Để đánh giá thực trạng và công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), dự báo nhu cầu nhân lực về số lượng, chất lượng, cơ cấu; từ đó xác định quan điểm, phương hướng, giải pháp phát triển, đào tạo nguồn nhân lực cho ngành TN&MT đáp ứng tốt nhu cầu của ngành và nhu cầu xã hội từ nay đến 2030.
Ngày 06 tháng 12 năm 2010, Bộ TN và MT phối hợp với Bộ GD và ĐT đã tổ chức Hội nghị toàn quốc về đào tạo nhân lực theo nhu cầu ngành TN và MT thông qua truyền hình trực tuyến tại 03 điểm đầu cầu tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh với sự tham gia của Bộ TN và MT, Bộ GD và ĐT, Bộ Nội Vụ và các Trường ĐH, các CQ chuyên môn trên toàn quốc. Trường ĐHNL Huế được mời tham dự Hôi nghị tài đầu cầu Đà Nẵng. Tham gia Hội nghị này, Đại diện trường ĐHNL Huế, TS. Huỳnh Văn Chương, Trưởng Khoa TNĐ và MTNN đã có bài viết được đăng trong kỷ yếu chung của Bộ và đã trình bày tham luận trực tiếp tại Hội nghị này với chủ đề “ Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành TN và MT gắn với nhu cầu thực tế của xã hôi của Trường ĐHNL- Đại học Huế”.
Hội thảo đã tập trung thảo luận và làm rõ những vấn đề sau:
-
Phát triển đào tạo nhân lực ngành TN và MT phải đảm bảo gắn liền với phát triển kinh tế, xã hội và phải xem đây là khâu đột phá phát triển ngành TN và MT
-
Xem phát triển đào tạo nhân lực ngành TN và MT là nhiệm vụ cấp bách của các cấp, các ngành và toàn xã hội.
-
Đào tạo nguồn nhân lực TN và MT ở các cơ sở đào tạo cần có tính chiến lược lâu dài, là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng yêu cầu của kinh tế hoá ngành TN và MT.
-
Đào tạo nguồn nhân lực ngành TN và MT phải đảm bảo gắn liên với việc bố trí, sử dụng, nhằm phát huy đầy đủ năng lực, phẩm chất của cán bộ, công chức, viên chức.
Phát biểu đại diện cho Trường ĐHNL Huế tại Hội nghị đã tập trung vào vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và đã đưa ra các kiến nghị với Bộ TN và MT và các địa phương miền Trung và Tây nguyên một số vấn đề sau:
Một là: Trường Đại học Nông Lâm Huế được tham gia vào quá trình góp ý và xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực TN và MT chất lượng cao đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 toàn quốc do phía Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì.
Hai là: Trường Đại học Nông Lâm Huế và Bộ Tài Nguyên và Môi trường xúc tiến bàn bạc và đi đến thống nhất ký kết qui chế phối hợp về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và nghiên cứu khoa học lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường cho miền Trung và Tây nguyên.
Ba là: Thúc đẩy sự phát triển và nâng cao hiệu quả hợp tác trong các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và các dịch vụ khoa học – công nghệ giữa các cơ sở đào tạo, viện, trung tâm nghiên cứu và các cơ quan, đơn vị của Trường Đại học Nông Lâm Huế và của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Bốn là: Phối hợp tổ chức hội thảo, hội nghị khoa học và các lĩnh vực khác mà hai bên cùng quan tâm ở cấp ngành, địa phương và cấp Quốc gia.
Năm là: Cán bộ khoa học của Trường được tham gia vào các hoạt động đào tạo và NCKH do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý để nắm bắt và chia sẽ thông tin.
Sáu là: Trong một số trường hợp cần thiết, Bộ Tài nguyên và Môi trường có thể đặt hàng đào tạo và NCKH với Trường Đại học Nông Lâm Huế, đặc biệt trên một số lĩnh vực mà Trường có thế mạnh như Quản lý đất đai, Môi trường nông thôn, Quản lý tài nguyên đất và nước, Quản lý môi trường, Qui hoạch và sử dụng đất, Quản lý nhà nước về đất đai.
Bảy là: Trường Đại học Nông Lâm Huế ưu tiên cơ chế đặt hàng của Bộ với các chương trình đào tạo và nghiên cứu trình độ cao như liên kết đào tạo Thạc sỹ, Tiến sỹ với nước ngoài về các lĩnh vực Bộ đang cần nguồn nhân lực; liên kết nghiên cứu với nước ngoài về kỹ thuật, công nghệ để giải quyết các vấn đề thực tiễn đang đặt ra cho sự nghiệp phát triển Tài nguyên và Môi trường.
Tám là: Đa phần sinh viên được nhận về các cơ quan chuyên môn thực tập giáo trình, thực tập tốt nghiệp hiện nay là qua các mối quan hệ và trong thực tập có thể được cơ quan đến thực tập giao thêm một số việc nhưng ít và không được giúp đỡ sinh viên về mặc vật chất. Do vậy, trong thời gian tới Nhà nước phải ban hành các qui định cụ thể về vấn đề này vì đó chính là trách nhiệm xã hội trong đào tạo của người đứng đầu các cơ quan và cả cơ quan.
Chín là: Việc thu thập tìm kiếm thông tin và nhận được các thông tin về tình hình hoạt động là một vấn đề khó khăn ở các cơ quan chuyên môn hiện nay. Chính điều này cũng làm hạn chế khả năng tiếp cận kiến thức thực tế của sinh viên. Trong vấn đề này, Nhà nước cần có các qui định cụ thể về công khai hóa thông tin từ các cơ quan phục vụ cho việc đào tạo và NCKH.