Cần chuyển sang giai đoạn các lộ trình KH&CN

Muốn đạt mức là nước phát triển trung bình vào năm 2020, chỉ còn 10 năm để Việt Nam rút ngắn khoảng cách hơn 100 năm. Sự lựa chọn chiến lược gần như duy nhất để Việt Nam có thể đạt được tốc độ đó, nói một cách hình ảnh là phải đứng trên vai người khổng lồ, tức là tận dụng những thành tựu KHCN của nhân loại để phát triển.

Muốn vậy, cần chuyển các chương trình KHCN (program) thành các lộ trình KHCN (roadmap) để tổ chức cho toàn xã hội thực hiện việc phát triển ứng dụng KHCN trong xây dựng kinh tế.

Để đạt được mong muốn đến năm 2020 trở thành nước phát triển trung bình, cho đến nay chúng ta đã khai thác tài nguyên để bán (dầu, than…) gần đạt đến giới hạn. Sản phẩm nông lâm ngư nghiệp phổ thông cũng hầu như chạm ngưỡng. Chúng ta cũng đã xây dựng được một số ngành công nghiệp cơ bản tuy giá trị gia tăng còn thấp. Bây giờ nước ta đã buộc phải bước vào giai đoạn cho nước ngoài cùng khai thác bất động sản, và chỉ trong một thời gian ngắn nữa cũng sẽ hết. Như vậy, để phát triển, ta chỉ còn lại là phát triển công nghiệp có giá trị gia tăng cao, dịch vụ cao cấp và kinh tế tri thức. Tiếc thay, cả ba ngành này đều đòi hỏi khoa học và công nghệ ở trình độ cao (ít nhất là mức trung bình thế giới) và con người được đào tạo tốt. Đó là những thứ mà ta chưa có.
Muốn đạt mức là nước phát triển trung bình vào năm 2020, sự lựa chọn chiến lược gần như duy nhất là phải tận dụng những thành tựu KHCN của nhân loại để phát triển. Nhưng nếu cứ phát triển KHCN theo phương thức và bước đi mà nhân loại nói chung đã trải qua thì tuyệt đối không thể lớn lên đến vai nhân loại được. Có lẽ Việt Nam nên phát triển theo cách song song: một là tìm cách lớn lên đến vai và hai là tìm cách bắc thang hoặc nhảy để leo lên vai người khổng lồ.
Từ trước đến nay, chúng ta mới áp dụng cách thứ nhất cho KH&CN. Nghĩa là ta lập các trường đại học, các viện nghiên cứu… Ta xây dựng các chương trình KHCN, ta hỗ trợ các nghiên cứu và phát triển…, nghĩa là giống như mọi nước đã phát triển trước. Chúng ta mong sẽ lớn lên bằng cách đó. Chúng ta đã và cũng rơi vào các tranh luận muôn thuở như nghiên cứu là gì, cơ bản hay ứng dụng, chuẩn hóa chức danh, đánh giá nhà khoa học… Tất cả đều đúng, đều cần nhưng chẳng thể giúp ta lớn nhanh bằng thiên hạ. Sự thật cho thấy KH&CN của chúng ta đã lớn lên ít nhiều nhưng khoảng cách của chúng ta với thiên hạ ngày càng lùi xa! Và KH&CN vẫn chỉ những vấn đề của người làm KH&CN, không phải là vấn đề của cả xã hội.
Đã đến lúc Việt Nam phải tìm cách bắc thang để leo lên vai nhân loại. Làm như thế nào? Có thể đề cập đến các biện pháp cụ thể như sau:
1. Để yên lòng người, trước hết không xóa bỏ những gì cán bộ KHCN đã có và đã làm được (con người, tổ chức, chương trình…) hơn nữa còn phải tiếp tục phát triển (có cải tiến) những việc làm đó.
2. Giải pháp bây giờ là tổ chức cho toàn xã hội thực hiện việc phát triển ứng dụng KHCN cho xây dựng kinh tế. Nếu như đối tượng thực hiện chỉ là cán bộ KHCN thì chúng ta chỉ cần xây dựng các chương trình KHCN (program). Nay đã đến lúc phải tổ chức thành lộ trình KHCN (roadmap) thì mới huy động được toàn xã hội.
3. Lộ trình KHCN là sự phát triển KHCN một cách cưỡng bức có mục đích kinh tế – kỹ thuật cụ thể và thời hạn rõ ràng. Sở dĩ có thể đặt ra lộ trình vì chúng ta là nước lạc hậu về KHCN, chúng ta phải đạt được một số thành quả chọn lọc, có ích cho ta, mà những thành quả đó nhân loại đã làm được, chỉ có ta chưa học biết cách làm. Ví dụ, trong 3 năm phải giải quyết xong việc dùng nguồn mở trong các cơ sở sử dụng ngân sách, sau năm năm thiết kế (layout) được IC công nghệ 50nm, 7 năm phải giải quyết xong ở mức công nghiệp kháng sinh tổng hợp, hóa dược cơ bản, thuốc Generic, 8 năm chủ động hoàn toàn giống và kỹ thuật một số cây con cho nông nghiệp sinh thái, 10 năm chế tạo công nghiệp tên lửa, máy bay không người lái… Thay cho các viện, trường thì phải tập hợp tất cả mọi lực lượng doanh nghiệp, tổ chức kinh tế – tài chính, cơ sở KHCN thành các Consorsium (tổ hợp) hay Alianz (liên minh) cho từng lộ trình. Mọi biện pháp thực hiện (bình thường và bất bình thường) từ trong và ngoài nước để có được vốn, Licenc, know-how, thiết bị và nhân lực… đều được chấp nhận, miễn sao thực hiện được roadmap. Ở đây, cần áp dụng nguyên tắc mục đích biện minh cho mọi giải pháp!
4. Cần phải quan niệm rằng kinh tế trí thức không chỉ là những ngành mới như công nghệ thông tin, hay công nghệ Nano. Việc thay đổi một cách cơ bản ngành kinh tế cổ điển nhất như nông nghiệp nhờ KHCN thành ra một ngành Nông nghiệp công nghệ sinh học (Bio-Products) sạch, hiệu suất cao, tạo ra thương hiệu Sản phẩm nông nghiệp sinh học cao cấp “Producs of Vietnam”, cũng chính là một ví dụ kinh tế tri thức.
5. Nhân lực ở đâu để thực hiện lộ trình? Từ mọi thành phần trong nước, mời hoặc mua từ nước ngoài những nhà chuyên nghiệp loại tinh hoa, đặc biệt sử dụng những chuyên gia hồi hưu ở các nước tiên tiến, đó là kho quý của nhân loại mà ta cần tiếp cận ngay.
6. Lấy vốn ở đâu để thực hiện lộ trình?
– Có thể lấy vốn từ bản thân phương tiện sản xuất của lộ trình. Ví dụ, để thực hiện lộ trình Nông nghiệp công nghệ sinh học (tạm gọi) có thể lấy từ chênh lệch địa tô khi thu hồi đất nông nghiệp làm đất đô thị, khu công nghiệp, khu an dưỡng, giải trí…Ví dụ, bồi thường cho nông dân 200.000/m2 chuyển đổi thành đất đô thị rồi bán 10.000.000/m2 thì chỉ cần dành 1% chênh lệch này đầu tư lại cho lộ trình “Nông nghiệp công nghệ sinh học” ngay ở vùng đất bị thu hồi là đủ. Nông dân mất đất vẫn có nghề nông mới sống tốt mà kinh tế tri thức cũng xây dựng được. Quả vậy, ví dụ lấy 1% chênh lệch 100.000ha đất thu hồi để chuyển đổi đã có được xấp xỉ 100 ngàn tỷ đồng (6 – 7 tỷ USD), thừa đủ cho mục tiêu nông nghiệp công nghệ sinh học. Và điều quan trọng hơn nữa, hàng triệu nông dân mất đất lại có một công việc dài hạn kiếm sống cao cấp hơn nhiều.
– Có thể lấy vốn từ chính hiệu quả của biện pháp thực hiện. Ví dụ, một nhóm nhà khoa học đã đề ra một lộ trình KHCN để thực thi văn hóa giao thông, giải quyết tình trạng giao thông lộn xộn ở Hà Nội. Lộ trình này cần 100 triệu USD. Chỉ cần phạt đủ 25% của các vi phạm luật giao thông ở Hà Nội là thu hồi được vốn sau 7 năm. Ứng dụng KHCN ở đây là biện pháp làm sao giáo dục cưỡng chế văn hóa giao thông công cộng, phạt đủ, phạt đúng, nộp phạt dễ dàng, kiểm soát được người giao thông, kiểm soát được CSGT và điều hành được giao thông mà chưa cần phải xây thêm cầu đường.
– Có thể thu xếp vốn bằng các phương pháp truyền thống. Vì lộ trình là để đạt và bắt buộc phải đạt mục đích kinh tế – kỹ thuật cho nên có mức kỳ vọng (expectation) lớn. Bán trước kỳ vọng, hay nói nôm na là vay vốn có bảo lãnh của Nhà nước (nếu thương hiệu của Nhà nước tốt) hay của tổ chức kinh tế thành viên Consorsium. Nên nhớ rằng các sản phẩm tài chính đang được buôn bán trên thế giới thực ra cũng là sáng tạo của giới KHCN mà thôi. Tại sao lại không tận dụng nó cho xây dựng KHCN.
– Vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp tham gia
– Vốn ngân sách đóng vai trò vốn mồi (seed money) và vốn duy trì dài hạn
7. Tổ chức và định hướng như thế nào?
– Các lộ trình KHCN phải tổ chức và điều hành ở cấp Nhà nước.
– Số lượng các lộ trình trong 10 năm có lẽ không nên quá con số 10. Lộ trình KHCN không có tính chất cát cứ địa phương, đặc quyền hoặc lợi ích nhóm.
– Tất cả các tổ chức, cơ quan quản lý ngành ở mọi cấp đều tham gia xây dựng lộ trình trên cơ sở yêu cầu của phát triển kinh tế xã hội.
– Mọi thành phần kinh tế, KHCN trong xã hội đều được khuyến khích tham gia một cách bình đẳng.
– Về nguyên tắc, lộ trình là có mục tiêu kinh tế cho nên không cần phân biệt loại hình KHCN nào (cơ bản hay ứng dụng, nghiên cứu hay phát triển đều được), miễn là cùng đến một mục đích kinh tế. Tất cả các loại hình muốn tồn tại, hiển nhiên là phải định hướng theo mục tiêu, và lấy hiệu quả làm thước đo. Cho nên chúng ta tranh cãi nhiều về hình thức để làm gì. Bản thân việc xây dựng và thực hiện mục tiêu của lộ trình KHCN đã tự động định hướng cho KHCN nước ta trong 10 năm tới, không cần phải tranh cãi nhiều nữa.