Phát triển nghiên cứu khoa học và công nghệ ở trường đại học

ND – Ðào tạo và nghiên cứu khoa học là hai nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các trường đại học. Tăng nguồn thu từ hoạt động khoa học và công nghệ (KH và CN) của các trường đại học là một trong những dấu hiệu thể hiện sự phát triển KH và CN. Tuy nhiên, thời gian qua, nguồn thu từ hoạt động KH và CN chưa cao, chưa phát huy triệt để nguồn lực trong các trường đại học.

Giảng viên và sinh viên khoa Sinh trường
Đại học Vinh nghiên cứu trong
phòng
thí nghiệm.

Chưa phát huy hết nguồn lực
Theo Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT), nguồn kinh phí cho các hoạt động KH và CN bao gồm kinh phí từ ngân sách Nhà nước, các nguồn thu từ hoạt động hợp tác quốc tế và doanh thu từ hoạt động triển khai, chuyển giao các kết quả nghiên cứu. Ngân sách Nhà nước cấp cho các trường đại học thực hiện nhiệm vụ KH và CN tăng hằng năm (năm 2006 là hơn 259,5 tỷ, năm 2008 là hơn 264 tỷ đồng). Tuy nhiên, nguồn thu từ hoạt động KH và CN của các trường đại học từ năm 2006 đến năm 2008 còn rất thấp, chỉ chiếm 3,92% trong tổng nguồn tài chính của các trường đại học. Nguồn thu này chỉ tập trung ở một số trường kỹ thuật công nghệ, các trường khối kinh tế, giáo dục, dân lập, địa phương hầu như chưa có nguồn thu này. Ðáng chú ý, nguồn thu cơ bản của các trường tập trung từ hợp tác quốc tế và các nguồn thu khác, còn thu từ các hoạt động triển khai, chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học chỉ chiếm 0,39%. Tỷ lệ này cho thấy, hoạt động KH và CN của các trường đại học còn thấp, khó có thể đạt được mục tiêu của Nghị quyết 14/2005/NQ-CP của Chính phủ đề ra: Các trường đại học lớn phải là các trung tâm nghiên cứu khoa học mạnh của cả nước; nguồn thu từ các hoạt động KH và CN, sản xuất dịch vụ đạt tối thiểu 15% tổng nguồn thu của các cơ sở giáo dục đại học vào năm 2010 và 25% vào năm 2020.
Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường Bộ GD và ÐT Tạ Ðức Thịnh cho rằng, nguyên nhân của những yếu kém trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ ở các trường đại học do đội ngũ cán bộ KH và CN đầu ngành còn mỏng; trong khi lớp trẻ kế cận thiếu cả về số lượng và chất lượng. Cơ sở vật chất cho hoạt động khoa học của các trường đại học còn thiếu và lạc hậu. Qua rà soát ở 101 trường đại học cho thấy: có 2.083 phòng thí nghiệm với tổng diện tích gần 212 nghìn m2. Như vậy, bình quân mỗi trường đại học có khoảng 20 phòng thí nghiệm chưa đáp ứng kịp yêu cầu đào tạo và nghiên cứu khoa học của các trường đại học. Các trường chưa chủ động trong hoạt động KH và CN. Việc tổ chức đề xuất các nhiệm vụ KH và CN còn tự phát, phân tán, chưa có nhiều đề xuất mang tính định hướng chiến lược để hình thành những trường phái khoa học lớn, nhóm nghiên cứu quốc tế hoặc phát triển khoa học và công nghệ mang tính đột phá. Hoạt động KH và CN của các trường đại học chưa bám sát thực tiễn, khả năng đáp ứng nhu cầu xã hội thấp, hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ hạn chế. Thứ trưởng GD và ÐT Phạm Vũ Luận lại nêu lên một thực tế đáng quan tâm, hiện nhiều đề tài nghiên cứu sau khi nghiệm thu xong phải xếp vào ngăn kéo. Do vậy, khó có thể tăng nguồn thu cho trường từ hoạt động KH và CN. Hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa Hà Nội Nguyễn Trọng Giảng cho biết, các trường đại học chuyển giao công nghệ nhiều nhưng thu lại rất ít. Phần lớn các giảng viên trong trường tự động chuyển giao, do vậy dẫn đến tình trạng giảng viên giàu, nhà trường nghèo, không đủ kinh phí hoạt động. Hiệu quả nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển kinh tế – xã hội chưa cao, nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ chiếm tỷ lệ rất thấp so với các nguồn thu khác.
Ở khía cạnh khác, đến đầu năm học 2009-2010, cả nước có hơn 61 nghìn giảng viên cơ hữu là lực lượng có vai trò quan trọng trong phát triển nghiên cứu KH và CN của các trường đại học. Tuy nhiên, số lượng các nhà quản lý, giảng viên có trình độ cao còn thấp, chỉ có gần 2.300 người là giáo sư và phó giáo sư, hơn 6.200 người có trình độ tiến sĩ. Hơn nữa, các cán bộ, giảng viên trong các trường đại học, cao đẳng thường phải “chạy sô”, dạy quá tải ở nhiều trường, nhiều nơi khác nhau, khiến thời gian dành cho nghiên cứu khoa học hạn chế. Phần lớn các nhà nghiên cứu đều cho rằng, lâu nay các trường đại học chú trọng quá nhiều đến đào tạo mà “lãng quên” nhiệm vụ nghiên cứu hoặc nghiên cứu còn thiếu tính thực tiễn. Các đề tài  nghiên cứu đều nặng về lý thuyết, sản phẩm nghiệm thu chỉ phục vụ phần nào nghiên cứu lý luận, ít được ứng dụng trong thực tiễn.
Sản phẩm khoa học cần gắn với nhu cầu thực tiễn
Tìm hướng phát triển nhằm tăng nguồn thu từ hoạt động KH và CN của các trường đại học là cần thiết, nếu không sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn: Thiếu kinh phí cho nghiên cứu khoa học và sản phẩm khoa học kém không tạo được nguồn thu. Và như vậy, mong muốn để các trường đại học trở thành các trung tâm nghiên cứu khoa học sẽ khó thành hiện thực. Phát triển nghiên cứu KH và CN của các trường đại học cần tập trung vào nguồn nhân lực, cơ sở vật chất và chiến lược phát triển phù hợp. Trong đó, các trường không thể chỉ trông chờ vào nguồn kinh phí tự có cho hoạt động nghiên cứu khoa học mà phải tự vận động trên cơ sở uy tín và danh tiếng của mình. Gần đây, công trình nghiên cứu của PGS, TS Nguyễn Thị Trâm (Trường đại học Nông nghiệp Hà Nội) thực hiện chuyển giao công nghệ sản xuất hạt lai F1 của tổ hợp Việt Lai TH3-3, TH3-4 với giá trị 10,7 tỷ đồng là một minh chứng sinh động về kết quả nghiên cứu khoa học gắn với nhu cầu thực tiễn. Nhưng đó chỉ là những công trình nghiên cứu khoa học “đếm trên đầu ngón tay” được thương mại hóa, ứng dụng vào thực tiễn. TS La Thế Vinh (Trường đại học Bách khoa Hà Nội) khẳng định: Không ai phủ nhận thành quả của những nghiên cứu về mặt lý thuyết nhưng nếu chỉ chú trọng nghiên cứu cơ bản mà không quan tâm thực tiễn thì khó thu được kết quả có giá trị. Người làm nghiên cứu không chỉ giải quyết khâu chất lượng mà cần giải quyết cả vấn đề hiệu quả kinh tế dùng sản phẩm, mẫu mã, tính tiện ích nhằm thương mại hóa sản phẩm. GS, TS Phạm Hồng Chương (Trường đại học Kinh tế quốc dân) nhấn mạnh: Phần lớn các sản phẩm nghiên cứu của trường đại học cần được các doanh nghiệp sử dụng và biến chúng thành các sản phẩm cụ thể tạo doanh thu và lợi nhuận. Tăng cường liên kết trong hoạt động KH và CN, thương mại hóa sản phẩm KH và CN, ứng dụng vào sản xuất kinh doanh thông qua mối liên kết giữa nhà nước-trường đại học-địa phương-doanh nghiệp. Theo PGS, TS Nguyễn Mạnh Quân (Trường đại học Kinh tế quốc dân) thì cần mở “chợ” cho các sản phẩm KH và CN. “Chợ” này sẽ kết hợp bốn nhà là: Nhà nước, nhà đầu tư, nhà khoa học, nhà nông để tạo điều kiện gặp gỡ, trao đổi, liên kết đa phương; trong đó Nhà nước có vai trò là người tổ chức và chủ trì, các nhà khoa học cần “tự làm mới mình” để sản phẩm tạo ra “thân thiện với người dùng” và đạt doanh thu cao. PGS, TS Nguyễn Thị Trâm lại quan tâm việc đánh giá sản phẩm của đề tài với thời gian tồn tại của sản phẩm trong sản xuất là bao lâu? Mức độ ứng dụng sản phẩm rộng hay hẹp? Hiệu quả kinh tế, kỹ thuật của sản phẩm ra sao?
Nghiên cứu KH và CN trong các trường đại học là phục vụ trực tiếp cho sự phát triển và nâng cao chất lượng GD và ÐT. Mặt khác, nghiên cứu KH và CN xuất phát từ nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế – xã hội đất nước. Vì vậy, hoạt động KH và CN cần được quan tâm đúng mức, trở thành một hoạt động chính trong các trường đại học, cao đẳng. Nguồn thu từ KH và CN sẽ trở thành một trong những nguồn thu chính của các trường. Có như vậy, các trường đại học mới sớm trở thành các trung tâm nghiên cứu khoa học mạnh của cả nước.