Vừa qua, ngày 10.9.2020 tại Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ thủy sản, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức thành công Hội thảo cơ sở khoa học và thực tiễn trong nghiên cứu sinh sản cá Nâu.
Tham dự Hội thảo có tổng số 48 đại biểu đầy đủ các thành phần: Sở Khoa Học và Công nghệ tỉnh – Cơ quan quản lý; Trường Đại Học Nông Lâm – Cơ quan Chủ trì; Trưởng khoa Thủy sản và các thành viên đề tài, nhóm nghiên cứu; Đại diện trung tâm khuyến Nông tỉnh; Chi cục thủy sản; Trung tâm giống cấp tỉnh; cùng 16 thầy cô giáo, hội đồng Khoa học & Đào tạo và sinh viên khoa thủy sản.
Sau hơn 2 năm thực hiện nhiệm vụ cấp tỉnh về sinh sản cá Nâu tại đầm phá tỉnh Thừa Thiên Huế, TS. Nguyễn Văn Huy và cộng sự đã bước đầu sinh sản thành công loài cá có giá trị kinh tế bậc nhất đầm phá hiện nay. Quy trình sản xuất giống cá Nâu đã được Hội đồng khoa học thông qua, được đánh giá là một trong những đề tài thành công nhất, góp phần khẳng định được vị thế của khoa Thủy Sản, một trong những nơi đào tạo kỹ sư có uy tin trên cả nước.
Tại hội thảo đã lắng nghe các báo cáo do chủ trì và thành viên đề tài trình bày. Báo cáo về những vấn đề khó khăn và cần có lời giải khi nghiên cứu sinh sản cá nâu ở Huế; Cơ sở khoa học và thực tiễn trong sinh sản cá Nâu (Scatophagus argus) ở Thừa Thiên Huế; Một số kết quả đạt được và Bài học kinh nghiệm trong sinh sản nhân tạo ca biển ở Thừa Thiên Huế nói chung và cá Nâu nói riêng.
Sự thành công của đề tài đã mở ra hướng đi đầy triển vọng trong việc sản xuất và bảo tồn nguồn gen của các loài cá bản địa ở khu vực đầm phá Thừa Thiên Huế. Kết quả đề tài được đánh giá rất cao, tiếp tục được đưa vào kế hoạch nghiên cứu ở giai đoạn tiếp theo để hoàn thiện và sản xuất thử nghiệm vào năm 2021.