Tác động của mô hình xây dựng câu lạc bộ cánh đồng cỏ mẫu lớn để chăn nuôi bò thâm canh theo định hướng phát triển nông thôn mới

Trong khuôn khổ đề tài “Lựa chọn các giải pháp kinh tế kỹ thuật để phát triển chăn nuôi bò đáp ứng yêu cầu phát triển nông thôn mới vùng gò đồi Bắc Trung bộ” của trường ĐH Nông Lâm – ĐH Huế do PGS.TS Nguyễn Tiến Vởn chủ trì, bên cạnh các sản phẩm khoa học và đào tạo thì “Mô hình xây dựng câu lạc bộ cánh đồng cỏ mẫu lớn để chăn nuôi bò thâm canh theo định hướng phát triển nông thôn mới” tại thôn Bắc Bình, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận.

Điểm mới của mô hình là hình thành câu lạc bộ trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện; chuyển đổi đất trồng màu truyền thống sang trồng cỏ tập trung qui mô lớn; áp dụng đồng bộ các qui trình kỹ thuật mới: trồng các giống cỏ mới với diện tích lớn, áp dụng qui trình chăn nuôi bò sinh sản phù hơp, và qui trình vỗ béo bò thâm canh cao. Từ 1,5 ha đồng cỏ ban đầu chỉ sau 1 năm diện tích đã được mở rộng lên 5,5 ha với sự tự giác nhân rộng của hầu hết hộ chăn nuôi bò trên toàn thôn. Khảo nghiệm qui trình sử dụng cỏ trồng kết hợp với thức ăn tinh để nuôi bò thâm canh do chính bà con câu lạc bộ thực hiện đã cho tăng trọng bình quân 766 g/ngày (bò nội) và 990 g/ngày (bò lai), đem lại thu nhập 1,8-2,4 triệu đồng/bò/tháng.


PGS TS Nguyễn Tiến Vởn giới thiệu với đoàn đại biểu hội thảo đến tham quan mô hình

Ngày 18 tháng 03 năm 2014 UBND huyện Cam Lộ cùng Sở NN&PTNT, tỉnh Quảng Trị đã tổ chức Hội thảo nhân rộng mô hình này. Có khoảng 100 đại biểu đến từ các sở NN&PTNT, Khoa học Công nghệ, Kế hoạch-Đầu tư, Tài chính, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật, Hội Nông dân, Trung tâm giống Cây trồng-Vật nuôi, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh; Huyện ủy, thường trực UBND huyện, các cơ quan đoàn thể thuộc huyện Cam Lộ; UBND tất cả các xã thị trấn thuộc huyện Cam Lô và một số xã thuộc huyện Gio Linh và Vĩnh Linh; các trưởng thôn và cá nhân điển hình.

Quang cảnh hội thảo

Đồng chủ trì hội thảo là ông Nguyễn Văn Bài, Giám đốc sở NN&PTNT và ông Nguyễn Công Phán, Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ. PGS.TS Nguyễn Tiến Vởn cùng nhóm thành viên đề tài được mời tham dự để báo cáo một số kết quả nghiên cứu, đánh giá hiệu quả của mô hình và những bài học kinh nghiệm để tư vấn cho lãnh đạo chính quyền và cơ quan chuyên môn hoạch định chương trình nhân rộng mô hình này đến các địa phương có điều kiện tương tự của tỉnh. UBND huyện Cam Lộ cũng đã báo cáo phương án trong năm 2014 sẽ thành lập thêm các câu lạc bộ theo mô hình này, hỗ trợ kinh phí đào tạo tập huấn và tăng cường chỉ đạo chuyển đổi đất màu sang trồng cỏ nuôi bò ở các xã Cam Tuyền, Cam Thủy, Cam Hiếu, Cam Thanh.

Đ/c Nguyễn Văn Bài Giám đốc sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị và đ/c Nguyễn Công Phán, Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ đồng chủ trì hội thảo

Hội thảo đánh giá cao sự thành công của mô hình trong việc thay đổi căn bản quan niệm và thực hành của người dân chăn nuôi bò: tin vào khoa học kỹ thuật, hợp tác đúng và chân thành trong sản xuất sẽ có lợi hơn là làm ăn riêng lẻ. Tiến trình xây dựng mô hình cũng góp phần nâng cao năng lực tổ chức điều hành sản xuất và khả năng triển khai các chương trình của cán bộ sơ sở các cấp với sự hợp tác sâu rộng và có hiệu quả giữa nông dân, nhà khoa học và nhà quản lý.

Nông dân đưa bò đến địa điểm cân

Hy vọng rằng những thành quả của đề tài này cùng với 8 đề tài khác thuộc chương trình Khoa học và Công nghệ cấp Bộ: “Nghiên cứu khoa học phục vụ nhu cầu phát triển nông nghiệp và nông thôn khu vực Bắc Trung bộ giai đoạn 2010-2020” do Đại học Huế chủ trì sẽ góp phần quan trọng vào thành công của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở nước ta.