Biến đổi khí hậu – Nhận diện thách thức: Bài 10

Bài 10: Ác mộng bão, mặn và sóng…

Bây giờ người dân ở vựa lúa ĐBSCL nghe nói tới thời tiết thay đổi bất thường không còn lấy làm lạ. Gần 10 năm qua, ở nơi được xem là "vùng trời bình yên"  nay đã không phải là bất khả xâm phạm trước giông bão.

Biển dâng, sóng cuốn

"Sợ bão, sợ sóng biển cuốn trôi lắm, không còn ai dám cất nhà ở ven biển như trước nữa. Hồi trước, tụi này sống ngoài ấy cách xa chỗ nhà này mấy trăm mét…", ông Lâm Văn Chon, 54 tuổi, cùng mấy ông già về tái định cư ở khu dân cư Hải Ngư, huyện Vĩnh Châu (Sóc Trăng) nói như vậy khi chúng tôi bắt chuyện biển lấn, sạt lỡ ven cửa sông Mỹ Thanh, Vĩnh Châu. Ông Chon kể, từ nhỏ tới lớn quen sống đầu gành ven biển, đi biển đánh lưới kiếm sống qua ngày. Hồi đó rừng đước, mắm rậm rì, nhà cất mé biển có sao đâu, nhưng bây giờ hổng chịu nổi nữa rồi. Sóng gió, nhất là mùa chướng sóng ầm ập vỗ vào ngày đêm như muốn chực chờ cuốn trôi.

Kênh xáng Xà No đã bị mặn xâm nhập sâu

Ông Hoàng Văn Hướng –  Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Hải nhìn vào xóm tái định cư, tỏ vẻ hài lòng: "Tất cả có 224 hộ dân, chia ra ở 2 khu. Trước kia, các hộ dân này tứ xứ về ở ngoài ven mé biển Long Phú, Mỹ Xuyên. Họ kiếm củi, bắt cá kèo kiếm sống ven biển ven rừng. Mưa bão, triều cường biển dâng lên thì coi như chịu trận. Được Nhà nước giúp tái định cư, nỗi lo canh cánh trước hiểm họa thủy thần cũng vơi đi".

Chúng tôi định đi theo đường đê ven biển từ Sóc Trăng về Bạc Liêu rồi xuống Mũi Cà Mau, nhưng không được. Đê đứt quãng chưa xong nhiều đoạn. Trong lúc rừng ở đất bãi bồi ở Bạc Liêu, Cà Mau mỗi năm lấn biển vươn ra xa 80m đến 100m thì ở gần các cửa sông là vấn nạn sạt lở triền miên. Ở phía biển Đông gần cửa sông Gành Hào muốn giữ đê phải xây kè chống đỡ. Vậy mà sóng biển đập vào ngày đêm khoét sâu tận xóm dân cư. Còn ở cạnh biển phía Tây, từ Cà Mau về Rạch Giá (Kiên Giang), lúc nào cũng nơm nớp lo sợ thủy thần. Vợ chồng anh Phạm Văn Cương từ Nam Định vào sống tập trung trên khu đê ở ngoài cửa Sông Đốc (Cà Mau) làm rẫy, đánh cá, phơi khô. Nhưng anh Cương than nghèo hoài là vì làm ăn dành dụm được bao nhiêu, biển lại lấy hết. Anh Cương chẳng hề nói dối, bởi trong gần 10 năm qua, nhà anh Cương phải dời chỗ năm lần, chưa an cư làm sao lạc nghiệp!

Cũng chạy dọc trên con đê biển Tây ở Cà Mau này, vào đầu năm 2008, đợt triều cường đột ngột dâng cao, sóng đẩy nước biển lên cao tràn tuốt qua mặt đê làm ngập úng 16.300ha nuôi trồng thủy sản của các huyện Trần Văn Thời, Ngọc Hiển, Năm Căn, Cái Nước và tràn vào TP Cà Mau.

Năm 2008, Cà Mau gặp triều cường, mưa lớn làm ngập úng 20.365ha đất nông nghiệp, trong đó có 16.300 ha nuôi thủy sản bị thiệt hại. Ông Nguyễn Long Hoai – Chi cục trưởng Chị cục thủy lợi Cà Mau cho rằng, đó là đợt triều cường lớn nhất trong vòng mấy chục năm qua. Cả hai bên đê bao biển đông và biển Tây Mũi Cà Mau như lá chắn biển, nhưng nguy cơ sụp lở đã thấy khi biển dâng tràn.

Cũng trên đê biển Tây này, bà con chỉ đường cho chúng tôi vào khu Rạch Miễu, tới xóm Trôi. Cái tên xóm nghe qua cũng đủ mường tượng ra sự bấp bênh. Xóm chỉ có chừng 30 nhà, người dân sinh sống theo theo nghề biển, chăn nuôi heo. Nhắc lại chuyện biển cuốn trôi cả xóm ra sao, ông Út Vôi – dân xóm Trôi kể một mạch, nét mặt như chưa hết bàng hoàng: "Hồi nhỏ tới lớn, tui chưa từng gặp cảnh nước dâng kỳ lạ như vậy. Đêm đó trong xóm có người khiêng mấy khạp ba khía xuống xuồng định chở ra chợ Sông Đốc bán. Vừa nổ máy thì sóng biển lùa vào trùm lên, coi như mất sạch."

Bão tới, mặn tấn công

Những cụ già kể lại, hồi trước đồng bằng đất thấp nhưng ít khi bão tố, chỉ ngoại trừ gặp mùa nước nổi hay còn gọi là mùa lũ hàng năm. Vậy mà gần đây đã đổi khác. Vào tháng 11/1994, sóng thần ngoài biển khơi bất thình lình ập vào ven biển Sóc Trăng như dấu hiệu cảnh báo đầu tiên trong vùng. Hồi đó, rừng phòng hộ là lá chắn sóng bị nạn chặt phá rừng không kịp tái sinh nên khó bề cản nổi sức mạnh khủng khiếp của sóng thần. Hậu quả các huyện ven các cửa sông Trần Đề, Mỹ Thanh… gồm Cù Lao Dung, Long Phú và một phần huyện Mỹ Xuyên đều bị thiệt hại nặng nề.

Sau những lần "đón bão", chúng tôi là chứng nhân trong cuộc. ĐBSCL không còn ngoài tầm hoành hành trước những cơn bão dữ. Trong đó hai cơn bão Muifa (số 4) vào năm 2004 và bão Durian (số 9) năm 2006 đổ bộ ập vào ĐBSCL càng thấy rõ mối hiểm nguy hiển hiện trước mắt. Tới bây giờ về Bến Tre nhắc lại chuyện bão tố hồi 3 năm về trước người dân huyện Bình Đại chưa hết cảm giác sợ hãi.

Ở một vùng chưa từng có kinh nghiệm đối phó trước bão lớn nên sức tàn phá của bão ập tới thật khủng khiếp. Riêng Bến Tre, bão Durian đã làm 18 người thiệt mạng, 700 người bị thương; 120.000 hộ gia đình có nhà cửa bị hư hại, chiếm tới 40% số hộ trong tỉnh. Trước diễn biến của biến đổi khí hậu trong tương lai và tình trạng nước biển dâng, các nhà khoa học dự đoán Bến Tre sẽ là tỉnh phía Nam chịu ảnh hưởng nặng nề nhất ở vùng này, với hơn 50% diện tích đất bị ngập và hơn 750.000 người dân sẽ bị ảnh hưởng.

Dù dự đoán nước biển sẽ dâng trong vòng vài chục năm tới, nhưng thực tế người dân vùng này cho rằng thực tế đã đến sớm hơn. Từ mấy tháng đầu năm nay, mặn xâm nhập gần cả trăm cây số vào đất liền vùng ĐBSCL. Một hiện tượng quá bất thường diễn ra trong những năm gần đây. Người ta phỏng đoán có hai nguyên nhân: do nước biển dâng hay do lưu lượng nước từ thượng nguồn sông Mekong giảm sút đã khiến cho mặn đẩy ngọt sâu vào đất liền. Mặt khác, ĐBSCL có đê ven biển (tuy xây dựng chưa liền mạch) nên đặc điểm xâm nhập mặn ở ĐBSCL mực nước biển dâng theo triều chưa thể lấn tràn mà chủ yếu len theo các cửa sông và xâm nhập mặn qua các chi lưu thuộc vùng hạ lưu các tỉnh ĐBSCL.

Ông Lương Văn Huỳnh (xã Bình Lộc, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) tỏ ra quá bất ngờ trước tình hình xâm nhập mặn. Trước đây, vùng này có sáu tháng nước mặn và sáu tháng nước ngọt thì nay có tới tám tháng nước mặn và chỉ có bốn tháng nước ngọt. Nhưng nước ngọt bây giờ cũng có vị mặn. Và ngay trong những ngày này khi vùng ĐBSCL đã có mưa đầu mùa, nhưng mặn xâm nhập vẫn còn gay gắt. Mặn còn dấn sâu vào các tuyến kênh nội đồng, xâm lấn cả vùng ngọt lâu nay.

Nước biển đẩy mặn dấn sâu vào đất liền thật sự trở thành nỗi lo hiện hữu. Ở TP. Cần Thơ từng được mệnh danh là nơi "Gạo trắng nước trong" hiện mặn đã ngấp nghé về tới. Ông Kỷ Quang Vinh – Trưởng Trạm quan trắc Môi trường TP. Cần Thơ cho biết, mặn chỉ còn cách Cần Thơ khoảng 8 km. Độ mặn cao nhất trong nhiều năm qua. Rồi đây sẽ không chỉ Cần Thơ hay 10 tỉnh thành ở vùng vựa lúa, vườn cây ăn trái, vùng nuôi thuỷ sản nước ngọt… có sản lượng lớn đang đứng trước thách thức nguy cơ suy giảm.