Sau thời gian tập huấn, chuyển giao công nghệ và thiết bị từ Viện nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI) cùng đội ngũ tư vấn kỹ thuật đến từ Trường Đại học Nông Lâm (ĐHNL), Đại học Huế (ĐHH) tại Hợp tác xã (HTX) sản xuất nông nghiệp (SXNN) An Lỗ, xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Sản phẩm phân bón hữu cơ từ rơm được sản xuất theo phương pháp nông nghiệp tuần hoàn, bền vững và ứng dụng cơ giới hóa vào quá trình sản xuất, sản phẩm đã được đưa vào sử dụng và đưa ra thị trường, người nông dân sản xuất nông nghiệp tại huyện Phong Điền cũng như trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
Rơm rạ sau khi thu hoạch được ủ, trộn đều và bổ sung thêm các vi sinh vật cần thiết cùng với quá trình kiểm tra, kiểm soát, quản lý, lấy mẫu để phân tích, đánh giá chất lượng liên tục tại đồng, phân sẽ được đóng bao để thuận tiện vận chuyển và cung cấp cho người nông dân cũng như các cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
Chia sẻ về kỹ thuật sản xuất phân bón hữu cơ, GS.TS. Hoàng Thị Thái Hoà (thành viên nhóm tư vấn kỹ thuật của ĐHNL, ĐHH, người đã vinh dự nhận Giải thưởng Kovalevskaia năm 2023 – Giải thưởng Quốc tế dành cho nhà khoa học nữ xuất sắc trong lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ): “Việc sản xuất phân hữu cơ từ rơm với công nghệ sinh học và cơ giới hóa sản xuất sẽ rút ngắn thời gian ủ phân (45 – 60 ngày), bằng một nửa thời gian so với phương thức ủ thủ công truyền thống; tăng số lượng phân hữu cơ được sản xuất; chất lượng phân hữu cơ được nâng cao góp phần phát triển nền nông nghiệp hữu cơ, tăng thu nhập và bảo vệ môi trường.”
Đại diện nhóm thực hiện chương trình, PGS.TS. Đỗ Minh Cường cho biết: Công nghệ và thiết bị được đưa vào sản xuất đã được nhóm trao đổi cùng IRRI và các chuyên gia, nhà khoa học của trường ĐHNL để thực hiện. Hiện nay, các thiết bị và công nghệ này đều có thể sản xuất và chuyển giao tại trường ĐHNL, ĐHH nên nông dân yên tâm khi áp dụng công nghệ và thiết bị này vào sản xuất trong thời gian tới.
Giám đốc HTX Nông nghiệp An Lỗ (xã Phong Hiền, huyện Phong Điền) Nguyễn Ba cho biết, hợp tác xã đang sản xuất khoảng 44 ha lúa/vụ, trong đó, có 12 ha lúa/vụ lúa hữu cơ nên việc sản xuất và đưa phân hữu cơ vào sản xuất lúa hữu cơ tại HTX là rất phù hợp và cần thiết. Qua đó, hoàn thiện quy trình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, khép kín, chủ động được các nguồn cung ứng nguyên vật liệu, vật tư nông nghiệp sản xuất hữu cơ tại HTX, đây là vấn đề mà lâu nay HTX vẫn đang loay hoay tìm phương án. Ngoài ra, hợp tác xã sẽ tận dụng nguồn phân hữu cơ này để mở rộng thêm sản xuất theo hướng hữu cơ tại địa bàn góp phần tăng độ phì nhiêu cho đất, giảm chỉ phí đầu vào tăng thu nhập cho bà con.
Ngoài sản phẩm phân bón hữu cơ từ rơm được đóng bao, HTX còn cung cấp và kinh doanh phân bón hữu cơ trực tiếp tại xưởng sản xuất. Phân bón hữu cơ sau khi sản xuất xong có thể vận chuyển trực tiếp đến nông hộ hoặc tại đồng ruộng nếu người sản xuất có nhu cầu.
Sản phẩm được giới thiệu và bày bán tại cửa hàng giới thiệu sản phẩm của HTX SXNN An Lỗ, xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế (bên cạnh chợ An Lỗ, tỉnh Thừa Thiên Huế). Đồng thời, sản phẩm đã được bày bán, kinh doanh tại các cửa hàng vật tư nông nghiệp ở TP Huế, cửa hàng giới thiệu sản phẩm nông nghiệp trường ĐHNL, ĐHH (102 Phùng Hưng, phường Đông Ba, TP Huế) cũng như các cửa hàng kinh doanh sản phẩm nông nghiệp, thiết bị vật tư nông nghiệp trên toàn tỉnh. Ngoài ra, hộ nông dân hay các đơn vị SXNN có thể liên hệ, đặt hàng qua điện thoại: 0967.096383 (ông Nguyễn Ba – Giám đốc HTX SXNN An Lỗ), 0905.979255 (PGS.TS. Đỗ Minh Cường – Trưởng nhóm tư vấn dự án của Khoa Cơ khí và Công nghệ, Trường Đại học Nông Lâm Huế)
Thông tin liên hệ văn phòng HTX SXNN An Lỗ: chị Chung 0389897234, fanpage: Gạo Hữu Cơ_HTX NN An Lỗ