Theo thông lệ từ 2010, hàng năm để kỷ niệm các ngày lễ Giải phóng Miền Nam 30/04 và Quốc tế Lao động 01/05, Công đoàn Khoa Cơ Bản, Đại học Nông Lâm Huế tổ chức Giải Cờ tướng mở rộng với sự tham dự của các đoàn viên thuộc Khoa và một số đơn vị liên quan, nhằm mục đích thắt chặt mối đoàn kết giữa các thành viên tham dự, cùng giúp nhau rèn dũa óc tư duy logic và tính cẩn trọng, những yếu tố cần thiết của cán bộ làm công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Do thời gian hạn chế, Giải chỉ tiến hành trong phạm vi 1-2 ngày; tuy nhiên, quá trình chuẩn bị của các đấu thủ là cả năm trước đó, nhất là từ thời điểm bắt đầu đăng ký và bốc thăm chọn bảng thi đấu vòng loại. Các đấu thủ thường tranh thủ tập luyện vào những thời điểm rỗi rãi, tại bất kỳ nơi nào có thể bày ra 72 ô vuông của bàn Cờ tướng, có thể là nhà riêng hoặc những nơi quy tụ các cao thủ (như các quán cà phê đường Đinh Tiên Hoàng hay Phan Đình Phùng), hoặc thậm chí trên các trang web như GameOnline…
1. Giải lần thứ I, năm 2010 (liên Cơ bản)
Khoa Cơ Bản, bước đầu khôi phục lại với đội ngũ cán bộ từ Trung tâm Giảng dạy Thực hành Cơ bản, đã phối hợp chặt chẽ với Khoa Khoa học Cơ Bản, Đại học Y Dược trong công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học và sinh hoạt văn nghệ – thể thao. Giải Cờ tướng lần thứ I có 12 đấu thủ, trong đó có 4 cán bộ Toán-Tin, 3 cán bộ Hóa học, 1 cán bộ Vật lý, 1 cán bộ Sinh học (tính cả cán bộ kiêm nhiệm), ngoài ra có thêm 3 đấu thủ của Khoa Khoa học Cơ Bản, Đại học Y Dược Huế. Thời gian tiến hành là 2 ngày chủ nhật liền, ngày đầu thi đấu vòng loại (31/01/2010), ngày sau thi đấu bán kết và chung kết (07/02/2010).
Kết quả: đấu thủ Trần Tùng Quân, Bộ môn Toán Tin, Đại học Y Dược đạt giải Nhất; đấu thủ Nguyễn Bá Hai, Bộ môn Sinh học đạt giải Nhì; đấu thủ Nguyễn Xuân Hào, giáo viên mời Bộ môn Toán Tin đạt giải Ba.
Bước đầu nhận xét, Giải lần thứ I đã gây được không khí tranh đua sôi nổi, tuy nhiên, chất lượng thi đấu chưa thật hoàn hảo, một số đấu thủ bỏ cuộc (sau khi đăng ký thi đấu) vì vướng công việc khác (khoảng cách 1 tuần giữa 2 buổi thi đấu ít nhiều làm loãng không khí sối động của Giải). Đặc biệt, vòng chung kết có đến 67% (2/3 đấu thủ) có độ tuổi U60, chứng tỏ nguồn phát triển trong tương lai còn ít nhiều hạn chế.
2. Giải lần thứ II, năm 2011 (liên khoa Cơ Bản – Thủy Sản – CNTY – CKCN)
+ các ván cờ, đặc biệt từ vòng bán kết, đã thể hiện sự tập trung cao độ của các đấu thủ; nhiều nước đi đã mất khá nhiều thời gian để thực hiện, tuy nhiên vẫn trong phạm vi thời gian quy định, chưa đến mức phải dùng đồng hồ tính giờ;
+ các đấu thủ trẻ tuổi đã vươn lên mạnh mẽ, tranh giành suất vào bán kết với các đấu thủ U60, ba đấu thủ ở vòng chung kết đều thuộc lứa U30; đặc biệt, đấu thủ đạt giải Nhất (Nguyễn Trường Giang) nguyên là đấu thủ Cờ vua, nay chuyển sang thi đấu Cờ tướng, là minh chứng cho thấy sự kết hợp hài hòa giữa hai thể loại Cờ;
+ các đấu thủ lớn tuổi tuy phải dừng chân ở bán kết những cũng chứng tỏ sự kiên cường của tuổi già kinh nghiệm; đấu thủ Nguyễn Bá Hai có lẽ là vật cản lớn nhất của giải Nhất, khi Nguyễn Tường Giang phải chật vật vượt qua bán kết với tỷ số 2-1.
3. Giải lần thứ III, năm 2012 (các Tổ CĐ Cơ bản, CTSV, ĐTĐH)
Với chủ trương tránh thời gian chết, các đấu thủ đã đề nghị trọng tài cho thi đấu trong ngày 15/04/2012, liên tục vòng loại, bán kết, chung kết, chỉ nghỉ trưa 30 phút để ăn cơm tại chỗ trong căn tin (mỗi đấu thủ dùng 1 dĩa cơm bình dân như sinh viên trong Trường). Ngoài kinh phí giải thưởng do Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở ĐHNL hỗ trợ (được thống nhất sẽ đóng góp để tổng kết Giải), các đấu thủ đề nghị được nộp thêm kinh phí cho các hoạt động của Giải. Vòng loại bắt đầu thứ 7g và kết thúc lúc 10g30 (mỗi bảng 4 đấu thủ thi đấu trên 2 bàn cờ, mỗi bàn 3 lượt, không kể thời gian chờ đối thủ đang thi đấu lượt trước), các đấu thủ được vào bán kết chỉ uống hớp nước rồi vào cuộc luôn. Đấu thủ Nguyễn Bá Hai (60 tuổi) đang phải trông coi thợ làm nhà trong khu tập thể cán bộ, vẫn tranh thủ về nhà khi kết thúc ván cờ, khi có đối thủ lại được mời ra thi đấu tiếp. Đấu thủ Hoàng Hữu Tình (Tổ CĐ Sinh học)
Tay cờ đột biến nổi bật nhất của Giải là đấu thủ Thái Doãn Hùng, Tổ CĐ CTSV. Ở Giải lần II, đấu thủ Hùng không vào đến bán kết, nay qua Giải lần III, đã lách qua cách cửa hẹp ở vòng loại (Nhì bảng B), thắng 2-0 ở Bán kết, tiến thẳng vào Vòng Chung kết và đạt giải Nhất với 2 ván toàn thắng. Có thể nói thêm, góp phần cho chiến thắng này là sự căng thẳng của các trận Bán kết, các đấu thủ Nguyễn Đức Hồng, Dương văn Hậu có vẻ như đã vắt kiệt sức trong các trận bán kết với Nguyễn Nam Quang, Nguyễn Xuân Cảnh, nên ở Vòng Chung kết, các nước cờ đã thiếu hẳn sự linh hoạt, sắc sảo vốn có trong các vòng trước đó. Kết quả: đấu thủ Thái Doãn Hùng (CTSV) đạt giải Nhất; đấu thủ Nguyễn Đức Hồng (Toán-Tin) đạt giải Nhì; đấu thủ Dương văn Hậu (Hóa) đạt giải Ba; các đấu thủ Đào Lê Minh Tuấn (Hóa), Nguyễn Xuân Cảnh (ĐTĐH), Nguyễn Nam Quang (ĐTĐH) đạt giải Khuyến khích (dành cho đấu thủ vào bán kết); đấu thủ Nguyễn Bá Hai (59 tuổi) nhận giải Đấu thủ cao tuổi; đấu thủ Nguyễn thị Tuyết Lan (Toán-Tin) nhận giải Đấu thủ Nữ.
Chất lượng Giải lần III đã nâng cao rõ rệt, nhưng các đấu thủ có đề nghị: nên chăng bổ sung lượt đi, lượt về khi thi đấu Vòng tròn, nhất là Vòng Chung kết, để hạn chế những sơ sót ở ván quyết định? Điều này lệ thuộc không ít vào thời gian thi đấu dự kiến gói gọn trong 1 ngày, và thể trạng tinh thần của các đấu thủ, đó là câu hỏi mở mà Ban Tổ chức Giải đang mong sự góp ý từ khắp mọi nơi của những người quan tâm.
Phụ lục (trích Điều lệ Giải Cờ tướng)
Điều 5. Đánh giá kết quả ván đấu & kết quả trận đấu (xem Luật Cờ tướng, Ủy ban TDTT, 2007)
5.1. Đánh giá kết quả ván đấu
Quy định chung
+ Người không có nhiệm vụ không vào phòng thi đấu; trong phòng chỉ có các đấu thủ và trọng tài;
+ Đấu thủ thi đấu xong khi chờ thi đấu tiếp, có thể xem ván cờ khác, nhưng không được lên tiếng hoặc có thái độ mách nước; nếu vi phạm bị trừ 0.5 điểm trên tổng điểm thi đấu;
+ Tại vị trí thi đấu, tuyệt đối không hút thuốc, không làm ồn ào, ảnh hưởng đến đối thủ;
+ Việc phân đi tiên, đi hậu của mỗi ván đấu phải theo quy định mã số công thức;
+ Đấu thủ chạm quân nào phải đi quân đó (nếu sửa quân cờ phải xin phép đối phương), tay rời quân cờ là kết thúc nước đi; nếu chạm quân cờ không có nước đi hợp lệ thì được đi lại, bị tính là 1 lỗi kỹ thuật; phạm 3 lỗi kỹ thuật bị xử thua;
+ Các quân cờ đều có thể chiếu tướng tất cả các mặt;
+ Sau 90 phút thi đấu, nếu hai đấu thủ vẫn chưa hoàn thành ván cờ, mỗi bên được đi thêm 15 nước nữa, mỗi nước tính tối đa 60 giây; nếu sau đó vẫn chưa hoàn thành ván cờ thì xử hòa.
Đấu thủ bị xử là THUA ván cờ nếu phạm vào những điều sau đây:
+ bị đối thủ chiếu tướng mà không chống đỡ được, hoặc không chống đỡ mà lại đi nước khác;
+ bị đối thủ đưa vào thế không đi được nước nào;
+ phạm 3 lỗi kỹ thuật (theo quy định chung)
+ đến muộn 15 phút từ thời điểm thi đấu; hoặc khi thi đấu, ra ngoài quá 15 phút; xem như bỏ cuộc; nếu bỏ cuộc 2 ván xem như bị loại, không được thi đấu tiếp, xem như thua tất cả các trận còn lại;
+ bị đưa về 1 trong các thế buộc phải thay đổi nước đi, được quy định trong Luật Cờ tướng, được trọng tài công nhận, nhưng vẫn không chịu thay đổi;
Đấu thủ được xử là HÒA ở trong các trường hợp sau đây:
+ được đối thủ đề nghị hòa và được trọng tài công nhận;
+ cùng với đối thủ thi đấu quá thời gian 120 phút (theo quy định chung);
+ đưa về 1 trong các thế hòa được quy định trong Luật Cờ tướng, được trọng tài công nhận, dù đối thủ vẫn yêu cầu thi đấu tiếp;
5.2. Đánh giá kết quả thi đấu vòng tròn
Mỗi cặp đấu thủ gặp nhau 1 ván (thắng 1 điểm, hòa 0.5 điểm, thua 0 điểm); xếp hạng chung trong bảng sau khi thi đấu theo thứ tự ưu tiên sau:
+ tính tổng số điểm: đấu thủ nhiều điểm hơn được xếp trên, nếu vẫn bằng nhau thì
+ tính hệ số Bergue (tính tổng của số điểm những đầu thủ mà mình thắng, nửa số điểm những đấu thù mà mình hòa): đấu thủ hệ số cao hơn được xếp trên; nếu vẫn bằng nhau thì
+ tính tổng số ván thắng: đấu thủ có số ván thắng nhiều hơn được xếp trên, nếu vẫn bằng nhau
+ tính tổng số ván tháng đi hậu: đấu thủ có số ván thắng đi hậu nhiều hơn được xếp trên, nếu vẫn bằng nhau thì bốc thăm chọn người xếp trên.
Điều 22: GIẢI THÍCH THUẬT NGỮ
1. Bắt quân hay ăn quân: quân của một bên thay thế vào vị trí của một quân đối phương và nhấc quân đó của đối phương bỏ ra ngoài một cách hợp lệ.
2. Chiếu Tướng: là nước đi trực tiếp tấn công vào Tướng của đối phương; hai quân cùng chiếu một lúc gọi là lưỡng chiếu.
3. Dọa hết: đi một nước cờ dọa nước sau chiếu hết Tướng đối phương.
4. Dọa bắt: đi một nước cờ dọa nước sau bắt quân của đối phương (trừ quân Tướng).
5. Đổi quân: nước đi mà hai bên bắt quân lẫn nhau.
6. Cản quân: đi quân làm cản trở đường di chuyển của quân đối phương.
7. Thí quân: đi quân cho đối phương bắt để đôi lấy một lợi thế khác hoặc chiếu hết Tướng đối phương.
8. Nước chờ: là nước đii không thuộc các nước chiếu hết, dọa hết, dọa bắt, đổi quân, chặn quân, thí quân.
9. Chiếu mãi: là nước chiếu liên tục, không ngừng.
10. Dọa hết mãi: là nước liên tục dọa hết.
11. Đuổi bắt mãi: đuổi bắt mãi một quân của đối phương, lặp đi lặp lại nhiều lần không thay đổi.
12. Nước đỡ: là nước chống đỡ một nước chiếu hoặc nước dọa bắt quân của đối phương
13. Chiếu lại: đi một nước phá bỏ nước chiếu của đối phương, đồng thời chiếu lại đối phương.
14. Có căn, không căn: quân cờ được quân khác bảo vệ thì gọi là có căn (hay hữu căn). Ngược lại nếu quân cờ không có quân khác bảo vệ thì gọi là không căn (hay vô căn).
15. Căn thật: khi bị quân của đối phương bắt mà quân bảo vệ của mình có thể bắt lại ngay quân của đối phương thì đó là căn thật.
16. Căn giả: Nếu quân bảo vệ của mình không ăn lại dược quân đối phương thì đó là căn giả.
17. Một chiếu, một dọa hết: chiếu Tướng đối phương một nước, tiếp sau một nước dọa hết. Điều giải thích này cũng được dung cho “một chiếu, một bắt”.
18. Hai chiếu, một chiếu lại: một bên đi mãi nước chiếu, còn bên kia chống đỡ nước chiếu thì cứ hai nước có một nước chiếu lại.
19. Hai đuổi bắt, một bắt lại: một bên đuổi bắt liên tục quan đối phương, còn bên kia trong hai lần giải thoát có một lần bắt lại quân đối phương.
20. Hai đuổi bắt, hai đuổi bắt lại: một bên đi liên tục hai lần đuổi bắt quân đối phương, con bên kia hai lần giải thoát lại là hai lần đuổi bắt lại quân đối phương.
Điều 22: MƯỜI ĐIỂM CHÍNH KHI XỬ VÁN CỜ
Điểm 1: chiếu mãi bị xử thua.
Điểm 2: dọa hết mãi, một chiếu một dọa hết, một chiếu một bắt, một chiếu một dừng, một chiếu một đòi rút ăn quân, một bắt một rút ăn quân, nếu hai bên không thay đổi nước đi thì xử hòa.
Điểm 3: một quân đuổi bắt mãi một quân thì xử thua (trừ đuổi bắt mãi Tốt chưa qua song); hai quân hoặc nhiều quân bắt mãi một quân cũng xử thua.
Điểm 4: một quân lần lượt đuổi bắt mãi hai hoặc nhiều quân thì xử hòa; hai quân thay nhau bắt mãi hai hoặc nhiều quân cũng xử hòa.
Điểm 5: hai bắt một bắt lại, thì bên hai bắt (chỉ bắt cùng một quân) cũng là phạm luật bắt mãi, phải thay đổi nước đi, nếu không sẽ bị xử thua,
Điểm 6: đuổi bắt mãi quân có căn thật thì xử hòa, bắt mãi quân có căn giả thì xử thua. Nhưng quân Mã hoặc quân Pháo nếu đuổi bắt mãi quân Xe có căn thật cũng bị xử thua,
Điểm 7: đuổi bắt mãi quân có căn thật thì xử hòa, nhưng nếu quâ ấy bị ghim không dịch chuyển được thì vẫn coi là bắt mãi, nếu không đổi thì xử thua. Quân Mã đuổi bắt mãi quân Mã bị cản vẫn coi là đuổi bắt mãi, nếu không đổi bị xử thua.
Điểm 8: đuổi bắt mãi hai nước nhưng trong đó có một nước thực chất là đuổi quân mà đối phương không chịu thì vẫn coi là bắt mãi; bắt mãi kèm đòi đổi mãi đều coi là bắt mãi, bắt buộc phải thay đổi nước đi.
Điểm 9: Tướng hoặc Tốt bắt mãi bất kỳ quân nào nếu không thay đổi nước đi thì xử hòa. Nếu chúng phối hợp với một Xe, một Mã hoặc một Pháo để bắt mãi một quân thì cũng xử hòa.
Điểm 10: các nước cản mãi, thí quân mãi, đòi đổi mãi, dọa mãi chiếu rút bắt quân đều cho phép, nhưng nếu không đổi nước đi, đều xử hòa.