Triển khai thực hiện đề tài cấp Tỉnh: Nghiên cứu bảo tồn và phát triển ớt A Riêu ở Quảng Nam

Nhằm bảo tồn và phát triển giống ớt A riêu bản địa tại huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam, từ tháng 4/2018, trường Đại học Nông Lâm, Đại Học Huế phối hợp với Phòng Kinh tế hạ tầng Huyện Đông Giang, Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Quảng Nam đã thực hiện đề tài Khoa học Công nghệ cấp tỉnh: Nghiên cứu bảo tồn và phát triển cây ớt A riêu phục vụ sản xuất hàng hóa trên địa bàn huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam.

Theo TS Nguyễn Văn Đức- Giảng viên trường Đại học Nông Lâm – Chủ nhiệm đề tài, Cần phải có một nghiên cứu bài bản và hệ thống để bảo tổn và phát triển ớt A Riêu theo hướng hàng hóa, nhằm cải thiện thu nhập cho người đồng bào Cơ Tu.

Hiện nay do nhu cầu ngày càng lớn, hợp tác xã đã nghiên cứu để nhân giống ớt A Riêu, để phục vụ người dân canh tác theo hướng hữu cơ trên đất nương rẫy.

Ớt A Riêu ở vùng Đông Giang, tỉnh Quảng Nam có nguồn gốc từ con chim chào mào, A Riêu theo tiếng người Cơ Tu nghĩa là con chim chào mào. Chúng thường ăn những trái ớt ở rừng, sau đó thải phân ra kèm hạt, mọc lên cây ớt này. Ớt A Riêu có hình dáng, độ cay và hương vị thơm ngon rất đặc trưng, khác với các giống ớt trồng ở đồng bằng.  Vì vậy, ớt A Riêu là sản phẩm hữu cơ hoàn toàn tự nhiên, là đặc sản nối tiếng của huyện miền núi Đông Giang, Quảng Nam.

Vào những ngày cuối tháng Tám, người đồng bào Cơ Tu ở xã Mà Cooih, huyện Đông Giang lại bắt đầu bận rộn để thu hái ớt A Riêu mọc hoang tự nhiên trên rừng và nương rẫy. Theo ông Trần Quốc Trí- Giám đốc hợp tác xã nông lâm nghiệp Mà Cooih cho biết: Ớt A Riêu thường xuyên ra trái, khoảng 20 ngày thu hoạch một lần, hầu như quanh năm, tuy nhiên năng suất rất thấp khoảng 0,1kg/cây/năm.

Tuy nhiên, do mọc hoang và rải rác nên việc số lượng ớt mà người Cơ Tu thu hái được không nhiều. Do là sản phẩm hữu cơ tự nhiên, được người dân ưa chuộng,  nhu cầu tiêu thụ rất lớn.  Cũng theo ông Trần Quốc Trí, hợp tác xã thu mua  với giá khoảng 150 đến 200 nghìn đồng/kg. Vào thời cao điểm, giá thu mua có thể lên đến 250 nghìn/1kg.  Đây là một nguồn thu nhập tốt và ổn định cho người đồng bào Cơ Tu ở địa phương. Người đồng bào ở đây ví von, ớt A Riêu chính là vàng xanh mà thiên nhiên đã ban tặng cho họ.