Nghiệm thu đề tài nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ nuôi thương phẩm tôm Rằn tại TT. Huế.

Chiều ngày 02.12, trường ĐHNL Huế đã tổ chức nghiệm thu kết quả nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ nuôi thương phẩm tôm Rằn (Penaeus semisulcatus de Haan, 1850) tại Thừa Thiên Huế. Tham dự có lãnh đạo trường ĐHNL, cùng các thầy cô tham gia thực hiện đề tài trong thời gian từ 2008-2009.
Đề tài "Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ nuôi thương phẩm tôm Rằn (Penaeus semisulcatus de Haan, 1850) tại Thừa Thiên Huế", do TS.Tôn Thất Chất- Phó trưởng Khoa Thủy sản chủ nhiệm đề tài, cùng nhóm nghiên cứu, gồm: KS.Nguyễn Tý, KS.Hà Thị Xuân Tân, Ths.Phan Thế Hữu Tố, Ths.Ngô Văn Bình và GS.TS Nguyễn Văn Chung, được thực hiện từ năm 2008 – 2009. Địa điểm nghiên cứu tại xã Hương Phong (huyện Hương Trà) và thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang).

Mục tiêu của đề tài là: Trên cơ sở nghiên cứu điều kiện môi trường, mật độ, chất đáy, dinh dưỡng, cải tạo ao, dịch bệnh…để xây dựng quy trình công nghệ nuôi bán thâm canh và quảng canh cải tiến tôm Rằn ở Thừa Thiên Huế, tiến đến nhân rộng, phổ biến quy trình nuôi thương phẩm tôm Rằn phù hợp với điều kiện sinh thái khu vực ven biển miền Trung, góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam.

Đề tài đã mang lại kết quả hết sức khả quan, như: mật độ nuôi lên tăng trưởng và tỷ lệ sống của tôm Rằn trong nuôi bán thâm canh; kết quả ảnh hưởng của chất đáy (ở hồ nuôi) lên tăng trưởng và tỷ lệ sống của tôm Rằn trong nuôi bán thâm canh; ảnh hưởng của độ mặn lên sự tăng trưởng và tỷ lệ sống; kết quả nghiên cứu ảnh hưởng của các công thức thức ăn khác nhau lên sự tăng trưởng và tỷ lệ sống; xây dựng qui trình nuôi quảng canh cải tiến tôm Rằn. Bên cạnh đó, đề tài đã đưa ra một số kết luận như: Trong nuôi bán thâm canh tôm Rằn: Ao có mật độ nuôi 15 con/m2 cho tăng trưởng và tỷ lệ sống cao nhất đạt 890 kg/ha/vụ nhưng ở mật độ 25 con/m2 cho năng suất cao nhất đạt 1.240kg/ha/vụ; ao có chất đáy bùn- cát cho tốc độ tăng trưởng, tỷ lệ sống và hiệu quả cao nhất; mức độ mặn > 25‰ cho tăng trưởng chiều dài và khối lượng cao nhất; quy trình cải tạo sinh học cho tăng trưởng, tỷ lệ sống và hiệu quả lớn hơn so với quy trình cải tạo truyền thống. Đối với nuôi quảng canh cải tiến tôm Rằn: Tôm Rằn nên được nuôi quảng canh cải tiến với mật độ 10 con/m2 để gia tăng lợi nhuận; loại hình ao đất tuy cho tăng trưởng thấp hơn so chắn đăng nhưng tỷ lệ sống của ao đất (75%) cao hơn chắn đăng (66%).

Đề tài đã được Hội đồng đánh giá cao, đáp ứng được nhu cầu cần thiết của người nuôi tôm, đặc biệt đảm bảo tính khoa học và thực tiễn cao, góp phần đa dạng hóa nông nghiệp nông thôn…