Cựu sinh viên Khoa Thủy sản trường ĐHNL Huế biến ước mơ thành hiện thực

Sau khi tốt nghiệp từ khoa Thuỷ sản, Trường Đại học Nông Lâm Huế các cựu sinh viên Nguyễn Văn Thuyết, Nguyễn Viết Cam, Nguyễn Ngọc Dũng đã mạnh dạn thành lập Công ty TNHH Thủy sản Toàn Cầu vào năm 2004. Đây là công ty hoàn toàn do cựu sinh viên Trường thành lập.

Nhận lời mời của Tổng giám đốc Công ty Nguyễn Văn Thuyết, PGS. TS. Lê Văn An, Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm Huế, TS. Lê Văn Dân, Trưởng khoa Thủy sản cùng một số cán bộ của Khoa đã có chuyến thăm và làm việc với Công ty TNHH Thuỷ sản Toàn Cầu từ ngày 10 đến ngày 15 tháng 10 năm 2017. Chuyến đi đã để lại nhiều ấn tượng về sự trưởng thành của các cựu sinh viên trong lĩnh vực Thuỷ sản và những suy nghĩ về định hướng đào tạo của nhà trường cho những thế hệ sinh viên tiếp theo.

Vào giữa thập niên 1990, sau khi Luật đất đai sửa đổi được ban hành, sản xuất nông nghiệp của Việt Nam có những bước tiến vượt bậc. Từ chỗ là nước thiếu lương thực, Việt Nam sớm trở thành nước xuất khẩu gạo có vị trí hàng đầu thế giới. Thời điểm này, ngoài sản xuất cây lúa làm lương thực, các ngành nghề sản xuất khác cũng bắt đầu phát triển, trong đó có ngành nuôi trồng thuỷ sản.

Nắm bắt nhu cầu của đất nước về con người, Trường Đại học Nông Lâm Huế đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép mở ngành đào tạo Nuôi trồng thuỷ sản. Vào năm 1994, khoá 28 là khoá đầu tiên của ngành Thuỷ sản được tổ chức đào tạo tại Trường Đại học Nông Lâm Huế. Đến nay sau 23 năm đào tạo ngành thuỷ sản, 50 năm xây dựng và Phát triển nhà trường, từ chỗ chỉ 25 sinh viên khoá đầu, đến nay hàng năm Khoa Thuỷ sản Trường Đại học Nông Lâm Huế tuyển sinh trên 300 sinh viên, với 3 ngành đào tạo đại học (Nuôi trồng Thuỷ sản, Quản lý nguồn lợi Thuỷ sản và Bệnh học Thuỷ sản), đào tạo Thạc sĩ và Tiến sĩ về chuyên ngành Nuôi trồng thuỷ sản. Với trên 40 cán bộ giáo viên, trong đó 1 PGS, 9 tiến sĩ và nhiều giảng viên đang học NCS ở nước ngoài. Sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường đều có việc làm và làm việc đúng với chuyên môn được đào tạo.

Đoàn công tác thăm công ty
Đoàn công tác tại trụ sở công ty

Tiếp đoàn của Trường Đại học Nông Lâm Huế tại trụ sở Công ty ở Phường 17, Quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh, Ban điều hành công ty do Tổng giám đốc Nguyễn Văn Thuyết và các Giám đốc Kỹ thuật Nguyễn Viết Cam, Giám đốc Kinh doanh Nguyễn Ngọc Dũng đã dẫn đoàn đi tham quan mô hình sản xuất tôm giống theo quy trình công nghệ được các Công ty Thái Lan chuyển giao. Các tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực nuôi tôm giống đã nâng cao chất lượng giống tôm hiện nay, nguồn tôm giống do công ty sản xuất ngoài ưu điểm về chất lượng và tốc độ sinh trưởng, tôm giống của công ty Toàn Cầu được đảm bảo luôn sạch bệnh, cung cấp cho các trang trại nuôi tôm ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh chất lượng con giống, công ty là nơi cung cấp các dịch vụ miễn phí về chẩn đoán và điều trị bệnh cho tôm, cá. Hệ thống phòng xét nghiệm với các thiết bị máy móc hiện đại và đội ngũ nhân viên giàu kinh nghiệm đã giúp người dân biết được tình trạng sức khoẻ và dịch bệnh ở cơ sở sản xuất, đồng thời tư vấn sử dụng các loại sản phẩm có chất lượng cao để phòng và điều trị bệnh hiệu quả nhất. Bên cạnh việc cung ứng con giống và dịch vụ kỹ thuật, Công ty Toàn Cầu còn hướng dẫn kỹ thuật, xây dựng mô hình nuôi tôm hai giai đoạn với chi phí vật liệu đơn giản, có độ bền, thích hợp với vận chuyển và giảm giá thành trong xây dựng nên rất thu hút sự quan tâm của người nuôi tôm, nhất là ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Anh 03
Anh 02
Tham quan mô hình sản xuất tôm giống theo quy trình công nghệ được các Công ty Thái Lan chuyển giao

Bên cạnh thăm các mô hình sản xuất và cung ứng kỹ thuật nuôi tôm của Công ty Toàn Cầu ở Việt Nam, Công ty còn tổ chức cho đoàn công tác Nhà trường sang Thái Lan, thăm và làm việc với các Trường Đại học, Công ty sản xuất tôm của Thái. Đến thăm Trường Đại học Burapha ở tỉnh Chanthaburi, đoàn đã có dịp trao đổi với các giáo sư của Trường và trao đổi chuyên môn trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản với Khoa Kỹ thuật Đại dương. Đoàn đã được Trung tâm phát triển dự án Hoàng gia Thái Lan tại tỉnh Chanthaburi giới thiệu những hoạt động hỗ trợ của Trung tâm cho người dân Thái Lan trong việc xây dựng, chuyển giao kỹ thuật trong sản xuất và nuôi trồng thuỷ sản. Hoạt động của Trung tâm như là một đơn vị hỗ trợ cho người dân địa phương thông qua việc hướng dẫn kỹ thuật, chẩn đoán và phòng trị bệnh cho tôm và nhiều tiến bộ kỹ thuật khác mà người nông dân Thái Lan cần. Mô hình hỗ trợ nông dân hoạt động rất hiệu quả vì nó gần gũi với người dân.

Anh 08
Đến thăm Trường Đại học Burapha ở tỉnh Chanthaburi, Thái Lan

Đến thăm cơ sở JENTALAY sản xuất tôm thịt theo mô hình thâm canh hai giai đoạn, kỹ thuật cao cho thấy mỗi ao tôm 1600 m2 có thể sản xuất đến 10 tấn tôm thịt trong vòng 2 tháng, mỗi ao nuôi cho thu hoạch 5 lần một năm. Hệ thống sản xuất ứng dụng kỹ thuật và công nghệ tiên tiến nên tôm không bị dịch bệnh, hiệu quả sản xuất và năng suất cao, hệ số chuyển hoá thức ăn từ 0,9 đến 1,1 kg thức ăn tạo ra 1 kg tôm thịt. Một lao động có thể quản lý 2 ao nuôi với diện tích 3,200 m2.

Với cơ sở sản xuất tôm giống SUCHAT, một công ty chuyên cung ứng tôm bố mẹ không chỉ cho các cơ sở sản xuất tôm ở Thái Lan mà còn xuất khẩu sang Việt Nam, Trung Quốc và các nước khác. Thái Lan đã có các Trung tâm sản xuất và giữ giống tôm gốc. Chất lượng tôm giống cao do được chọn lọc kỹ và môi trường sản xuất an toàn. Tỷ lệ tôm sinh sản từ sau khi ấp nở đến khi bán giống đạt tỷ lệ trên 80%. Có thể nói đây là một tỷ lệ rất cao. Mô hình sản xuất tôm giống ở Thái Lan không chỉ có chất lượng cao, số lượng nhiều, đa dạng các nguồn giống mà còn công nghệ hiện đại, dễ ứng dụng, với hệ thống sản xuất bằng vật liệu đơn giản, chi phí thấp.

Dẫn đoàn đi tham quan, bên cạnh Ban giám đốc của Công ty Toàn Cầu, đoàn công tác của Trường còn được Giám đốc Tập đoàn MEGAMART do ông Bundhit Sukawattanakul hướng dẫn, phiên dịch và tổ chức đi lại cho đoàn trong suốt thời gian ở Thái Lan.

Chuyến đi này đã giúp Trường Đại học Nông Lâm Huế tiếp tục khẳng định hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo và nghiên cứu khoa học công nghệ là một nhu cầu tất yếu, một hướng đi của nhà trường trong thời gian đến. Những cựu sinh viên của nhà trường đã và đang thành đạt ở các công ty, doanh nghiệp hôm nay đã chứng minh về chất lượng đào tạo của nhà trường trong thời gian qua. Nắm những bàn tay, nhìn những ánh mắt của các cựu sinh viên trước khi trở về Huế, mỗi chúng tôi, những người làm công tác giảng dạy của Trường Đại học Nông Lâm Huế, mang một ấn tượng thật sâu sắc với các cựu sinh viên của Trường. Chúng tôi hiểu rõ hơn câu nói “Vì lợi ích 10 năm thì phải trồng cây; Vì lợi ích 100 năm thì phải trồng người”. Trường Đại học Nông Lâm Huế đã và đang trở thành là nơi mơ ước của các em học sinh khi đang ở nhà trường phổ thông; là niềm tự hào khi trở thành người sinh viên Trường Đại học Nông Lâm Huế; và là nơi tri ân của các cựu sinh viên vì nơi đây đã chắp cánh cho những ước mơ khi lập nghiệp.

Một số hình ảnh chuyến đi:

Anh 09
Anh 10
Anh 11