Đại dịch Covid-19 và cơ hội cho nông sản Việt

Đại địch viêm phổi cấp Covid-19 bộc phát vào đầu năm 2020 đã làm gần 60 triệu người nhiễm bệnh và hơn 1,4 triệu người trên thế giới tử vong (Sydney Morning Herald 27/11/2020). Mặc dù chưa biết đại dịch lúc nào chấm dứt và Covid-19 cũng không phải là đại dịch cuối cùng, nhưng đại dịch Covid-19 đã cho chúng ta nhiều bài học, để qua đó sẵn sàng chuẩn bị cho những đại dịch sắp tới.

Đối với ngành nông nghiệp và thực phẩm, có 4 bài học lớn được rút ra:

  1. Đại dịch Covid-19 xuất phát từ một điểm; chợ hải sản Vũ Hán, nhưng sau đó đã lan rộng khắp thế giới, lây nhiễm hàng chục triệu và giết chết hơn triệu người chỉ trong vòng 10 tháng. An toàn vệ sinh thực phẩm từ một cái chợ do vậy không còn là vấn đề nhỏ chỉ riêng một cái chợ, mà là vấn đề lớn của quốc gia, của loài người trên toàn thế giới.
    ii. Đại dịch Covid-19 lây lan nhanh, giết chết nhiều người đã cho thấy hệ miễn nhiễm của con người còn quá yếu, không chống chọi được với sự tấn công của dịch bệnh. Đấy là do cách ăn uống cẩu thả và chất lượng thực phẩm chưa tốt.
    Trong thức ăn của chúng ta còn thiếu quá nhiều chất dinh dưỡng, đặc biệt 6 chất vi lượng quan trọng; Vitamin B6, Vitamin C, Vitamin D, Vitamin E, Magnesium, và Kẽm;

iii. Qua đại dịch con người thấy rõ chuỗi cung ứng thực-phẩm-tươi chỉ phục vụ được nhu cầu địa phương trong khi chuỗi cung ứng thực-phẩm-chế-biến bảo quản được lâu nên có thể phục vụ nhu cầu quốc gia và quốc tế;

  1. Đại dịch Covid-19 xãy ra cho thấy việc tập trung sản xuất và cung ứng thực phẩm vào một số ít quốc gia – như Trung Quốc – là không hiệu quả, ảnh hưởng nặng nề đến an ninh lương thực và sức khoẻ con người, nhất là đối với các quốc gia nằm trong mắc xích chuỗi cung ứng.
    Như vậy sau đại dịch Covid-19, chắc chắn thế giới sẽ phải thay đổi, sẽ phải sắp đặt lại để đi vào một trật tự mới. Thế giới không những thay đổi trong quan điểm về chất lượng thực phẩm, mà vị trí trung tâm của Trung Quốc trong chuỗi sản xuất & cung ứng thực phẩm và dược phẩm cũng sẽ thay đổi. Làn sóng đầu tư rút khỏi Trung Quốc vốn âm ỉ nay xãy ra với độ tăng đột biến. Việt Nam và một số nước ở châu Á, khối châu Mỹ latinh là những nước có khả năng thay thế từng phần trong chuỗi cung ứng thực phẩm và dược phẩm nói trên nếu biết nắm bắt cơ hội, chuẩn bị tư thế sẵn sàng cả về nội lực lẫn nguồn nhân lực để nhập cuộc, hợp tác, phát triển và cạnh tranh. Covid-19 vừa là đại dịch bi thảm vừa là thời cơ giúp Việt Nam giành vị trí chủ động trong việc đón làn sóng đầu tư cũng như tự mình sản xuất để trám một số trong chuỗi cung ứng nông sản & thực phẩm thế giới.
    Vậy nông nghiệp Việt Nam cần phải làm gì và nông dân Việt Nam cần phải thay đổi tư duy ra sao để vừa đáp ứng với yêu cầu trong nước, vừa thích ứng với yêu cầu của thị trường nông sản và thực phẩm to lớn của thế giới?

Bài học 1. An toàn thực phẩm là vấn đề quốc tế

Từ khi bắt đầu đại dịch, các nhà khoa học đã cho rằng virus corona chủng mới nCoV-2019 gây ra bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 phát xuất từ loài dơi, truyền sang cầy hương, rồi sang người như là nguyên nhân gây bệnh SARS năm 2003.

Tuy nhiên đến tháng 4 năm 2020, các nhà khoa học cho biết loài tê tê mới là vật chủ gây ra Covid-19 vì bộ gen của virus phân lập từ tê tê giống với nCoV-2019 đến 99%. Virus corona ban đầu được phát hiện ở chợ hải sản Vũ Hán, được cho rằng lây sang người từ các động vật hoang dã như dơi, tê tê, và những người nhiễm Covid-19 đầu tiên được phát hiện cũng chính là những người làm việc tại chợ hải sản Vũ Hán.

Tê tê là động vật có vú, có lớp vảy cứng, thường bị săn lùng để lấy vảy điều trị nhiều bệnh trong y học cổ truyền ở nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam. Tê tê bị buôn bán nhiều nhất thế giới, chiếm đến 20% tổng số buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp. Các nhà khoa học từ lâu đã cảnh báo rằng việc buôn bán động vật hoang dã có thể tạo điều kiện cho bệnh tật sinh sôi và lây lan vì trong động vật hoang dã có nhiều chủng “virus lạ” mà con người chưa biết tới.

Nhiều nước phương Tây cho rằng, nếu thế giới được cảnh báo sớm hơn về mức độ nghiêm trọng của virus nCoV-2019, có thể hàng trăm nghìn sinh mạng đã được cứu sống.

Tổ chức WHO đang hứng chịu sức ép nặng nề từ các quốc gia phương Tây vì quá chậm chạp trong việc ứng phó với sự bùng phát của đại dịch Covid-19. Trung Quốc cũng bị cáo buộc thiếu minh bạch trong tuyên bố về mức độ nguy hiểm của virus corona chủng mới nCoV-2019.

Ngoài việc hơn triệu người tử vong, đại dịch Covid-19 còn đẩy thế giới vào cơn suy thoái kinh tế khủng khiếp. Riêng nước Mỹ, mức thâm thủng ngân sách đã lên hơn 3.000 tỷ USD trong 11 tháng đầu của năm tài chánh 2020. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ dự đoán mức thâm thủng ngân sách của cả năm 2020 sẽ là 3.300 tỷ USD, chiếm 16% GDP, cao nhất kể từ khi Thế chiến thứ hai (1939-1945) kết thúc. Công ty đánh giá rủi ro Praedicat ở Mỹ cho biết đã có nhiều gia đình đâm đơn kiện doanh nghiệp với lý do thân nhân của họ tử vong vì “mang Covid-19 từ công ty về nhà”. Các vụ kiện này có thể khiến các doanh nghiệp thiệt hại lên tới 21 tỷ USD. Đâm đơn kiện Trung Quốc vì lý do “phát tán Covid-19 ra thế giới” cũng đã được báo chí Mỹ nhiều lần nhắc đến.

Mặc dù Việt Nam đã ban hành chỉ thị do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ngày 23.7.2020 dừng nhập khẩu động vật hoang dã và yêu cầu “kiên quyết loại bỏ” các chợ động vật hoang dã để ngăn chặn dịch Covid-19 bùng phát mạnh hơn, cũng như Bộ NN&PTNT đã trình Chính phủ phê duyệt “Kế hoạch hành động khẩn cấp bảo tồn các loài tê tê ở Việt Nam giai đoạn 2020 – 2030“, nhưng nếu dân Việt Nam vẫn tiếp tục mua bán động vật hoang dã, xem việc ăn uống động vật hoang dã là nét văn hoá truyền thống cần được duy trì, thì đó là hành động tiếp tay cho việc lan truyền bệnh tật, dẫn đến đại dịch kinh hoàng cho thế giới như Covid-19. Có khi còn dính vào những vụ kiện tụng quốc tế không đáng có.

An toàn vệ sinh từ một cái chợ đã cho thấy ảnh hưởng nặng nề đến an toàn của con người trên toàn thế giới. Trách nhiệm tổ chức, quản lý, mua bán tại chợ do đó không còn là trách nhiệm chỉ riêng một cái chợ hay một thành phố, mà là trách nhiệm của quốc gia đối với sức khoẻ của dân mình và của con người trên toàn thế giới.

Trong chiều hướng như vậy, nông dân Việt Nam phải thay đổi tư duy, phải phấn đấu để trở thành người sản xuất nông sản & thực phẩm có trách nhiệm, không phải chỉ với giới tiêu thụ trong nước mà còn với thế giới vì Việt Nam đã là một thành viên của cộng đồng thế giới.
Nông dân toàn cầu là điểm đến cho bất cứ nông dân Việt Nam nào muốn sống còn cho thời kỳ sau đại dịch Covid-19.

Bài học 2. Bổ sung siêu thực phẩm và thực phẩm chức năng cho bữa ăn Việt

Để tăng cường hệ miễn nhiễm, bữa ăn của người Việt cần chú ý hơn về chất dinh dưỡng, đặc biệt là bổ xung 6 chất vi lượng quan trọng; Vitamin B6, Vitamin C, Vitamin D, Vitamin E, Magnesium, và Kẽm vốn có nhiều trong các loại “siêu thực phẩm” và “thực phẩm chức năng”.

Siêu thực phẩm/superfoods là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng vì chứa nhiều chất chống oxy hóa có tác dụng ngăn ngừa ung thư; chất béo lành mạnh ngăn ngừa bệnh tim; chất xơ ngăn ngừa bệnh tiểu đường và các bệnh về tiêu hóa; và các hợp chất hoá học thực vật/phytochemicals tạo nên màu sắc, mùi vị và nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Tuy nói là siêu thực phẩm, nhưng thực ra đó là những thực phẩm thường thấy trong bữa ăn của người Việt như rau quả, trái cây, cá, sữa, trà xanh v.v… Ở phương Tây, trái việt quất/blueberries luôn đứng đầu trong danh sách siêu thực phẩm vì loại trái này giàu chất dinh dưỡng, nhiều chất chống oxy hóa, ít calo, nhiều chất xơ, và rất phong phú vitamin B6, vitamin C, vitamin K, folate, kali, đồng và mangan. Ở phương Đông, rau cải thuộc họ Cải bắp/Brassica như cải xanh, cải thìa, cải bắp, bông cải xanh, cải ngọt, cải làn và các loại rau có màu lục đậm như bó xôi/spinach, rau dền, rau cần ta cũng có chứa nhiều vitamin A, C và K, chất xơ, canxi và các khoáng chất khác. Ở Việt Nam, rau muống là một siêu thực phẩm vì chứa ít calo, nhiều chất xơ, calcium và giàu vitamin A, vitamin B1, B2, B6, và vitamin C. Tuy nhiên trái Gấc mới chính là siêu sao trong nhóm siêu thực phẩm. Hàm lượng Lycopene và vitamin A/beta-carotene trong gấc cao hơn nhiều so với các loại trái cây & rau quả khác.

Khoai lang, bí ngô, bí xanh/Japanese kabocha, đậu và ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt cũng nằm trong danh sách siêu thực phẩm.

Cá hồi, cá mòi, cá thu và một số loại cá béo khác rất giàu axit béo omega-3, được cho là có tác dụng giảm nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ. Tuy nhiên vì trong cá thường có chứa thủy ngân, nên hãy cẩn thận tránh ăn cá thường xuyên và tránh những loại cá có hàm lượng thuỷ ngân cao. Nghiên cứu cho thấy một số loại cá to như cá mập, cá kiếm/ swordfish, cá thu có chứa hàm lượng thủy ngân nhiều hơn so với các loại cá nhỏ như cá mòi, cá cơm.

Trái Việt quất/blueberries và nông trại trồng Việt Quất tại bang NSW, Úc

Ở các thị trường Mỹ, EU, Nhật, Canada, Úc gần đây có thêm trong danh sách siêu thực phẩm một loại “trái cây lạ nước ngoài của năm/exotic fruit of the year” để chỉ các loại trái cây nhiệt đới như xoài, ổi, thanh long, chôm chôm, sầu riêng hoặc trái lựu. Những loại trái cây lạ nước ngoài này tốt cho sức khỏe, nhưng cũng tương đương như các loại trái cây “ít lạ” của phương Tây như trái việt quất, hoặc nhóm trái mọng/berries có chứa một số loại chất dinh dưỡng đặc biệt. Ví dụ trái lựu có chứa ellagitannin (axit ellagic) có đặc tính chống ung thư thì trái mâm xôi đỏ/red raspberries cũng có chứa axit ellagic.

Thị trường nhập khẩu siêu thực phẩm thế giới trong 10 năm qua đã tăng trưởng khoảng gần 7%/năm, trong đó Mỹ, Trung Quốc và Đức là ba thị trường lớn nhất thế giới. Mỹ có kim ngạch nhập khẩu các loại trái cây siêu thực phẩm lớn nhất thế giới với khoảng 16,4 tỷ USD vào năm 2019, trong đó Việt Nam đứng thứ 6 với sản phẩm trái cây lạ nước ngoài của năm như xoài, ổi và các loại trái cây nhiệt đới khác với kim ngạch 886,5 triệu USD, chiếm 5,5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu trái cây của Mỹ vào năm 2019. Trung Quốc có kim ngạch nhập khẩu trái cây siêu thực phẩm lớn thứ hai thế giới với khoảng 9,5 tỷ USD vào năm 2019 gồm các mặt hàng tươi như sầu riêng (1,6 tỷ USD); trái cherry (1,4 tỷ USD); chuối (1,1 tỷ USD), xoài (790 triệu USD); nho (640 triệu USD); trái kiwi (450 triệu USD); nhãn (420 triệu USD); cam (400 triệu USD); và trái thanh long (360 triệu USD). Thái Lan, Chile, Philippines, Việt Nam, New Zealand, Úc, Peru, Ecuador, Nam Phi và Mỹ là 10 nước TQ nhập khẩu trái cây siêu thực phẩm nhiều nhất.

Thực phẩm chức năng/functional foods là loại thực phẩm được người Nhật đề cập đầu tiên vào những năm 80s để chỉ những thực phẩm chế biến có chứa thành phần có thể không nhiều giá trị dinh dưỡng như siêu thực phẩm nhưng giúp nâng cao sức khoẻ cho người sử dụng. Viện Khoa học và Đời sống Quốc tế ILSI (International Life Science Institute) cho rằng “thực phẩm chức năng là thực phẩm có lợi cho một hay nhiều hoạt động của cơ thể như cải thiện tình trạng sức khoẻ để giảm nguy cơ mắc bệnh hơn so với giá trị dinh dưỡng mà nó mang lại”. Thực phẩm chức năng do đó nằm ở vị trí giao thoa giữa thực phẩm và dược phẩm nên người ta còn gọi thực phẩm chức năng là thực-phẩm thuốc. Thực phẩm chức năng được chia thành nhiều nhóm, nhưng có 2 nhóm Việt Nam có lợi thế nhất. Đó là Carotenoids Probiotics. Carotenoids là thực phẩm chứa nhiều vitamin A dưới dạng beta-carotene. Nghiên cứu cho thấy thị trường Carotenoids ở Mỹ sẽ tăng từ 1,5 tỷ USD vào năm 2019 lên 2,0 tỷ USD vào năm 2026 do việc sử dụng carotenoids tự nhiên ngày càng tăng – ví dụ như trái gấc, trái chanh dây. Gấc rất phong phú Beta-carotene, Lycopene, vitamin C, vitamin E, kẽm có khả năng tăng cường hệ thống miễn dịch và cho thấy tác dụng tích cực đối với các bệnh ung thư, tim mạch, đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng. Lycopene có thể bảo vệ chống lại ung thư phổi, dạ dày và tuyến tiền liệt. Gấc chứa vitamin A/betacarotene cao gấp 54 lần so với cà rốt và sắc tố lycopene gấp 200 lần so với cà chua. Axit béo omega-3 và các hợp chất trong Gấc cũng có chức năng chống viêm. Chanh dây chứa nhiều chất xơ, Vitamin A, Vitamin C, Potassium và chất Sắt được dùng nhiều dưới dạng
nước giải khát.

Probiotics là thực phẩm có chứa men vi sinh có lợi cho sức khỏe. Khi ăn thực phẩm có chứa men vi sinh, men sẽ xâm nhập vào ruột, giúp hệ vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh. Thực phẩm Probiotic bao gồm các sản phẩm sữa chua, một số loại phô mai và thực phẩm lên men, Kefir, kimchi, miso và dưa cải chua.

Kombucha là một probiotic gần đây được thế giới yêu chuộng. Kombucha là loại thức uống làm từ trà đen hoặc trà xanh lên men do một nhóm vi khuẩn và nấm men/yeast (SCOBY) thu72ng được gọi là . Kombucha có thị trường thế giới khoảng 1,67 tỷ USD, tăng trưởng 19.7%/năm, có thể lên đến 7,05 tỷ USD vào năm 2027. Việt Nam có thể sản xuất Kombucha bằng trà Shan tuyết cổ thụ vì có hàm lượng chất xơ, catechins và tannin cao, rất thích hợp để sản xuất dòng sản phẩm Kombucha chất lượng cao độc đáo này.

Kombucha được làm từ trà đen hoặc trà xanh lên men bằng con men COBY (trái) và sản phẩm Kombucha đủ loại bán ở thị trường (phải)

Như vậy sau đại dịch Covid-19, việc phổ biến các loại siêu thực phẩm và thực phẩm chức năng không những kiện toàn cho bữa ăn Việt, mà còn giúp Việt Nam tham gia vào thị trường xuất khẩu thế giới vì để có siêu thực phẩm như gấc, chanh dây, xoài, mít, trà xanh, kombucha hoặc các loại thực phẩm chức năng phổ biến khác có mặt ở quầy hàng quanh năm, hầu như tất cả các nước phát triển trên thế giới đều phải nhập khẩu, ít nhất là một giai đoạn nào đó trong năm.

Thị trường thực phẩm chức năng có trị giá khoảng 300 tỷ USD vào năm 2017, và sẽ tăng trưởng lên đến 440 tỷ USD vào năm 2022 trong đó thị trường Hoa Kỳ chiếm 35%, EU chiếm 32%, và Nhật Bản chiếm 25%.

Để tăng kim ngạch xuất khẩu các loại siêu thực phẩm và thực phẩm chức năng nói trên, Việt Nam cần phải nghiêm chỉnh áp dụng không những quy trình sản xuất nông nghiệp tốt GAP như VietGAP, GlobalGAP, mà còn phải tuân thủ quy trình sản xuất chế biến tốt GPP và các quy định quốc tế khác như Trách nhiêm xã hội CSR, FairTrade.

Thời kỳ sau đại dịch Covid-19, an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ là yêu cầu bắt buộc của bất kỳ thị trường nhập khẩu nào trên thế giới. Không có ngoại lệ!

Bài học 3. Phát triển ngành thực phẩm chế biến

Đại dịch Covid-19 đã cho thấy chuỗi cung ứng thực-phẩm-tươi chỉ đáp ứng yêu cầu địa phương trong khi chuỗi cung ứng thực-phẩm-chế-biến đáp ứng tốt hơn yêu cầu quốc gia, quốc tế. Do vậy sau đại dịch Covid-19 ngành thực phẩm chế biến sẽ có tăng trưởng lớn.

Theo báo cáo của Global Food Processing Market ngành thực phẩm chế biến sẽ tăng trưởng đột biến, lên đến 4.100 tỷ USD vào năm 2024. Nguyên nhân là do giới tiêu thụ thay đổi nhận thức sau đại dịch nên thay đổi lối sống trong đó có cách ăn uống; gia tăng số lượng các gia đình hạt nhân (gia đình chỉ có 2 thế hệ: cha mẹ và con cái); và phụ nữ đi làm. Những tiến bộ về công nghệ chế biến cũng góp phần cho sự tăng trưởng của ngành thực phẩm chế biến.

Báo cáo còn cho rằng phân khúc trái cây & rau quả chế biến sẽ có mức tăng trưởng cao nhất do xu hướng giới tiêu dùng thời kỳ sau đại dịch Covid-19 thích dùng thực phẩm chay, và bổ xung các loại siêu thực phẩm và thực phẩm chức năng.

Quy mô thị trường trái cây & rau quả chế biến thế giới có trị giá hơn 245 tỷ USD trong năm 2018, tăng trưởng trên 6,5% mỗi năm, và dự kiến sẽ đạt khoảng 392 tỷ USD vào năm 2025 (https://www.gminsights.com/industry-analysis/processed-fruits-andvegetables-market).

Chanh dây/Passion fruit dạng đông lạnh/frozen với dung lượng 450g/bịch bán tại siêu thị Costco, tp Sydney, Úc.

Sản phẩm trái cây & rau quả khô/Dried and dehydrated fruits and vegetables cũng sẽ tăng trưởng nhanh. Trái cây & rau quả khô giúp tăng cường lượng chất xơ và chất dinh dưỡng và đảm bảo cung cấp chất chống oxy hóa một cách hợp lý. Các sản phẩm khô có thể sẽ được chọn làm bữa ăn sáng hoặc bữa ăn nhẹ cho những người tiêu dùng đang tìm kiếm bổ xung thức ăn siêu thực phẩm.

Việt Nam rất có lợi thế về chế biến trái cây & rau quả, đặc biệt các loại trái cây nhiệt đới như sầu riêng, mít, xoài, ổi, dứa/khóm, đu đủ, gấc, chanh dây. Tuy có lợi thế trong sản xuất nhưng Việt Nam cần phải chú trọng hơn về việc áp dụng các quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, chế biến tốt. Vụ pâté Minh Chay nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum gây ngộ độc cho nhiều người vào tháng 7, 8 năm 2020 đã tạo ra cuộc khủng hoảng không những về an toàn thực phẩm mà còn về công nghệ & máy móc chế biến, chuỗi cung ứng, và uy tín của ngành thực phẩm Việt Nam.

Bài học 4. Kiện toàn chuỗi cung ứng thực phẩm

Đại dịch Covid-19 là một trong những nguyên nhân để thế giới nhận thức được rằng chuỗi cung ứng thực phẩm & dược phẩm đã quá phụ thuộc vào Trung Quốc. Tuy chính phủ Mỹ, Nhật đã có các gói hỗ trợ tài chính khuyến khích công ty nào của họ muốn dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc. Nhưng theo khảo sát của công ty tư vấn Gartner, Inc. (Mỹ) vào tháng 2 năm 2020, thì chỉ mới có 33% công ty đã chuyển nguồn cung ứng và sản xuất ra khỏi Trung Quốc hoặc có kế hoạch làm như vậy trong hai, ba năm tới. Lý do là vì xây dựng chuỗi cung ứng không hề dễ, trái lại vô cùng phức tạp. Chưa nói trong nhiều thập niên qua, Trung Quốc đã cố gắng xây dựng tốt chuỗi cung ứng hàng chất lượng cao với giá thành thấp cho các sản phẩm công nghiệp, dược phẩm, và thực phẩm. Đồng thời vì Trung Quốc cũng trở thành một thị trường tiêu thụ lớn nên thích hợp với chủ trương “gần với khách hàng hơn/closer to the customer” của các đại công ty.

Cho nên nếu Việt Nam muốn trám một số trong chuỗi cung ứng nông sản & thực phẩm thế giới – ví dụ chuỗi cung ứng trái cây & rau quả tươi – thì Việt Nam cần phải chú ý làm tốt 7 vấn đề sau:

4.1.Vấn đề chất lượng thực phẩm/Food quality issues

Thời kỳ sau đại dịch Covid-19, chất lượng thực phẩm – gồm an toàn vệ sinh và chất lượng thực phẩm – là yếu tố quan trọng nhất trong chuỗi cung ứng trái cây & rau quả tươi vì chúng liên quan trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu thụ. Vì chuỗi cung ứng thực-phẩm-tươi cung cấp mặt hàng tươi & an toàn vệ sinh kịp thời và đúng chất lượng cho khách hàng nên chất lượng cao sẽ là yếu tố hàng đầu làm giới tiêu thụ yêu thích. Ở Việt Nam, ngoài các tiêu chuẩn VietGAP, GlobaGAP về an toàn vệ sinh, cần bổ sung thêm các tiêu chuẩn khác về chất lượng sản phẩm/quality standards để đáp ứng yêu cầu quốc tế. Tiêu chuẩn an toàn vệ sinh kém, chất lượng xuống cấp nhanh. Tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm cao hàng Việt Nam có giá trị độc đáo trên trường quốc tế.

4.2.Vấn đề quản lý sau thu hoạch/Postharvest handling issues

Sau khi thu hoạch trái cây & rau quả tươi, cần phải áp dụng các phương pháp xử lý sau thu hoạch để duy trì độ tươi được lâu, tránh hư thối. Nông dân Việt Nam sản xuất nhỏ lẻ nên hầu như không có kỹ thuật hay máy móc nào dành cho sản phẩm sau thu hoạch nên đã gây tổn thất lớn. Nhiều báo cáo cho biết Việt Nam đã mất khoảng 10-30% sản lượng nông sản vì đã không xử lý sau thu hoạch.

4.3.Vấn đề bao bì, đóng gói/Packaging issues

Đối với hàng hóa tươi như trái cây & rau quả, cần phải có bao bì thích hợp để duy trì chất lượng và bảo quản được lâu. Tuy chi phí vật liệu bao bì & đóng gói sẽ nâng giá thành, gây khó khăn trong việc cạnh tranh giá bán, nhưng mất chất lượng và hư thối nhanh còn làm cho nông dân thiệt hại nhiều hơn.

4.4. Vấn đề quản lý chuỗi lạnh/Cold Chain Management issues

Việt Nam thuộc vùng nhiệt đới, nóng ẩm quanh năm, thực phẩm tươi dễ bị hư thối nên cần dây chuyền lạnh để bảo quản. Dây chuyền lạnh gồm kho lạnh ở vùng nguyên liệu, hệ thống lạnh cho xe hàng, kho lạnh nơi tập kết & phân phối, và cuối cùng là hệ thống lạnh ở cửa hàng bán lẻ. Thiếu một trong dây chuyền lạnh nói trên, hoặc năng lực dây chuyền lạnh không đủ cũng sẽ gây khó khăn trong việc kinh doanh vì chất lượng giảm, hư hỏng tăng.

4.5. Vấn đề Cơ sở hạ tầng/ Infrastructure issues

Cơ sở hạ tầng đóng một vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng thực phẩm tươi. Cơ sở hạ tầng phù hợp và đầy đủ giúp nông dân sản xuất tốt, giao hàng đúng hẹn, và bảo đảm hàng chất lượng cao. Cơ sở hạ tầng ở Việt Nam, đặc biệt đường nội đồng ở ĐBSCL còn quá thô và chật hẹp nên phần lớn nông sản phải đóng trong cần xé, và thồ bằng xe máy hoặc các phương tiện thô sơ khác làm nông sản bị dập nát, là trở ngại chính của chuỗi cung ứng, dẫn đến thất thoát cao. Cần chú ý ĐBSCL là nơi cung cấp 90% lượng xuất khẩu gạo; hơn 60% xuất khẩu trái cây; 87% sản lượng cá tra/basa; và gần 100% xuất khẩu tôm của cả nước.

4.6.Vấn đề vận chuyển/Transportation issues

Giao thông vận tải tiện lợi, thông thoáng giúp hàng hóa được giao cho khách hàng đúng thời hạn, đúng chất lượng, với giá cạnh tranh. Giao thông vận tải còn đóng vai trò quan trọng hơn cho chuỗi cung ứng thực-phẩm-tươi như trái cây & rau quả vì thời hạn sử dụng ngắn, dễ hư thối. Thách thức về giao thông vận tải ở Việt Nam rất lớn vì hệ thống giao thông chưa rộng khắp và chất lượng đường xá chưa tốt, đặc biệt ở các tỉnh ĐBSCL là nơi xuất khẩu các mặt hàng nông sản quan trọng như gạo, trái cây, tôm, cá. Ví dụ vận chuyển nông sản từ Cần Thơ lên TP HCM với khoảng đường chỉ 100-130 cây số mà đã mất đến 3-4 giờ và đi qua rất nhiều trạm thu phí BOT. Trong xuất khẩu phí vận chuyển lại càng đắt đỏ hơn. Thực tế cho thấy phí vận chuyển vải thiều tươi từ Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang sang thành phố Sydney, Úc vào thời điểm năm 2016 đã chiếm đến 57% của giá vốn 192.000 VND/kg (tương đương khoảng 11,5 đô la Úc/kg), trong khi giá bán vải thiều của Úc ở chợ vào chính vụ chỉ với 8 đôla Úc/kg.

4.7.Vấn đề về Kiến thức và Nhận thức của nông dân/Grower’s Knowledge and
Awareness

Nông dân Việt Nam có kiến thức cao trong việc áp dụng các công nghệ, kỹ thuật mới để sản xuất các loại cây, con cho năng suất cao. Nhưng nông dân Việt Nam có vẻ như có nhận thức không cao về trách nhiệm an toàn vệ sinh thực phẩm cho những bước tiếp theo trong chuỗi cung ứng như xử lý sau thu hoạch, bao bì, bảo quản, giao thông, và chất lượng tại bàn ăn. Nếu không có kiến thức đúng trong sản xuất và trình độ nhận thức cao về chuỗi cung ứng, thì ngành nông nghiệp & thực phẩm Việt Nam khó có thể chiếm chỗ đứng trong thị trường thế giới, vì sau đại dịch Covid-19, tuy giới tiêu thụ rất quan tâm đến an toàn vệ sinh và chất lượng nông sản & thực phẩm, nhưng giá bán hợp lý, rẻ cũng là một yếu tố không kém phần quan trọng.

Làm tốt chuỗi cung ứng nông sản & thực phẩm bằng cách cải thiện đường nội đồng; xây dựng hệ thống giao thông tiện lợi để giảm phí vận chuyển; nâng cao tay nghề và nhận thức trách nhiệm của nông dân sẽ lôi cuốn nhiều nhà đầu tư tìm về nông thôn xây dựng cơ sở chế biến nông sản & thực phẩm. Việc làm này vừa giải quyết việc tiêu thụ toàn bộ nông sản, vừa cung cấp công ăn việc làm cho nông thôn, mà lại vừa giảm thiểu được làn sóng người trẻ di dân lên thành phố tìm việc.

Tất cả những động thái nói trên thực ra chính là xây dựng một nền nông nghiệp bền vững
cho nông thôn và nông dân Việt Nam vào thời kỳ sau đại dịch Covid-19.