Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài nguyên và Môi trường

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài nguyên và Môi trường gắn với nhu cầu thực tế của xã hội ở trường Đại học Nông lâm Huế.

1. BỐI CẢNH CHUNG

Đẩy mạnh kinh tế hoá ngành Tài nguyên và Môi trường là một trong chủ trương lớn được Đảng và Nhà nước chú trọng đầu tư phát triển để trở thành ngành kinh tế mang lợi ích lớn của đất nước ta trong thời gian tới và đã được cụ thể hoá ở Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 12 tháng 06 năm 2009 của Thủ tướng chính phủ về một số giải pháp cấp bách trong công tác quản lý nhà nước về Tài nguyên và Môi trường. So với các ngành kinh tế khác, Tài nguyên và Môi trường là một trong những ngành kinh tế còn non trẻ của Việt Nam, đặc biệt là về lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn nghề nghiệp và trình độ quản lý. Trong khi đó nhu cầu của xã hội về nguồn nhân lực trong lĩnh vực hoạt động Tài nguyên và Môi trường trên phạm vi toàn quốc nói chung và khu vực miền Trung và Tây nguyên nói riêng ngày càng tăng.

Để đáp ứng nhu cầu thực tế trên của xã hội và được sự đồng ý của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bắt đầu từ năm 1995 đến nay, Trường Đại học Nông Lâm- Đại học Huế đã tiến hành đào tạo nguồn nhân lực bậc Đại học và sau Đại học thuộc lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường cho các tỉnh miền Trung, Tây nguyên và cả nước gồm: Quản lý đất đai, Quản lý thị trường bất động sản, Khoa học đất và Môi trường, Tài nguyên rừng và Môi trường, Quản lý môi trường và nguồn lợi thuỷ sản; và đang tiếp tục đa dạng hoá ngành nghề đào tạo lĩnh vực này trong thời gian tới. Cho đến nay, Trường đã đào tạo được hơn 1.800 kỹ sư tốt nghiệp ra trường và đang công tác từ cấp xã phường đến Trung ương thuộc các lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường (trong hơn 20.000 kỹ sư đã tốt nghiệp tất cả các ngành), trong đó 80% nguồn nhân lực này phục vụ cho các tỉnh miền Trung và Tây nguyên và nhiều cựu sinh viên đã trở thành cán bộ chuyên môn và quản lý chủ chót ở các tỉnh.

Trường Đại học Nông Lâm Huế được thành lập năm 1967 tại Hà Bắc, được chuyển vào Huế năm 1984 và năm 1994 trở thành thành viên của Đại học Vùng Huế cho đến nay. Sứ mạng của Trường là đào tạo nguồn nhân lực nông-lâm-ngư nghiệp, tài nguyên và môi trường, phát triển nông thôn bền vững ở cả bậc Đại học và sau Đại học cho các tỉnh miền Trung, Tây nguyên và cả nước. Hiện tại trường có đội ngũ cán bộ giảng viên là trên 460 người trong đó trên 80 cán bộ giảng viên có học vị Tiến sỹ, Phó giáo sư được đào tạo ở hầu hết các nước tiên tiến trên thế giới. Trường có quan hệ hợp tác với nhiều tổ chức và trường Đại học trên thế giới về lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường như IDRC, Tropenbos, ACIAR, CIDA, VNRP, ICCO, NUFFIC, SIDA/SAREC, IFS, FORD FOUNDATION, ĐH Utrech (Hà Làn) ĐH Uppsala (Thuỵ Điển), ĐH Okayama (Nhật Bản), ĐH Griefswald (CHLB Đức), ĐH Humboldt-Berlin (CHLB Đức), ĐH Kyoto (Nhật Bản), ĐH Wagenigen (Hà Lan),…

2. ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

Hiện tại, Trường Đại học Nông Lâm Huế có 21 chuyên ngành đào tạo và Sau đại học (Thạc sĩ và Tiến sỹ) trong đó các chuyên ngành đào tạo về lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường như sau:

2.1. Đào tạo bậc Đại học:

– Ngành Quản lý đất đai: đào tạo 100-150 sinh viên hằng năm

– Ngành Quản lý thị trường bất động sản: đào tạo 80-100 sinh viên hằng năm

– Ngành Khoa học đất và Môi trường: đào tạo 40-50 sinh viên hằng năm

– Ngành Quản lý môi trường và nguồn lợi thuỷ sản: đào tạo 80-100 sinh viên hằng năm

– Ngành Quản lý tài nguyên rừng và môi trường: đào tạo 80-100 sinh viên hằng năm

2.2. Đào tạo sau Đại học:

– Ngành Quản lý đất đai: 15-20 học viên/năm

2.3. Hợp tác quốc tế đào tạo Sau Đại học

– Ngành Quản lý tài nguyên thiên nhiên tổng hợp: hợp tác với AIT tại Thái Lan từ năm 2010

– Ngành khoa học nông nghiệp và môi trường bền vững: hợp tác với Đại học Okayama (Nhật Bản) từ năm 2006 đến nay và kéo dài 10 khoá liên tục.

2.4. Các Trường thành viên khác Đại học Huế có tham gia đào tạo nguồn nhân lực TN và MT, gồm các chuyên ngành:

– Kinh tế Tài nguyên và Môi trường: Trường Đại học Kinh tế Huế

– Khoa học Môi trường: Trường Đại học Khoa học Huế

– Quản lý Môi trường: Trường Đại học Khoa học Huế

– Kỹ thuật Trắc địa và Bản đồ: Phân viện Đại học Huế tại Quảng Trị

2.5. Chiến lược mở rộng ngành nghề đào tạo chất lượng cao của Trường ĐHNL Huế thuộc lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường

Trường nhận thấy việc đào tạo một số ngành như Quản lý đất đai đến một lúc sẽ bão hoà và cân đối cung cầu của xã hội từ nay đến năm 2020. Việc xây dựng chiến lược phát triển nguồn ngân lực chất lượng cao, trình độ cao để phát triển cán bộ chuyên môn kế cận giữ các cương vị chủ chốt về quản lý và kỹ thuật thuộc lĩnh vực TN và MT ở miền Trung và Tây nguyên là nhiệm vụ được ưu tiên hiện nay của Trường. Bên cạnh đó việc chuẩn bị cơ sở vật chất và nguồn lực cán bộ giảng dạy để mở rộng và đa dạng hoá một số ngành nghề mới về TN và MT và trong chiến lược phát triển của đất nước trong 20-30 năm cần đến đó là:

– Bậc Tiến sỹ: Quản lý đất đai, Quản lý Tài nguyên thiên nhiên tổng hợp, Tài nguyên rừng, Qui hoạch và sử dụng đất.

– Bậc Đại học: Kỹ thuật môi trường nông nghiệp, Quản lý tài nguyên nước, Công nghệ quản lý đất đai và môi trường, …

Chúng tôi rất mong muốn được phía Bộ TN và MT có ý kiến đóng góp thêm vào chiến lược phát triển nguồn nhân lực trình độ cao này ở các hội nghị sắp đến và quá trình tham gia bàn chiến lược nguồn nhân lực từ nay đến 2020 và tầm nhìn 2030 của Bộ để giúp Trường bổ sung và có chiến lược qui hoạch ngành nghề đào tạo thời gian tới sát với thực tiễn xã hội.

3. ĐÀO TẠO NGUỒN LỰC GẮN VỚI NHU CẦU THỰC TẾ XÃ HỘI

Với mục đích cung cấp cho người học các kiến thức khoa học cơ bản và các kiến thức chuyên ngành để sau khi tốt nghiệp họ có thể dễ dàng nhập cuộc và nhanh chóng hòa mình vào đời sống xã hội, sử dụng kiến thức đã tích lũy để làm việc. Do đó mục tiêu đào tạo là đào tạo các cán bộ kỹ thuật và quản lý trình độ kỹ sư có các kỹ năng chuyên sâu về các lĩnh vực sau:

1. Phân tích các yếu tố tác động lên sự phát triển ngành Tài nguyên và Môi trường của quốc gia và quốc tế

2. Nắm bắt được các chính sách và định chế về quản lý Tài nguyên và Môi trường.

3. Phân tích và thực hiện được các chiến lược để phát triển ngành Tài nguyên và Môi trường của quốc gia.

4. Có hiểu biết về ngoại ngữ và công nghệ thông tin các chuyên ngành về Tài nguyên và Môi trường.

5. Có khả năng hoạch định và kiểm soát các dự án phát triển Tài nguyên và Môi trường.

6. Hoạch định các chính sách phát triển Tài nguyên và Môi trường theo từng địa phương.

7. Có kỹ năng chuyên môn nghề nghiệp và ham muốn học tập suốt đời để nâng cao hiểu biết và có trình độ bậc cao.

Để giúp cho người học có chuyên môn nghề nghiệp trình độ cao đáp ứng nhu cầu thực tế xã hội, chương trình đào tạo các ngành học ở bậc Đại học tại trường Đại học Nông Lâm Huế đã được thiết kế theo hệ thống đào tạo tín chỉ từ năm 2008. Gồm hai phần: kiến thức giáo dục đại cương và kiến thức chuyên nghiệp. Xu hướng chung của các ngành đào tạo là càng về các năm cuối (năm 3 và 4) sinh viên càng có cơ hội đi sâu và lựa chọn các chuyên ngành hẹp để hướng tới nghề nghiệp sau khi ra trường có thể làm việc được ngay. Ví dụ điển hình như ngành Quản lý đất đai, sau khi học hết 5 học kỳ đầu, 02 kỳ cuối trước khi đi thực tập tốt nghiệp, sinh viên có thể bắt đầu tham gia nghiên cứu khoa học, lựa chọn các môn học chuyên ngành hẹp như nhóm môn chuyên sâu về Trắc địa-bản đồ, nhóm môn chuyên sâu về Hệ thống thông tin địa lý, nhóm môn chuyên sâu về Qui hoạch và sử dụng đất, nhóm môn chuyên sâu về Quản lý nhà nước về đất đai tương ứng với các phòng chuyên môn hiện nay ở các cơ quan chuyên môn TN và MT. Và trên cơ sở các hướng chuyên sâu đó sinh viên tiếp tục chọn địa điểm và nơi thực tập tốt nghiệp phù hợp với các chuyên ngành hẹp tại các cơ quan chuyên môn từ cấp huyện đến cấp tỉnh, các công ty, trung tâm nghiên cứu.

Bắt đầu tuyển sinh các ngành thuộc lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường từ những năm 1995 đến nay, số lượng sinh viên ngành Quản lý đất đai của trường Đại học Nông Lâm Huế đã lên tới gần 1600 sinh viên và tiến hành đào tạo theo hướng đa dạng hóa gồm các hệ chính quy (đào tạo bậc đại học, sau đại học), các hệ vừa học vừa làm (giúp cho việc giải quyết thiếu nguồn nhân lực tại chổ của các địa phương những năm đầu thành lập ngành TN và MT và việc chuyển đổi ngành nghề từ các ngành khác sang ngành TN và MT). Nhiều sinh viên giỏi, suất sắc của Trường ở các ngành học Tài nguyên và Môi trường đã được tiếp tục chọn lựa để đào tạo trong và ngoài nước và nay đã trở thành cán bộ giảng dạy và nghiên cứu ở các Trường Đại học ở miền Trung và Tây nguyên có đào tạo nguồn nhân lực TN và MT như Trường Đại học Qui Nhơn, Đại học Tây Nguyên, Đại học Phạm Văn Đồng, Cao đẵng KT-KT Quảng Nan, CĐ Kinh tế- Thuỷ lợi Hội An,.. có thể nói nguồn nhân lực đào tạo hơn 10 năm qua ngành Quản lý đất đai của Trường đến nay đã trở thành cái nôi của Miền Trung và gần như cán bộ các phòng ban của của huyện và sở ngành TN và MT đều chiếm số lượng lớn cựu sinh viên của Trường.

Một trong những vấn đề đào tạo được trường Đại học Nông Lâm cũng rất quan tâm trong giai đoạn hiện nay là đào tạo ra đội ngũ nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp nhất là lĩnh vực Quản lý bất động sản, Quản lý tài nguyên nước,… Và để đạt được mục tiêu này, trách nhiệm của Trường phải tìm kiếm thêm nguồn chuyên gia và cán bộ có kiến thức sâu về lĩnh vực mới này ở miền Trung và cả nước cùng tham gia đào tạo, việc nâng cao kiến thức thực tế ở các cơ quan, công ty, doanh nghiệp ngay trong quá trình đào tạo 4 năm tại Trường là vấn đề quan trọng được trường quan tâm đẩy mạnh xúc tiến hiện nay. Do vậy trong chương trình đào tạo phần kiến thức thực hành và rèn kỹ năng tay nghề chiếm một tỷ trọng tương đối cao (từ 30-40%). Phần kiến thức thực hành và rèn tay nghề chia làm các giai đoạn trong suốt 4 năm học tại Trường đối với bậc Đại học, cụ thể như sau:

Giai đoạn rèn kỹ năng tay nghề: Sau khi học xong khối kiến thức đại cương và kiến thức cơ sở ngành (2 năm đầu) sinh viên có thời gian thực hành các môn học chiếm 30% khối lượng kiến thức tại các cơ sở của trường và đặc biệt có thời gian từ 15 ngày đến 1 tháng làm việc ngay tại thực địa và lồng ghép phần lý thuyết giảng dạy với việc rèn tay nghề. Giai đoạn này sinh viên được làm quen với phương pháp làm việc theo nhóm đông tập trung, nhóm nhỏ và cá nhân để hoàn thành các công trình thực tế.

Giai đoạn thực tập giáo trình tổng hợp: Sau khi kết thúc tất cả các môn học chuyên ngành, sinh viên có đợt thực tập dã ngoại dài ngày từ 15 ngày đến 1 tháng tại các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện và xã. Giai đoạn này sinh viên chủ yếu làm việc theo cách chia nhóm nhỏ và cá nhân, cách tiếp cận làm việc ngoài xã hội để thực hiện các báo cáo chuyên đề sâu tứng nhóm môn học và kết thúc đợt thực tập tổng hợp phải có báo cáo với cơ quan nơi đến thực tập và Khoa chuyên môn.

Giai đoạn thực tập tốt nghiệp cuối khóa: Cuối khóa học sau khi sinh viên kết thúc các học phần lý thuyết và thực hiện đạt kết quả hai giai đoạn rèn nghề và thực tập trên, trong chương trình đào tạo các ngành TN và MT có một khoảng thời gian khá lớn cho phần thực tập tại các cơ quan chuyên môn, các công ty, doanh nghiệp kéo dài 4-5 tháng. Sau đó viết khoá luận hoặc báo cáo đề tài tốt nghiệp và báo vệ trước Hội đồng khoa học của khoa được tính tương đương 10-15 tín chỉ. Các khoá luận và báo cáo đề tài tốt nghiệp ngoài việc thẩm định và đánh giá của hội đồng khoa học của Khoa, còn được thẩm định và xác nhận bằng chữ ký có con dấu của cơ quan nơi sinh viên đến thực tập và yêu cầu cần có bản thảo khoá luận hoặc báo cáo nộp cơ quan đến thực tập mới viết nhận xét. Điều này không chỉ là việc sinh viên tích lũy được học phần, mà còn tạo điều kiện cho sinh viên tiếp xúc với cơ quan, công ty nâng cao kiến thức thực tế, làm việc độc lập, hợp tác và tạo khả năng xin việc sau khi tốt nghiệp. Thực tế đã cho thấy nhiều sinh viên các ngành TN và MT sau khi tốt nghiệp đã xin việc được tại các cơ quan và công ty, doanh nghiệp mà họ đã đến thực tập.

Ngoài ra, Khoa chuyên môn và Nhà trưòng thường xuyên để sinh viên được tiếp cận được với các cựu sinh viên thành đạt về chuyên môn hằng năm vào ngày gặp mặt truyền thống Khoa và hướng đến việc mời các cựu sinh viên thành đạt, những nhà chuyên môn giỏi đến trao đổi chuyên môn và giúp định hướng nghề nghiệp cho sinh viên trước khi ra trường.

Trong chương trình đào tạo các học phần giảng dạy lý thuyết trên giảng đường được thiết kế để các giảng viên có thể sử dụng được các công cụ hỗ trợ hiện đại như máy tính xách tay kết hợp với máy chiếu (projector LCD), các phần mềm hỗ trợ kế hoạch đào tạo, trang web Trường, các Khoa luôn công khai các nội dung, kế hoạch và tài liệu phục vụ đào tạo. Trung tâm thông tin-thư viên, các phòng thí nghiệm- thực hành phần nào đã được đầu tư chiều sâu trang thiết bị từ nguồn ngân sách nhà nước và hợp tác quốc tế để phục vụ cho việc đào tạo và nghiên cứu của cả sinh viên và giảng viên.

4. NHỮNG KHÓ KHĂN VÀ KIẾN NGHỊ VỚI BỘ VÀ CÁC CƠ QUAN CHUYÊN MÔN CÁC TỈNH VỀ ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC TN VÀ MT ĐẠT CHẤT LƯỢNG CAO

4.1 Những khó khăn đang gặp phải

Trong quá trình đào tạo và nghiên cứu khoa học gắn với các nhu cầu của xã hội các ngành TN và MT của Trường cũng gặp nhiều khó khăn. Trong đó nổi bật là các vấn đề sau:

Thứ nhất là: Các ngành TN và MT đào tạo tại Trường mới 15 năm trở lại đây nên vẫn còn nhiều hạn chế về nguồn lực trình độ cao như TS, GS, PGS và trang thiết bị. Mặc khác Trường cũng ít được sự quan tâm và giúp đỡ từ phía Bộ chuyên môn không trực tiếp quản lý là Bộ Tài nguyên và Môi trường như một số Trường trực thuộc Bộ vì Trường hiện nay trực thuộc Bộ GD và ĐT nhưng nguồn nhân lực TN và MT mà Trường đào tạo trình độ kỹ sư và sau ĐH ra trường hiện nay chiếm phần lớn các cơ quan chuyên môn ở miền Trung và Tây nguyên.

Thứ hai là: Vấn đề thực tập của sinh viên tại các cơ quan chuyên môn từ cấp huyện, sở, các công ty, các doanh nghiệp. Hầu hết cơ quan, công ty và doanh nghiệp ở miền Trung và Tây Nguyên không có những qui định cụ thể về việc tiếp nhận sinh viên đến thu thập số liệu và thực tập tốt nghiệp, như hàng năm phải dành bao nhiêu chỗ cho sinh viên thực tập, các chính sách về hướng dẫn thực tập, chính sách cung cấp số liệu ngành và chính sách phụ cấp làm việc cho sinh viên mặc dù nguồn nhân lực đào tạo chủ yếu sau khi ra trường lại phục vụ cho các cơ quan và doanh nghiệp thuộc lĩnh vực TN và MT chính họ. Đa phần sinh viên được nhận thực tập hiện nay là qua các mối quan hệ và trong thực tập có thể được cơ quan đến thực tập giao thêm một số việc nhưng ít và không được giúp đỡ sinh viên về mặc vật chất. Do vậy, trong thời gian tới Nhà nước phải ban hành các qui định cụ thể về vấn đề này vì đó chính là trách nhiệm xã hội trong đào tạo của người đứng đầu các cơ quan và cả cơ quan.

Thứ ba là: Tiếp cận nguồn thông tin chính xác và cập nhật về lĩnh vực TN và MT. Trong quá trình học tập và nghiên cứu khoa học, sinh viên cũng như cán bộ giảng viên của Trường (Khoa) cần rất nhiều thông tin liên quan đến các hoạt động TN và ở các địa phương để dựa trên đó viết các tiểu luận và báo cáo khoa học, song để tìm kiếm thông tin và nhận được các thông tin về tình hình hoạt động là một vấn đề khó khăn ở các cơ quan chuyên môn hiện nay. Chính điều này cũng làm hạn chế khả năng tiếp cận kiến thức thực tế của sinh viên. Trong vấn đề này, Nhà nước cần có các qui định cụ thể về công khai hóa thông tin từ các cơ quan phục vụ cho việc đào tạo và NCKH.

4.2. Kiến nghị của Trường với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương

Trường Đại học Nông Lâm Huế – Đại học Huế kính đề nghị được phía Bộ Tài nguyên và Môi trường quan tâm và trong chiến lược phát triển đào tạo nguồn nhân lực ngành TN và MT đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 do phía Bộ chủ trì phối hợp với Bộ GD và ĐT để trình Chính phủ như bản dự thảo, Trường ĐHNL Huế mong muốn sẽ được xem như một trong những Trường chủ chốt tại miền Trung tham gia vào chiến lược đào tạo và phát triển nguồn nhân lực này và với lợi thế nằm Trung tâm miền Trung Việt Nam, Trường ĐHNL Huế xin có mấy kiến nghị cụ thế sau:

Một là: Trường Đại học Nông Lâm Huế được tham gia vào quá trình góp ý và xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực TN và MT chất lượng cao đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 toàn quốc do phía Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì.

Hai là: Trường Đại học Nông Lâm Huế và Bộ Tài Nguyên và Môi trường xúc tiến bàn bạc và đi đến thống nhất ký kết qui chế phối hợp về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và nghiên cứu khoa học lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường cho miền Trung và Tây nguyên.

Ba là: Thúc đẩy sự phát triển và nâng cao hiệu quả hợp tác trong các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và các dịch vụ khoa học – công nghệ giữa các cơ sở đào tạo, viện, trung tâm nghiên cứu và các cơ quan, đơn vị của Trường Đại học Nông Lâm Huế và của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Bốn là: Phối hợp tổ chức hội thảo, hội nghị khoa học và các lĩnh vực khác mà hai bên cùng quan tâm ở cấp ngành, địa phương và cấp Quốc gia.

Năm là: Cán bộ khoa học của Trường được tham gia vào các hoạt động đào tạo và NCKH do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý để nắm bắt và chia sẽ thông tin.

Sáu là: Trong một số trường hợp cần thiết, Bộ Tài nguyên và Môi trường có thể đặt hàng đào tạo và NCKH với Trường Đại học Nông Lâm Huế, đặc biệt trên một số lĩnh vực mà Trường có thế mạnh như Quản lý đất đai, Môi trường nông thôn, Quản lý tài nguyên đất và nước, Quản lý môi trường, Qui hoạch và sử dụng đất, Quản lý nhà nước về đất đai.

Bảy là: Trường Đại học Nông Lâm Huế ưu tiên cơ chế đặt hàng của Bộ với các chương trình đào tạo và nghiên cứu trình độ cao như liên kết đào tạo Thạc sỹ, Tiến sỹ với nước ngoài về các lĩnh vực Bộ đang cần nguồn nhân lực; liên kết nghiên cứu với nước ngoài về kỹ thuật, công nghệ để giải quyết các vấn đề thực tiễn đang đặt ra cho sự nghiệp phát triển Tài nguyên và Môi trường.

Một lần nữa, Chúng tôi cảm ơn phía Bộ TN và MT và Bộ GD và ĐT đã tạo cơ hội cho Trường chúng tôi được trình bày tham luận tại Hội nghị toàn quốc bàn chiến lược đào tạo nguồn nhân lực ngành TN và MT hôm nay. Trường Đại học Nông Lâm Huế rất mong muốn được Bộ Trưởng và các đồng chí lãnh đạo Bộ, Tổng cục thuộc Bộ quan tâm và có dịp đến thăm Trường trong thời gian tới, đó là niềm vinh hạnh cho Trường chúng tôi và cũng là cơ hội để mở rộng sự hợp tác trong chiến lược phát triển đào tạo nguồn nhân lực TN và MT chung của nước ta.