Tuyển sinh đại học, cao đẳng 2008: Tỉ lệ “chọi”

Bộ GD-ĐT đã công bố số lượng hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) vào các trường ĐH, CĐ năm 2008. Không ít trường ĐH công bố số lượng ĐKDT cụ thể theo từng ngành, từng khối thi giúp TS dễ dàng tính ra tỉ lệ “chọi” – tỉ lệ giữa hồ sơ ĐKDT và chỉ tiêu tuyển sinh.

Có những ngành học, tỉ lệ "chọi" lên tới… 1/59. Những trường có tỉ lệ chọi ở mức 1/20-30 không phải là hiếm. Trong cùng một trường nhưng có ngành tỉ lệ chọi cao gấp mấy lần những ngành khác… Nhiều TS bày tỏ sự dè dặt trước những trường có tỉ lệ "chọi" cao.

"Chọi" cao cũng không đáng sợ

Tuy nhiên, theo nhiều cán bộ làm tuyển sinh, tỉ lệ "chọi" hầu như mới được tính trên số liệu thô của hồ sơ ĐKDT. Con số này còn thay đổi nhiều và đều theo chiều hướng giảm đi: số TS sẽ không đủ điều kiện dự thi do không vượt qua kỳ thi tốt nghiệp, số hồ sơ "ảo" do một TS nộp nhiều hồ sơ, TS dự thi hai khối…

Ông Nguyễn Hòa, hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho biết chỉ riêng trong số hồ sơ ĐKDT vào khối D của ĐH Quốc gia Hà Nội năm nay, sau khi sàng lọc, hội đồng tuyển sinh đã thống kê được thật ra chỉ có hơn 9.000 TS trong khi số hồ sơ ĐKDT là hơn 11.000. Trường đã lọc được khoảng 2.000 hồ sơ "ảo" do TS nộp vào những ngành khác nhau trong cùng ĐH Quốc gia Hà Nội. Đây cũng là tình trạng phổ biến ở những trường đa ngành, nhiều khối thi và tuyển sinh theo ngành.

Năm nay có 95 trường ĐH, CĐ không tổ chức thi mà dựa vào kết quả thi ĐH theo đề chung của Bộ GD-ĐT để xét tuyển. Trong đó có 38 trường ĐH và 57 trường CĐ. Số lượng hồ sơ của những TS có nguyện vọng học (NV1) tại 95 trường ĐH, CĐ không tổ chức thi hoặc hệ CĐ của các trường ĐH (đã ĐKDT "nhờ" ở một trường ĐH khác) là 146.144, chiếm tỉ lệ 6,66% tổng số hồ sơ ĐKDT năm 2008. Trong đó có 84.179 hồ sơ ĐKDT vào các trường ĐH và 61.965 hồ sơ ĐKDT CĐ.

Như vậy, chỉ trong phạm vi cùng một hội đồng tuyển sinh, sau khi lọc hồ sơ "ảo", tỉ lệ "chọi" đã thay đổi. Nếu xét tổng thể 2,2 triệu hồ sơ ĐKDT của khoảng 1 triệu TS năm nay, khi lọc bớt hồ sơ "ảo" và giảm bớt số TS không đậu tốt nghiệp, đến ngày thi tỉ lệ "chọi" của các trường, ngành sẽ có sự thay đổi ở những mức độ khác nhau, có thể khác rất nhiều so với thông tin ban đầu.

Một yếu tố quan trọng nữa TS nên lưu ý, theo ông Đỗ Thanh Duy – chuyên viên của Vụ Giáo dục ĐH, tỉ lệ "chọi" cao hay thấp phụ thuộc rất nhiều vào chỉ tiêu tuyển sinh của trường/ngành đó. Có nhiều trường mới nhìn vào thấy tỉ lệ "chọi" lên tới 1/30-35, nhưng thật ra con số tuyệt đối hồ sơ ĐKDT không cao, tại chỉ tiêu của trường, ngành đó quá khiêm tốn. Trong khi đó, một vài trường có hàng chục ngàn hồ sơ ĐKDT nhưng tỉ lệ "chọi" chỉ là 1/3-4 vì chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 3.000-4.000 SV.

"Năm nay với số lượng hơn 90 trường ĐH, CĐ không tổ chức thi, số lượng hồ sơ ĐKDT ở nhiều trường còn tăng do TS dự thi nhờ. Những TS này chỉ dự thi để lấy kết quả xét tuyển vào một trường khác không tổ chức thi nên không nằm trong diện tính tỉ lệ chọi" – ông Nguyễn Văn Vọng, phó phòng đào tạo Viện ĐH Mở Hà Nội, nói. Một số trường khi công bố số lượng hồ sơ ĐKDT cũng chưa tách riêng số hồ sơ này trong khi số hồ sơ thi nhờ lên tới hàng ngàn. Vì thế, tỉ lệ hồ sơ/chỉ tiêu của những trường được TS mượn thi nhờ sẽ ở tình trạng "thấy vậy mà không phải vậy".

Không nên chọn trường theo tỉ lệ "chọi"?

Với việc có thể nộp vài ba hồ sơ vào các trường, thậm chí các ngành khác nhau trong cùng một trường, nhiều TS có tâm lý nộp nhiều hồ sơ, chờ công bố số lượng, biết tỉ lệ "chọi" để né trường "chọi" cao, chọn trường "chọi" ít.

Theo ông Ngô Kim Khôi (Bộ GD-ĐT), tỉ lệ "chọi" là một thông tin tham khảo, không nên coi đó là yếu tố mang tính quyết định trong việc chọn trường để dự thi. Ông Khôi phân tích: Thi "ba chung" đã được áp dụng nhiều năm, các trường cũng đã có sự phân tầng chất lượng, phân hóa về điểm chuẩn khá rõ và tương đối ổn định tương ứng với chất lượng "đầu vào", tức là trình độ, năng lực của TS. Chính vì vậy mức độ cạnh tranh, khả năng trúng tuyển vào phần lớn các trường ĐH, CĐ không phụ thuộc nhiều vào số lượng dự thi nhiều hay ít.

Ví dụ như đối với Trường ĐH Dược và ĐH Y Hà Nội, tỉ lệ "chọi" không cao bằng nhiều trường khác nhưng điểm chuẩn thì luôn cao nhất khối A và khối B. Các trường như ĐH Ngoại thương, ĐH Xây dựng, ĐH Bách khoa Hà Nội… có tỉ lệ "chọi" chỉ là 1/3-4 nhưng điểm chuẩn năm nào cũng thuộc tốp đầu, trong khi nhiều trường có tỉ lệ "chọi" đến 1/20-25 nhưng điểm trúng tuyển vẫn chỉ ở mức 15-16 điểm – ông Khôi cho biết.

Ông Khôi tư vấn: "Để quyết định chọn trường hay ngành dự thi, TS nên căn cứ đồng thời trên nhiều yếu tố. Trong đó quan trọng nhất không phải là tỉ lệ chọi hay điểm chuẩn năm trước. Đó phải là năng lực, trình độ của chính mỗi TS. Sau đó đến nguyện vọng nghề nghiệp của TS, có cân nhắc đến sở trường của cá nhân, cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp, không nên quá lệ thuộc vào tỉ lệ chọi để chọn trường, ngành dự thi".