SV được lợi gì ở “chuẩn đầu ra”?

Ngoài bằng cấp chuyên môn, sinh viên (SV) phải giỏi tiếng Anh, vi tính, có khả năng thích ứng môi trường mới, thậm chí phải biết… lái xe hơi! Đó là “chuẩn đầu ra” khá ngắn gọn của một tập đoàn đa quốc gia về lĩnh vực nông lâm.

Một trong những yêu cầu của "chuẩn đầu ra" với SV là phải nắm vững kiến thức chuyên môn, thành thạo tay nghề – Ảnh: Mỹ Quyên

Ai xây dựng chuẩn?

Không ai khác chính là các trường phải căn cứ vào mục tiêu đào tạo của từng ngành nghề, yêu cầu của xã hội về ngành nghề đó để xây dựng chuẩn sao cho SV khi ra trường có thể đáp ứng yêu cầu công việc của thực tế. Tuy nhiên, muốn biết làm thế nào để đáp ứng đúng yêu cầu của thực tế, thì không ai khác, chính những doanh nghiệp sẽ là đơn vị nắm rõ nhất những tố chất cần có của một ứng viên. Do đó, vai trò của doanh nghiệp trong việc xây dựng "chuẩn đầu ra" cũng không thể thiếu.

Nhiều trường đang bắt tay vào xây dựng "chuẩn đầu ra" để cho kịp thời gian mà Bộ GD – ĐT đã quy định. Nhưng cái gọi là "chuẩn" này còn khá chung chung. Chẳng hạn, quy định về "chuẩn đầu ra" ngành kinh tế của một trường ĐH tại TP.HCM có một yêu cầu như sau: "Về kiến thức, SV tốt nghiệp có kiến thức về kinh tế và tri thức phát triển, am hiểu các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để giải quyết các vấn đề kinh tế phát sinh từ thực tế của ngành, địa phương và doanh nghiệp để ra các quyết định về mặt chính sách, định hướng và phát triển, hoạch định các giải pháp kinh tế cho các tổ chức đặt trong bối cảnh vi mô và vĩ mô mà nền kinh tế đang diễn ra".

  Ký kết hợp tác, lấy ý kiến của doanh nghiệp đóng góp vào chương trình đào tạo để việc đào tạo sát với thực tế hơn. Điều này cũng đồng nghĩa chuẩn đầu ra sẽ giúp SV nhanh chóng đáp ứng với thực tiễn khi ra trường.
 

PGS-TS Phạm Văn Năng

Tiếp theo là một số yêu cầu về kỹ năng, thái độ hành vi. Ở các ngành khác như: Quản trị kinh doanh, Tài chính – Ngân hàng, Kế toán – Kiểm toán… cũng có các quy định tương tự về kiến thức, kỹ năng, thái độ hành vi khá chung chung như thế.

Trong khi đó, điều mà nhà tuyển dụng cần ở một ứng viên sau khi tốt nghiệp là gì? Ông Đinh Xuân Sơn – Giám đốc phát triển kinh doanh Tập đoàn Monsanto, một doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực nông lâm hằng năm vẫn tuyển dụng khá nhiều SV mới tốt nghiệp của trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho biết: "Với vị trí nhân viên bình thường, chúng tôi yêu cầu ứng viên ngoài kiến thức chuyên môn, cần phải trải qua bài test tiếng Anh gồm 80 câu hỏi trong vòng 80 phút, yêu cầu trình độ TOEFL 550 điểm trở lên, với cấp quản lý thì cao hơn. Ứng viên cũng phải thành thạo vi tính, có khả năng di chuyển, hòa nhập… Nói thêm, chúng tôi sẽ ưu tiên cho ứng viên nào biết lái xe hơi! Vì khi vào làm việc ở công ty, chúng tôi sẽ cấp xe cho nhân viên để di chuyển, làm việc thuận lợi hơn". Thử hỏi có trường ĐH nào xây dựng "chuẩn đầu ra" mà yêu cầu SV phải đi học lấy bằng lái xe hơi? Nói vậy để thấy rằng, không có "chuẩn" nào sát với thực tế bằng những yêu cầu mà các nhà tuyển dụng đề ra tại công ty của họ, dù đó là những yêu cầu rất nhỏ và tưởng như không ăn nhập gì với chương trình đào tạo tại trường.

 

Để không phải đào tạo lại…

Ông Trần Hành – Hiệu trưởng trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai) cho biết để hình thành được chuẩn đầu ra, nhà trường đã dựa trên các yếu tố như: Nhà trường quản lý chặt chẽ lịch trình và đề cương bài giảng của giáo viên. Bên cạnh đó, trong 4 năm qua, trường đã đưa hàng nghìn SV tham gia chương trình "đưa SV đến với doanh nghiệp, nhà máy và đưa trường học đến khu chế xuất, khu công nghiệp". Nhà trường cũng tổ chức gặp gỡ Hiệp hội Doanh nghiệp của các nước châu Á, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Đồng Nai, trao đổi về công nghệ, tìm hiểu yêu cầu tiếp nhận nguồn nhân lực cũng như các tiêu chí đào tạo để SV khi ra trường bước vào môi trường doanh nghiệp sẽ biết làm ngay mà không phải đào tạo lại. Việc liên hệ thường xuyên với các doanh nghiệp cũng là yếu tố quan trọng giúp trường đưa ra cam kết chất lượng đào tạo với xã hội…

Thiên Long

 

Cần cam kết chất lượng

Như vậy, việc xây dựng "chuẩn đầu ra" xem ra khá phức tạp và có quá nhiều điểm cụ thể cần phải cam kết nằm ngoài khả năng của các trường. Bởi mỗi doanh nghiệp lại có những yêu cầu riêng, trong khi có cả ngàn SV, sau này ra trường sẽ làm việc tại hàng ngàn đơn vị, làm sao để xây dựng đủ "chuẩn" đáp ứng hàng trăm tiêu chí của các doanh nghiệp?

PGS-TS Phạm Văn Năng – Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế TP.HCM đưa ra giải pháp: "Khi xây dựng chuẩn cho từng ngành thì quy định hội đồng các khoa phải mời các doanh nghiệp của ngành nghề đó tới góp ý về tiêu chí, kỹ năng, ký kết hợp tác, lấy ý kiến của doanh nghiệp đóng góp vào chương trình đào tạo để việc đào tạo sát với thực tế hơn. Điều này cũng đồng nghĩa chuẩn đầu ra sẽ giúp SV nhanh chóng đáp ứng với thực tiễn khi ra trường". Thạc sĩ Trần Đình Lý – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ SV và quan hệ doanh nghiệp trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cũng cho hay: "Tiếng nói của doanh nghiệp đối với chương trình đào tạo của các trường rất quan trọng. Các doanh nghiệp tham gia đánh giá chất lượng đào tạo và đó chính là cơ sở để xây dựng chuẩn đầu ra phù hợp với SV của trường".

Cũng theo ông Năng, việc xây dựng chuẩn vẫn chỉ là bước đầu, trường nào cũng làm và có thể làm tốt được. Nhưng bước tiếp theo mới là quan trọng: làm sao để triển khai đúng chuẩn đã công bố? Thực tế, nhiều trường đang xây dựng chuẩn đầu ra chỉ để "trả bài" với những tiêu chí quá chung chung hoặc lại đòi hỏi quá cao, khó thực hiện được. Thạc sĩ Lê Đình Thông – Trưởng phòng Đào tạo trường CĐ Công nghệ thông tin TP.HCM thì nhấn mạnh: "Để cam kết với xã hội về việc đảm bảo chất lượng đầu ra, các trường phải làm nghiêm túc. Chủ trương này của Bộ giúp siết chặt việc đào tạo, không để các trường đào tạo một cách tùy tiện, qua loa, đại khái như một số nơi vẫn làm bấy lâu nay. Nếu đào tạo hời hợt, nhà tuyển dụng, xã hội sẽ không chấp nhận và nghiễm nhiên trường sẽ mất uy tín. Cả Bộ, nhà tuyển dụng và xã hội sẽ kiểm tra việc này".

Sẽ thuận lợi khi giao chỉ tiêu tuyển sinh

Nhận định về việc thực hiện "3 công khai" của các trường ĐH trong thời gian qua, ông Nguyễn Văn Ngữ – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ GD-ĐT) cho biết: một số trường đã có những cam kết về chất lượng, đã công bố chuẩn đầu ra cho các ngành nghề đào tạo. Tuy nhiên, có trường khi công khai chuẩn đầu ra vẫn chưa đảm bảo theo đúng yêu cầu của Bộ GD-ĐT.

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên thì nhiều trường còn "nợ" chuẩn đầu ra trong báo cáo "3 công khai" gửi về Bộ GD-ĐT. Đây là những trường tỏ ra rất cẩn trọng trong việc xây dựng và công bố "chuẩn đầu ra" vì với họ, đó là cam kết của nhà trường với người học, với nhà tuyển dụng.

Ông Hoàng Văn Châu – Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại thương cho biết: sớm nhất cũng phải sau tháng 1.2010, trường mới hoàn thành "chuẩn đầu ra". Trung tâm Đảm bảo chất lượng của trường đã bắt tay vào xây dựng "chuẩn đầu ra" từ đầu năm 2009. Tuy nhiên, để "chuẩn" có giá trị thực sự thì cần cả quy trình, từ bộ môn lên khoa, khoa lên trường. Trường phải kiểm định lại cho đúng với năng lực đào tạo…

Chưa kể mỗi chuyên ngành lại phải có một chuẩn riêng trong khi trường có rất nhiều chuyên ngành. Tương tự như vậy, Viện Đại học Mở Hà Nội đến thời điểm này cũng chưa công bố được "chuẩn đầu ra". Ông Phan Văn Quế, Phó viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội cho hay: "Chuẩn đầu ra của trường được tiến hành song song với việc kiểm định chất lượng đào tạo nên đến năm 2010 mới có thể xây dựng xong".

Ông Quế cho rằng, cái khó hiện nay là phải xây dựng "chuẩn" phù hợp với nhu cầu hiện tại của xã hội. Xã hội hiện đại với công nghệ thay đổi liên tục, do vậy đòi hỏi "đầu ra" cũng không được phép lạc hậu với yêu cầu của nhà tuyển dụng; với nhiều chuyên ngành đòi hỏi kỹ năng khác nhau thì "chuẩn" lại khác nhau.

Thực tế cho thấy, theo như công khai của các trường trên website thì vẫn chưa có sự thống nhất chung về các chuẩn. Ông Nguyễn Văn Ngữ cho hay: Bộ sẽ ban hành văn bản hướng dẫn xây dựng "chuẩn đầu ra" cho các ngành đào tạo. Đây sẽ là cơ sở giúp các trường xây dựng và công bố "chuẩn đầu ra" vào học kỳ 2 của năm học 2009-2010. Cũng theo ông Ngữ, công bố chuẩn đầu ra là một phần trong công khai cam kết chất lượng và chất lượng thực tế; việc công bố chuẩn đầu ra được xem như một lợi thế khi đề nghị tăng chỉ tiêu tuyển sinh năm học tới.

Tuệ Nguyễn