Phong Điền: Bước tiến mới từ chính sách “tam nông”

KTNT – Về Phong Điền, huyện ngoại thành của Thành phố Cần Thơ, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước sự thay da đổi thịt của vùng đất này. Kinh tế ngày càng phát triển, đời sống người dân được nâng cao nhờ huyện áp dụng chính sách “tam nông” hợp lý. Để tìm hiểu vấn đề này, phóng viên Báo Kinh tế nông thôn đã có cuộc trò chuyện với ông Bùi Văn Hai, Bí thư Huyện uỷ huyện Phong Điền. ông Hai cho biết:

Mô hình trồng dưa hấu tập trung ở xã Nhơn Nghĩa.

Để đưa nghị quyết về nông nghiệp – nông dân – nông thôn (tam nông) vào cuộc sống, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch cụ thể để chỉ đạo sản xuất theo định hướng: xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh cao. ở những vùng thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng – vật nuôi, chúng tôi thực hiện chương trình trợ giá giống. Đến thời điểm này, huyện đã hỗ trợ nông dân 11 tấn lúa giống, 5.000 cây dâu Hạ Châu giống, 3.000 cây ca cao, nhiều loại hạt giống rau màu, trị giá 97,89 triệu đồng. Ngoài ra, chúng tôi còn tổ chức cho nông dân tham dự hội thảo, tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng rau sạch, cây ăn trái, thuỷ sản. Nhờ đó, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được nhân rộng như trồng ca cao trong vườn cây ăn trái, trồng rau an toàn, trồng khoai lang tím Nhật, nuôi vịt an toàn sinh học…

Hệ thống hạ tầng hoàn thiện là nền tảng cho kinh tế phát triển. Trong thời gian qua, huyện đã đầu tư phát triển hạ tầng như thế nào, thưa ông?

Công tác xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của lãnh đạo huyện. Huyện đã triển khai thi công hoàn thành 55/56 tuyến điện hạ thế với chiều dài 70, 233 km đưa vào đóng điện phục vụ nhân dân. Hiện, đã có trên 90,6% số hộ được sử dụng điện; 88,7% số hộ được sử dụng nước sạch sinh hoạt hợp vệ sinh. Ngoài ra, huyện còn xây dựng thêm 3 trạm cấp nước công suất 50 – 80m3/giờ.

Huyện đã nạo vét 38, 786km kênh mương, kinh phí trên 5, 355 tỷ đồng, xây dựng và hoàn thiện đê bao khép kín cho vườn cây ăn trái.

Hệ thống giao thông nông thôn được huyện đầu tư, nâng cấp như xây mới 39,23km lộ nông thôn, tổng kinh phí 13,635 tỷ đồng. Bên cạnh đỏ, còn vận động nhân dân hiến đất, hoa màu, đắp taluy tổng chiều dài 30,746km, kinh phí 15,419 tỷ đồng. ở Nhơn Khánh (xã Nhơn Nghĩa), đã hoàn thành tuyến đường Ba Xoài dài 1.754 m theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, trong đó, kinh phí nhân dân đóng góp là 525.958.000 đồng. Tuyến đường đã đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, được bà con đồng tình, ủng hộ.

Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới huyện sẽ tập trung đầu tư vào những lĩnh vực nào, thưa ông?

Từ nay đến năm 2010, Huyện uỷ chỉ đạo UBND huyện Phong Điền tiếp tục thực hiện công tác quy hoạch của ngành nông nghiệp, tập trung xây dựng vùng dự án nuôi thuỷ sản trên địa bàn xã Trường Long, phát triển vùng sản xuất rau an toàn ở xã Nhơn Nghĩa.

Hoàn thành các công trình thuỷ lợi, thực hiện đê bao khép kín. Phấn đấu 100% số hộ được sử dụng nước sạch, 98% số hộ sử dụng điện an toàn, không còn cầu tạm, đường đất tại các tuyến dân cư. Tiếp tục nâng cấp mạng lưới y tế, thực hiện kiên cố hoá trường học, xây dựng trung tâm văn hoá – thể thao cấp huyện.

Ngoài ra, huyện còn xây dựng cụ thể kế hoạch phát triển một số ngành công nghiệp sạch ở khu vực nông thôn, đẩy mạnh sản xuất tiểu thủ công nghiệp, bảo tồn các làng nghề. Chú trọng công tác đào tạo nghề, tiến đến giải quyết việc làm cho nông dân, xúc tiến xuất khẩu lao động.

Thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết tam nông không chỉ là trách nhiệm của lãnh đạo huyện mà chúng tôi cần có sự đồng thuận của nhân dân. Chúng tôi quyết tâm xây dựng, phát triển kinh tế theo quy hoạch nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, phấn đấu đến năm 2020, Phong Điền trở thành khu đô thị sinh thái theo chủ trương của Chính phủ.