Nguồn vốn cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao: Bài toán khó

Năm 2009, doanh thu bình quân trên mỗi hecta canh tác nông nghiệp ở Lâm Đồng đạt 65 triệu đồng/năm. Trong kết quả đáng ghi nhận đó, có sự đóng góp rất lớn của phong trào sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao.

Nông dân sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao ở Lâm Đồng đang “khát” vốn.

Tuy nhiên, một trong những khó khăn mà nông dân và các thành phần kinh tế đã và đang phải đối mặt, đó là nguồn vốn để đầu tư đổi mới cơ sở vật chất, đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất còn gặp nhiều khó khăn.

Là một trong những người đầu tiên mạnh dạn thành lập hợp tác xã sản xuất rau an toàn, ông Trần Đức Quang, Chủ nhiệm HTX rau an toàn Xuân Hương – Đà Lạt rất “thấm thía” cái cảnh phải chạy ngược chạy xuôi vay vốn đầu tư cơ sở vật chất. Chính vì những nguyên nhân đó mà qua gần 7 năm hoạt động, HTX chỉ mới làm được 3,5ha nhà kính trên tổng số 5ha đất hiện có. ông Quang phân trần: “HTX chúng tôi không vay được vốn của ngân hàng, vì HTX không có tài sản thế chấp. Hiện nay chúng tôi chưa có trụ sở, chưa có kho, nên phải mượn nhà xã viên làm văn phòng”.

Thành phố Đà Lạt hiện có 10.000/12.000 nông hộ có nhu cầu vay vốn để đầu tư đổi mới cơ sở vật chất. Theo quy định chung, mỗi sào đất nông nghiệp, nông dân chỉ được thế chấp vay 15 triệu đồng, thời hạn 12 tháng. Nếu so với nhu cầu thực tế của nông dân sản xuất theo hướng công nghệ cao, khoản tiền này không những ít mà thời hạn vay cũng quá ngắn. Thời gian gần đây, Chính phủ đã triển khai gói kích cầu trong nông nghiệp nhưng do thủ tục quá rườm rà nên nông dân không mấy quan tâm đến gói kích cầu này. Ông Trần Văn Dũng, nông dân phường 7 cho rằng, ngân hàng chỉ cho vay 10 – 15 triệu đồng thì làm sao mà đầu tư làm nông nghiệp công nghệ cao?

Với nông dân sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao ở Lâm Đồng, đầu tư nhà kính, nhà lưới và tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật là chuyện phải làm. Nhưng do nguồn vốn hạn chế, nên tốc độ triển khai gặp nhiều trở ngại. Điều này dẫn đến tình trạng đầu tư chắp vá, thiếu khoa học. Anh Lê Văn Ba, HTX Nông nghiệp tổng hợp An Phú (xã Hiệp An, huyện Đức Trọng) khẳng định, nếu như các HTX và nông dân có nguồn vốn lớn thì có thể đầu tư máy móc đưa sản phẩm vào các siêu thị.

Rõ ràng, sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao là tất yếu nhưng đòi hỏi vốn lớn. Vì thế, cần phải có giải pháp phù hợp mang tính trước mắt cũng như lâu dài, nếu không nguồn vốn sản xuất công nghệ cao vẫn mãi là bài toán khó đối với nông dân.