Đoàn công tác Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế làm việc tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên

Từ ngày 7/5/2018 đến ngày 12/5/2018, Đoàn công tác Trường Đại học Nông Lâm Huế (ĐHNL) do đồng chí NGƯT.TS. Đinh Vương Hùng – Chủ tịch Hội đồng trường dẫn đầu cùng với các lãnh đạo Khoa Cơ khí Công nghệ (CKCN), đại diện phòng Đào tạo đã có chuyến công tác tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

Mục tiêu chuyến công tác của Đoàn nhằm thực hiện công tác quảng bá tuyển sinh (sau đại học, đại học, liên thông trung cấp và cao đẳng lên đại học); Làm việc và trao đổi với Lãnh đạo 02 Sở Khoa học – Công nghệ là Quảng Ngãi và Gia Lai; Tăng cường hợp tác với địa phương, Tập đoàn để hợp tác trong địa bàn Thực tập (thực tập nghề nghiệp và Tốt nghiệp) cho sinh viên các ngành Khoa CK-CN; Gặp và làm việc với các nhóm Cựu sinh viên Khoa CK – CN chuẩn bị cho kỷ niệm 20 năm thành lập Khoa CK – CN…

Tại chuyến công tác, trường ĐHNL Huế đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất – Quảng Ngãi (CĐKNDQ). Theo đó, hai bên đã đạt được các thỏa thuận hợp tác đào tạo quan trọng liên quan đến đào tạo sau đại học, đào tạo liên thông lên đại học… Cụ thể, Trường ĐHNL/Khoa CK-CN sẽ hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ cho Trường CĐKNDQ với 01 lớp Cao học cơ khí (khoảng 10 cán bộ); đào tạo liên thông trung cấp, cao đẳng lên đại học với một nguồn tuyển sinh rất lớn từ nguồn đào tạo của Nhà trường trên địa bàn…

Được biết, trường CĐKNDQ tiền thân là Trường Đào tạo nghề Dung Quất ra đời từ năm 2001 thuộc Ban quản lý Khu Công nghiệp Dung Quất (nay là Ban Quản lý KKT Dung Quất) và đến nay trực thuộc Tổng Cục dạy nghề Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Đến nay Trường CĐKNDQ đạt quy mô đào tạo hàng năm 3000 học sinh-sinh viên nhiều ngành nghề, nhiều hệ khác nhau; đã giải quyết việc làm hơn 4000 lao động cho các nhà máy, doanh nghiệp tại KKT Dung Quất, các KCN của tỉnh. Trường hiện đang được đầu tư mạnh mẽ về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật với gần 300 tỷ VNĐ cho xây dựng cơ bản cùng hai gói đầu tư thiết bị TH-TT gần 7 triệu USD với đơn đặt hàng đào tạo nghề cho khoảng 15.000 lao động/3 năm.

Chiều cùng ngày, Đoàn công tác đã có buổi làm việc với Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Quảng Ngãi. Tỉnh Quảng Ngãi cũng như Sở KH&CN được xem là địa bàn cũng như đơn vị truyền thống, có hợp tác chặt chẽ với Trường ĐHNL.Tại buổi làm việc, hai bên đã đạt được các thỏa thuận hợp tác quan trọng liên quan đến những vấn đề KH&CN có nhu cầu lớn trên địa bàn tỉnh, giới thiệu các kênh hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao… Đặc biệt, hai bên đã thống nhất phương thức tiếp cận/xác định các nhiệm vụ KHCN, phương án hợp tác NCKH&CGCN tìm đầu ra cho nông dân đối với các ngành nghề, sản phẩm tiềm năng đang gặp nhiều khó khăn và còn bỏ ngỏ. Cụ thể, tiến hành xây dựng các sản phẩm KH&CN thương mại hóa dựa trên nguyên tắc các nhóm nghiên cứu mạnh tiếp cận thực địa có sự hợp tác cộng sinh với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trên cơ sở điều phối của Sở KH&CN. Phương thức hợp tác ba bên gồm nông dân, nhà khoa học, doanh nghiệp với sự điều phối của Sở KH&CN đã được hai bên xác định là kim chỉ nam thực hiện mọi nhiệm vụ KH&CN trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, Sở đề nghị Trường tham gia nghiên cứu, chuyển giao KH&CN trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm, công nghệ chế biến, bảo quản để làm tăng giá trị nông sản, các sản phẩm của các làng nghề truyền thống các doanh nghiệp nhỏ lẻ, hộ gia đình như sản phẩm bò khô, cá bống sông trà, cây quế Trà Bồng, sa nhân tím…

Một số hình ảnh tại chuyến công tác: