Phát triển nông nghiệp công nghệ cao: Bao giờ phổ biến đại trà?

KTNT – Từ cách sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, theo kinh nghiệm là chính, nông dân đã bắt đầu làm quen với nhà lưới, với hệ thống tưới nhỏ giọt và các biện pháp canh tác hiện đại. Không thể phủ nhận nỗ lực của ngành chức năng trong việc đưa các mô hình nông nghiệp công nghệ cao vào cuộc sống nhưng để có thể tạo được những vùng sản xuất rộng lớn, ứng dụng công nghệ tiên tiến vẫn là giấc mơ xa vời.

Trồng hoa lan theo hướng công nghệ cao ở Trung tâm Ứng dụng và chuyển giao công nghệ Phú Yên.

Bài 1: Nhìn từ những mô hình điểm

Tưng bừng lúc triển khai, “rùa bò” trong tiến độ thực hiện và kết thúc không có hậu dường như là cái kết chung của các mô hình nông nghiệp công nghệ cao (CNC) ở nước ta. Bên cạnh rất ít mô hình thành công, phần lớn các công trình tiền tỷ đều không mang lại kết quả như mong đợi…

Gây dựng…

Việt Nam có nền nông nghiệp đa dạng, phong phú bởi điều kiện tự nhiên thuận lợi. Tuy nhiên, những năm gần đây, diện tích đất canh tác có xu hướng giảm mạnh do bị chuyển đổi mục đích sử dụng. Trong khi đó, phương thức sản xuất của nông dân còn lạc hậu, nhỏ lẻ, manh mún. Do vậy, muốn phát triển ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, biện pháp tối ưu là áp dụng CNC.

Thời gian qua, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng một số khu nông nghiệp CNC. Nhiều địa phương cũng thành lập các mô hình nông nghiệp CNC và đã thu được một số kết quả khả quan. Trong đó, phải kể đến hiệu quả của mô hình 1.000ha hoa ở huyện Mê Linh (Hà Nội). Hiện, 3 xã Mê Linh, Tiền Phong, Tráng Việt đã hình thành vùng chuyên canh hoa cung cấp cho thị trường Hà Nội và nhiều địa phương lân cận. Các công nghệ mới gồm tạo giống tốt, nhà lưới, vườn ươm, kho mát bảo quản, đóng gói hoa trình độ cao đã được áp dụng.

Cùng với đó, Hà Nội còn triển khai nhiều mô hình sản xuất rau, hoa, quả, nuôi thủy sản ứng dụng CNC. Thành phố đã hình thành các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới có kết quả như: bò sữa (Phù Đổng – Gia Lâm), hoa cây cảnh (Từ Liêm – Tây Hồ), cam bưởi (Vân Canh – Từ Liêm), thuỷ sản (Đông Mỹ – Thanh Trì), rau an toàn tại Vĩnh Tuy, Lĩnh Nam (Hoàng Mai), Vân Nội (Đông Anh)… Đồng thời, thành phố cũng đang xây dựng các dự án nông nghiệp CNC như mô hình ở xã Nam Hồng (Đông Anh) với diện tích 30ha; Kim Sơn (Gia Lâm) 15ha; dự án hỗ trợ hạ tầng vùng nuôi thủy đặc sản chất lượng cao ở Đông Mỹ (Thanh Trì) 60 ha; dự án Trung tâm chẩn đoán và trị bệnh động vật của Chi cục Thú y Hà Nội vốn đầu tư 5,5 tỷ đồng…

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Đào Xuân Học, Bộ đã trình Thủ tướng những nội dung cơ bản về quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn Hà Nội đến năm 2020. Theo đó, sẽ chú trọng phát triển nông nghiệp sinh thái, ven đô, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa quanh đô thị, vành đai rau an toàn, hoa, cây ăn quả sạch, phát triển rừng và cây xanh phục vụ các đô thị, khu công nghiệp. Từng bước ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp, trước mắt tập trung vào khâu giống, công nghệ canh tác tiên tiến và các sản phẩm mũi nhọn, xây dựng các trung tâm nông nghiệp CNC.

Tại Hải Phòng, hiện có khoảng 8.000m2 nhà kính canh tác nông nghiệp CNC với tổng số vốn đầu tư trên 22,5 tỉ đồng, ngoài ra còn có 5.000m2 nhà lưới giản đơn và 12.000m2 canh tác ngoài trời. Ông Bùi Cảnh Đức, Phó giám đốc Trung tâm Giống và Phát triển nông – lâm nghiệp CNC thành phố Hải Phòng cho biết: “Trước đây, sản phẩm rau an toàn của đơn vị rất khó tiêu thụ do người tiêu dùng không có cơ sở để phân biệt đâu là sản phẩm an toàn, ngoài ra giá thành sản xuất rau an toàn cao hơn nhiều so với rau thường. Do vậy, Trung tâm đã tiến hành một số hoạt động nhằm đẩy mạnh khâu tiêu thụ sản phẩm như từng bước phân tích chất lượng rau để làm cơ sở đăng ký chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn; tổ chức một số điểm bán rau và ký hợp đồng cung ứng sản phẩm với nhiều doanh nghiệp và bếp ăn tập thể của trường học, doanh nghiệp tại các khu công nghiệp”.

Còn nhiều hạn chế

Năm 2004, khi dự án xây dựng khu trồng hoa hàng hóa tập trung tại hai xã Tây Tựu và Liên Mạc (Từ Liêm – Hà Nội) được phê duyệt, nhiều người khấp khởi hy vọng. Dự án do Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội (HADICO) làm chủ đầu tư với tổng diện tích 526ha, vốn đầu tư lên tới gần 20 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố đầu tư hơn 10 tỷ đồng. HADICO tự bỏ kinh phí 8 tỷ đồng để xây dựng khu nhà kính rộng 8.000m2, công nghệ nhập từ Israel. Theo chủ đầu tư, nhà kính có hệ thống máy cảm biến thu nhận các thông số: nhiệt độ, ánh sáng, nhu cầu dinh dưỡng của cây trồng và báo về hệ thống máy chủ. Sau đó, máy chủ phân tích số liệu và quyết định việc tưới và chăm sóc cho cây trồng hoàn toàn tự động. Năng suất các loại cây trồng trong khu nông nghiệp CNC sẽ gấp hàng chục lần năng suất trung bình mà nông dân đạt được. Theo đó, 1ha cà chua có thể cho sản lượng 250 – 300 tấn/năm, ớt ngọt 200 tấn/năm.

 

Để nông nghiệp CNC đạt hiệu quả tối ưu cần có đội ngũ cán bộ
có trình độ giỏi về công nghệ.


Thế nhưng, sau 5 năm hoạt động, khu nông nghiệp CNC đầu tiên của Hà Nội gặp quá nhiều khó khăn và dự án này gần như đã thất bại. ông Phan Minh Nguyệt, Chủ tịch, Tổng giám đốc HADICO cho biết, thành phố đã có quyết định di chuyển khu nhà kính sang xã Tây Tựu để dành đất làm khu đô thị mới. Công việc của cán bộ, nhân viên Công ty hiện tại là lo di chuyển khu nhà kính để trả đất cho chủ đầu tư mới.

Mặc dù được đầu tư vốn khá lớn nhưng các khu nông nghiệp CNC ở Hà Nội và Hải Phòng vẫn gặp nhiều khó khăn do thiếu cán bộ có trình độ giỏi về công nghệ. Theo nhiều chuyên gia, việc xây dựng và vận hành các khu nông nghiệp CNC cần hết sức quan tâm tới điều kiện tự nhiên như đất đai, mực nước ngầm, giao thông. Ngoài ra, phải thực hiện đúng quy trình canh tác trong nhà lưới như quản lý và xử lý giá thể, quản lý và xử lý dịch hại, quản lý và điều tiết tưới tiêu, làm mát, kể cả việc quản lý về dinh dưỡng…

Hiện nay, đa số các khu nông nghiệp CNC vẫn phải sử dụng hạt giống của những công ty bán và chuyển giao công nghệ. Sản phẩm nông nghiệp CNC có giá bán không cao nên chưa khuyến khích được sản xuất phát triển. Vốn đầu tư cho hệ thống hạ tầng quá lớn nên nhiều doanh nghiệp chưa có điều kiện triển khai. Nhiều thiết bị, công nghệ nhập tỏ ra chưa phù hợp với điều kiện ở nước ta (hệ thống tản nhiệt và che sáng, thu lại dinh dưỡng…). Ngoài ra, điều kiện cách ly chưa tuyệt đối đã ảnh hưởng lớn tới năng suất cây trồng. Chưa xác định được định mức kinh tế – kỹ thuật cho từng loại cây trồng trong từng thời vụ cụ thể; sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa có vùng chuyên canh, cung cấp khối lượng nông sản lớn.

Ông Nguyễn Tấn Hinh, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học – Công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho rằng: “CNC trong nông nghiệp là công nghệ có hàm lượng cao về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tích hợp từ các thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại như công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tin học, công nghệ tự động hóa… So với tiêu chí trên thì một số khu nông nghiệp CNC ở nước ta chưa đáp ứng được yêu cầu cả về nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo nhân lực. Một số thiết bị, công nghệ ngoại nhập tỏ ra chưa phù hợp, ảnh hưởng tới quá trình sản xuất và năng suất cây trồng. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực vận hành sản xuất chưa lành nghề, chưa có tác phong làm việc công nghiệp nên chưa đáp ứng được yêu cầu”.

Cũng theo một số chuyên gia, muốn làm nông nghiệp tới CNC, người sản xuất phải thay đổi phương thức làm ăn, phải có tư duy theo kiểu công nghiệp. Ngay cả nhiều cán bộ, kỹ sư trong ngành cũng chưa hiểu cặn kẽ về nông nghiệp CNC, chưa hiểu nếu áp dụng sẽ phải bắt đầu từ đâu, sẽ đi theo hướng nào chứ chưa nói đến nông dân. Và thực tế từ cách làm nông nghiệp CNC của nông dân cho thấy, nếu biết lựa chọn mô hình phù hợp thì vẫn có thể đạt hiệu quả mà không phải đầu tư tiền tỷ.

Bài II: Những con đường vươn tới công nghệ cao