Xuân và Xuân Hè.

5. Thay thế 50% lượng phân đạm (70 kg N) bằng phân bón Wehg (3,5 lít/ha) cho năng suất thực thu, hiệu quả kinh tế tương đương với công thức sử dụng 100% lượng đạm (70 N/ha) ở mức có ý nghĩa (P < 0,05). Mặt khác hạn chế được sâu bệnh gây hại và không làm cho dư lượng nitrat trong rau cải xanh mỡ số 6 vượt quá ngưỡng giới hạn cho phép.

6. Thuốc thảo mộc từ tỏi, ớt, gừng có hiệu lực trừ sâu xanh bướm trắng cao tương đương với thuốc trừ sâu sinh học và thuốc trừ sâu hóa học. Hiệu lực trung bình với sâu tơ và hiệu lực thấp đối với rệp muội và bọ nhảy. Sử dụng hỗn hợp thảo mộc ớt, tỏi, gừng có hiệu lực trừ sâu cao hơn so với sử dụng thuốc thảo mộc đơn lẽ. Thuốc trừ sâu sinh học Rholamsuper 50WSG và Dylan 2.5EC có hiệu lực trừ sâu tơ, sâu xanh bướm trắng, bọ nhảy sọc, rệp muội tương đương với thuốc hóa học Rigell 800WG, tuy nhiên hiệu lực trừ sâu của thuốc sinh học kéo dài hơn so với thuốc trừ sâu hóa học và thảo mộc.

7. Mô hình thực nghiệm áp dụng các kết quả nghiên cứu của đề tài trên giống cải xanh mỡ số 6 có năng suất cao hơn mô hình sử dụng quy trình kỹ thuật của dân từ 1,53 – 3,08 tấn/ha, lợi nhuận cao hơn mô hình đối chứng từ 6.802.000 đồng – 10.638.000 đồng/ha. Các tiêu chuẩn về dư lượng nitrat và dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật đều đáp ứng được tiêu chuẩn sản xuất rau VietGAP.