Công khai cam kết chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng năm học 2010-2011: Khoa Chăn nuôi Thú y – Ngành Chăn nuôi – Thú y

Ngành Chăn nuôi – Thú y

1. Kiến thức

– Có hiểu biết về các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin; đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam; Tư tưởng Hồ Chí Minh; Có các kiến thức cơ bản trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn phù hợp với chuyên ngành được đào tạo; Có sức khỏe, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

– Có kiến thức cơ bản về toán, lý, hóa, và đặc biệt là kiến thức về sinh học có liên quan đến “các nguyên lý sinh học của các kỹ thuật và công nghệ chăn nuôi thú y” để đáp ứng việc tiếp thu các kiến thức cơ sở và chuyên ngành và khả năng học tập ở trình độ cao hơn.

– Có trình độ B tin học và sử dụng được một số phần mềm máy tính thông dụng cho chuyên ngành

– Có trình độ Anh văn B, hoặc IELTS: 4,0; TOEFL, 350 ; TOEIC, 300

– Có kiến thức sâu hơn về các nguyên lý sinh học của các kỹ thuật và công nghệ chăn nuôi, thú y thể hiện trong các kiến thức của các môn cơ sở như sinh lý, sinh hóa, di truyền chọn giống, dinh dưỡng gia súc, thú y học và các môn học cơ sở khác.

– Am hiểu sâu sắc khối kiến thức chuyên ngành như: chăn nuôi gia súc nhai lại (trâu bò dê cừu) chăn nuôi gia súc dạ dày đơn như lợn, gia cầm và kiến thức thú y liên quan đến các bệnh của từng nhóm gia súc kể trên. Kiến thức của các môn học ngoài ngành quan trọng khác như: kinh tế nông nghiệp, khuyến nông và phát triển nông thôn cũng được trang bị.

2. Kỹ năng

– Được trang bị kỹ năng nghề nghiệp về xây dựng chương trình phát triển chăn nuôi, thực hành tốt các kỹ năng nghề nghiệp thuộc kỹ thuật và công nghệ chăn nuôi thú y với ba nhóm kỹ năng chính là giống, thức ăn và thú y để thực hiện tốt các quy trình chăn nuôi và kiểm soát bệnh tật ở cơ sở sản xuất.

– Có khả năng nghiên cứu, chọn lựa và chuyển giao các kỹ thuật và công nghệ ngành chăn nuôi thú y vào sản xuất và biết tìm các giải pháp kỹ thuật và công nghệ phù hợp cho những cơ sở chăn nuôi có quy mô và trình độ khác nhau.

– Được trang bị những kỹ năng về tổ chức quản lý điều hành một đơn vị sản xuất (trang trại nhỏ lẻ, doanh nghiệp) với các kỹ năng then chốt về quản lý và điều hành công tác giống, dinh dưỡng thức ăn và thú y.

– Được trang bị các kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm nhằm tiếp cận dễ dàng với các đối tượng phục vụ và phát huy được sự đóng góp của những người cùng làm việc để đạt hiệu quả công tác tốt nhất có thể.

– Có khả năng phát hiện và giải quyết vấn đề nảy sinh trong sản xuất (kỹ năng sử lý tình huống), biết phát hiện những vấn đề kỹ thuật, quản lý nảy sinh trong sản xuất và đưa ra các giải pháp kịp thời nhằm giải quyết các tình huống cụ thể trong sản xuất, cũng như đưa ra được những giải pháp chiến lược nhằm giải quyết tận gốc ảnh hưởng của những vấn đề nảy sinh trong công tác chuyên môn và các mối quan hệ xã hội có liên quan đến hiệu quả sản xuất.

3. Thái độ, hành vi

– Yêu ngành chăn nuôi thú y, có tính hòa đồng, kiên nhẫn, năng động và sáng tạo. biết khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.

– Có ý thức trách nhiệm công dân, có thái độ và đạo đức nghề nghiệp đúng đắn, sẵn sàng nhận nhiệm vụ.

– Có phương pháp làm việc khoa học, vừa biết độc lập tác chiến trong lao động nghề nghiệp vừa biết xâm nhập thực tế để hiểu biết sâu sắc hoàn cảnh của cơ sở sản xuất nhằm khai thác các tiềm năng của đơn vị phục vụ cho hiệu quả sản xuất tốt nhất có thể.

4. Vị trí công tác và khả năng làm việc sau khi tốt nghiệp

– Sau khi ra trường sinh viên có khả năng xin việc làm ở ba dạng tổ chức và xí nghiệp chính sau: làm việc tại các Cơ quan quản lý và chỉ đạo sản xuất nông nghiệp (sở ban ngành quản lý nhà nước về chăn nuôi thú y và nông nghiệp; Các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh chăn nuôi và nông nghiệp nói chung; Các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, trường dạy nghề; Tổ chức chính phủ và phi chính phủ có liên quan đến quản lý nông nghiệp và chuyển giao kỹ thuật và công nghệ; và các ban ngành hữu quan khác cần kỹ sư chăn nuôi thú y.

5. Khả năng học tập và nâng cao trình độ sau khi tốt nghiệp

– Có khả năng tiếp tục học tập, nghiên cứu ở các trình độ sau đại học ở các cấp bậc thạc sỹ, tiến sỹ trong và ngoài nước.

– Có khả năng tự học nâng cao trình độ dựa trên các kiến thức và kỹ năng đã được trang bị trong thời gian học tập ở nhà trường nhằm đảm nhận tốt những nhiệm vụ về quản lý và chuyên môn nghiệp vụ.